Tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án trên địa bàn Hải Lăng

Chiều nay 26/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP) và đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: L.M

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: L.M

Khu công nghiệp Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án do liên doanh Vsip - Amata - Sumitomo làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2.074,33 tỉ đồng, quy mô 481,2 ha, vị trí triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn gồm: Hải Trường, Hải Lâm, Diên Sanh. Quá trình triển khai quy hoạch dự án đang gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo đó, trong phạm vi triển khai dự án có 413 ha nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014; 52,7 ha chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng mỏ sét đồi khu vực Tân Chính; vướng mắc trong thủ tục thỏa thuận đấu nối giữa Khu công nghiệp Quảng Trị với Quốc lộ 1, Quốc lộ 15D và 2 khu tái định cư ở địa phương.

Bên cạnh đó, xử lý các vướng mắc về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân phục vụ khu công nghiệp; bố trí ngành nghề thu hút vào khu công nghiệp; quy hoạch xây dựng mương thoát nước hở quanh khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, Khu công nghiệp Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở tham vấn của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nút thắt vướng quy hoạch dự trữ khoáng sản đã được tháo gỡ.

Đối với quỹ đất bố trí nhà ở công nhân không phải là điều kiện bắt buộc trong quy hoạch khu công nghiệp. Liên quan đến việc đấu nối với các các quốc lộ đều đủ điều kiện để đấu nối, riêng đấu nối với các khu tái định cư, giao Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với địa phương xử lý đúng quy định. Giao UBND huyện Hải Lăng tích cực phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, hoàn thành quy hoạch trước ngày 10/12/2021.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải do Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ môi trường GFC làm chủ đầu tư với quy mô sử dụng đất 17 ha, công suất 100 tấn/ngày; vị trí xây dựng tại vùng đồi xã Hải Sơn. Nhà máy xử lý chất thải sẽ được đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại để xử lý các loại chất thải rắn, lỏng từ nguy hại đến thông thường và có tái chế...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc đầu tư nhà máy xử lý chất thải là hết sức cần thiết trong điều kiện công nghiệp địa phương đang ngày càng phát triển. Đặc biệt, hiện tại địa bàn Hải Lăng vẫn đang xử lý chất thải sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp chưa đảm bảo môi trường. Việc xây dựng dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 xử lý chất thải sinh hoạt, quá trình hoạt động hiệu quả mới triển khai giai đoạn 2 là xử lý chất thải công nghiệp.

Chính vì vậy, cần tạo điều kiện để nhà đầu tư khảo sát và đưa vào quy hoạch. Quá trình quy hoạch cần đảm bảo các yếu tố về vị trí, khoảng cách và có tham vấn cộng đồng. Sau quy hoạch, nhà đầu tư cần xây dựng dự án tổng thể, trong đó cần đánh giá đầy đủ về các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường; cam kết về đảm bảo môi trường, công nghệ xử lý, thời gian đầu tư, vận hành.

Đặc biệt, cần làm rõ các thông số tác động đến môi trường để tạo sự đồng thuận trong chính quyền và Nhân dân. Quá trình khảo sát, quy hoạch, xây dựng dự án cần đảm bảo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là yếu tố tham vấn cộng đồng. Đề nghị các sở, ngành phối hợp với địa phương và nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, quy hoạch và các hoạt động tiếp theo.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=162886&title=thao-go-cac-vuong-mac-trong-trien-khai-cac-du-an-tren-dia-ban-hai-lang