Tháo điểm nghẽn trong tổ chức quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia

Chuyên gia nhấn mạnh tới chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành trong công tác quản lý đối với các loại hàng hóa nói chung, mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng, dầu nói riêng.

Bộ Công Thương đang quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng đề xuất chuyển nhiệm vụ này cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Đề nghị này được Bộ Công Thương nêu tại báo cáo vừa gửi Chính phủ về dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu.

Tại Việt Nam, dự trữ xăng dầu hiện có hai loại hình là dự trữ lưu thông của doanh nghiệp và dự trữ xăng dầu quốc gia. Theo Luật Dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là hàng thiết yếu, nên Bộ Công Thương đề xuất chuyển mặt hàng này sang Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024 - 2025. Việc này nhằm thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia.

Cần thống nhất đầu mối quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia.

Cần thống nhất đầu mối quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia.

Thực tế, việc dự trữ các mặt hàng nhiên liệu vẫn đang "hòa" cùng dự trữ tại 4 doanh nghiệp lớn, do quốc gia chưa có kho xăng dầu riêng. Bốn doanh nghiệp được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex. Đây là các đơn vị có kho chứa đảm bảo điều kiện, địa điểm kho phù hợp quy hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu theo vùng, khu vực; có năng lực, phương tiện để nhập - xuất và bảo quản hàng.

Cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần sớm thẩm định hồ sơ hạn mức chênh lệch kinh phí, tính khả thi khi chuyển chủng loại xăng (RON 92 sang RON 95) và dầu dự trữ (diesel 0,025S sang 0,05S) để làm cơ sở cấp bù chênh lệch cho các doanh nghiệp. Riêng việc chuyển dự trữ xăng RON 92 sang RON 95 cần xây dựng phương án chuyển đổi, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, quản lý các mặt hàng thiết yếu hiện nay giao cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước quản lý, trong khi cục này trực thuộc Bộ Tài chính. Do vậy, Bộ Tài chính quản lý dự trữ xăng dầu là điều phù hợp. Nhưng vì là hàng dự trữ quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ nên các bộ, ngành đều phải phối hợp với nhau quản lý.

Theo chuyên gia, dù mặt hàng xăng dầu đương nhiên thuộc quản lý của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, nhưng xét dưới góc độ quản lý ngành thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Cho nên, không nên phân định bộ nào quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia mà ở đây phải là liên bộ, liên ngành. Để làm được điều này cần sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia.

Quy đầu mối để phân định trách nhiệm

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh tới chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành trong công tác quản lý đối với các loại hàng hóa nói chung, mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng, dầu nói riêng.

Mới đây Bộ Tài Chính đã từng có đề xuất giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương, để thống nhất một đầu mối quản lý. Bởi giá của những mặt hàng mang tính đặc thù Nhà nước hiện đang quản lý như giá xăng dầu, giá vật tư y tế,… sẽ do các cơ quan chủ quản xây dựng và quyết định. Như vậy, nếu theo Luật giá thì trước sau việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ thuộc về Bộ Công Thương. "Quả bóng trách nhiệm" giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lại được xới lên với đề xuất nêu trên của Bộ Công thương.

PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh tới công tác dự báo và điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua còn chưa sát với thực tiễn. Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương là Bộ quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu, cho nên Bộ Công Thương phải là người giúp cho các doanh đầu mối, trung gian và các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng nên hệ thống tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho đơn giản, phù hợp nhất đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Việc giao quản lý toàn bộ cho Bộ Công Thương để việc điều phối của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp sẽ phù hợp và sát với thực tiễn.

Theo chuyên gia, nếu vẫn để cả 2 Bộ cùng điều hành giá như trước đây sẽ vừa chậm, vừa khó phân định trách nhiệm khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua. Thực chất hiện nay Bộ Công Thương đã chịu trách nhiệm rất nhiều trong việc điều hành lĩnh vực xăng dầu, như chịu trách nhiệm về lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, kho xăng dầu dự trữ; Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước; Tính toán cung - cầu cũng như điều hành giá. Bộ Công Thương cũng chính là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung - cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung - cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác.

"Không nên làm theo cách như hiện nay, đó là cắt khúc điều hành vì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm điều hành giá nhưng Bộ Tài chính chỉ tính chi phí định mức - một bộ phận trong cơ cấu giá. Nhưng khi điều hành giá, Bộ Công Thương lại phải chờ Bộ Tài chính thông báo rồi mới "lắp" vào giá cơ sở để công bố và điều hành là vô cùng bất cập, không cần thiết. Nên giao tất cả việc điều hành giá cho Bộ Công Thương là phù hợp", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, việc quản lý phải bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt là phải tạo môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường. Thứ hai, là sắp xếp hợp lý lại hệ thống lưu thông - cung ứng xăng dầu. Thứ ba, vấn đề cốt lõi nhất là rà soát, sửa đổi lại toàn bộ cơ chế điều hành giá xăng, dầu và cơ chế bình ổn giá xăng dầu hiện hành, trong đó có quy định về thời gian giữa hai lần điều chỉnh. Cần tính đến phương án điều hành tiệm cận nhất với biến động giá thế giới và không có chuyện "nghỉ lễ, Tết" trong điều hành giá xăng dầu.

Muốn làm tốt được điều này, cũng cần phải làm tốt 3 điểm. Thứ nhất là phải dự báo sát được tình hình cung - cầu và xây dựng các kịch bản để bảo đảm nguồn cung trong các tình huống khác nhau. Thứ hai là xây dựng các kịch bản điều hành giá và giải pháp bình ổn giá theo các biến động của giá thế giới. Thứ 3 là toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ phải có sự phối hợp chặt chẽ, ràng buộc với nhau thông qua các hợp đồng kinh tế.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thao-diem-nghen-trong-to-chuc-quan-ly-du-tru-xang-dau-quoc-gia-169231213111853663.htm