Tháo điểm 'nghẽn' cho giáo dục mầm non

Mới đây, chủ trì phiên họp Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non (GDMN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị phải giải quyết được những điểm 'nghẽn' của GDMN hiện nay như: thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận GDMN chưa bình đẳng nhất là vùng sâu vùng xa và người yếu thế.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, đến năm 2030, GDMN tập trung vào 3 mục tiêu, trong đó có đổi mới chương trình GDMN theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, dựa trên trục tình cảm - xã hội phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; coi trọng phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này không hề là nhiệm vụ đơn giản, bởi GDMN đang đứng trước khá nhiều thách thức về trường lớp, đội ngũ… Toàn quốc còn khoảng trên 5 ngàn phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Cả nước còn thiếu khoảng 50 ngàn giáo viên mầm non. Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc ngày càng nhiều ở khắp các địa phương trong cả nước. Học sinh ngày càng ít chọn nghề giáo viên mầm non để theo học do vất vả nhưng thu nhập lại chưa tương xứng.

Tại Đồng Nai, hiện còn thiếu gần 500 giáo viên mầm non. Để thu hút giáo viên mầm non vào làm việc, trong dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023-2025) đang được Sở Giáo dục và đào tạo đưa ra lấy ý kiến, mức thu hút tuyển mới giáo viên một lần với mức thấp nhất là 120 triệu đồng/người và cao nhất là 200 triệu đồng/người. Đối với chính sách hỗ trợ giáo viên hàng tháng, mức hỗ trợ thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người và cao nhất là 2,5 triệu đồng/người.

Dự kiến nguồn lực để chi cho chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên là 440 tỷ đồng, trong đó 183 tỷ đồng dành để thu hút giáo viên và 257 tỷ đồng dùng để hỗ trợ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non. Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết này được thông qua, cùng với việc quan tâm, đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất trường lớp, điểm “nghẽn” về thiếu giáo viên tại Đồng Nai hy vọng sẽ được tháo gỡ. Bởi chỉ khi đội ngũ nhà giáo ổn định, đảm bảo cả số lượng và chất lượng thì khi đó, việc triển khai thực hiện chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo mới triển khai một cách hiệu quả.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/thao-diem-nghen-cho-giao-duc-mam-non-2f4494b/