Thanh xuân là cả Điện Biên

70 năm đã trôi qua, dù tóc đã bạc, sức khỏe giảm sút, nhưng hào khí Điện Biên sục sôi đánh Pháp vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Nguyễn Văn Bích ở thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông.

Vẹn nguyên ký ức Điện Biên

Ông Bích năm nay đã ngoài 90 tuổi, quê ở xã Trường Thọ, huyện An Lão, Hải Phòng. Năm 1947, khi tròn 15 tuổi, ông Bích tình nguyện làm thông tin liên lạc, nhưng không đủ tuổi nên không được nhận. Sau đó, thấy ông nhanh nhẹn, nên cán bộ nhận vào để trông coi nhà cửa.

70 năm trước, ông Nguyễn Văn Bích là một trong số hàng ngàn chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Bích tâm sự: “Chỉ khoảng hai đến ba tháng sau, tôi được giao nhiệm vụ làm liên lạc luôn. Lúc ấy, nghe được tham gia phục vụ kháng chiến, tôi sung sướng, tràn đầy nhiệt huyết của người thanh niên khi được cách mạng tin tưởng”.

Sau một thời gian làm liên lạc, ông Bích chính thức trở thành bộ đội, trực tiếp ra chiến trường. Năm 1954, ông Bích được phân công vào đơn vị pháo binh thuộc Sư đoàn 351. Pháo của đơn vị ông ngày ấy không phải là pháo kéo mà pháo bánh đặc, phải khiêng vác trên vai.

“Tôi bấy giờ khoảng 55kg, nhưng trọng lượng của pháo thì gấp mấy lần. Do pháo quá nặng nên phải tháo rời từng bộ phận như nòng, bánh xe... Để khiêng được nòng pháo cần phải mất 4 người, bánh xe thì mất 2 người... Cứ như vậy, chúng tôi hành quân liên tục 30 đêm trong tháng, không đêm nào nghỉ để nhanh chóng đưa pháo vào trận địa”, ông Bích hồi tưởng.

Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa kể tiếp, trong chiến tranh loạn lạc, thiếu thốn đủ thứ. Bình thường, ông được ăn 8 lạng gạo mỗi ngày thì khi vào trận địa chỉ được 2 gói cơm nắm và 2 gói nhỏ thịt trâu kho muối. Sáng sớm, lội bùn cả đêm, đói nên các ông ăn cảm thấy rất ngon. Nhưng đến chiều và tối, cơm thiu, thịt mặn, nhiều lúc ông cố nuốt để có sức tối lại tiếp tục nhiệm vụ.

Chịu đói, chịu rét, muỗi rừng và bệnh tiêu chảy, thế nhưng ông Bích và đồng đội của mình không thề nao núng

Ông Bích bồi hồi nhắc về những lần lội bùn làm nhiệm vụ: “Đi dưới giao thông hào, bùn cao quá đầu gối, để nhấc chân lên bước tiếp rất khó. Lúc đó, vì yêu cầu của chiến dịch, chúng tôi làm liều đi trên bờ, dù có chết cũng phải đi. Một ngày, chúng tôi bắt đầu làm nhiệm vụ từ khoảng 14 giờ 30 phút chiều và kết thúc lúc 4 giờ 30 phút sáng hôm sau”.

Sau đó, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đào giao thông hào. Mỗi đêm, đơn vị yêu cầu mỗi người phải đào đủ 2m dài, sâu 1,4m, ngang trên rộng 1,2m, dưới rộng 80cm. Đơn vị 10 người là phải đào được 20m dài, đủ thì mới về. Lúc ấy, dụng cụ để đào chủ yếu là cuốc chim, trong khi đất đá sỏi nên cần rất nhiều sức. Với tinh thần tất cả vì hòa bình, đánh thắng giặc Pháp, người khỏe cõng người ốm, các ông đã đoàn kết, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao.

Quyết tâm đánh thắng quân Pháp

Ông Bích cho hay, chưa có trận đánh nào như trận Điện Biên Phủ, các ông chỉ biết nhận lệnh, thực hiện với quyết tâm cao nhất, không nề hà gian khổ, hy sinh và không một tia hy vọng nào về việc trở về gặp bố mẹ.

“Những lúc cơm nước xong, chúng tôi nằm xuống nhưng không thể nào chợp mắt được. Hỏi chúng tôi có buồn ngủ không? Buồn ngủ chứ, nhưng máy bay, pháo cao xạ bắn như mưa, bom đạn cứ dội ở trên đầu thì làm sao mà ngủ cho được. Đánh Điện Biên Phủ khổ thì có khổ, nhưng sướng và mừng thì có lẽ không trận địa nào bằng”, ông Bích tâm sự.

Những ngày cao điểm của chiến dịch, Bác Hồ cho cán bộ về truyền tin, mỗi đồng chí, chiến sĩ Điện Biên Phủ là một chiến sĩ ngoại giao ở Hiệp định Giơnevơ. Pháp có ký hay không là do các đồng chí có đánh khỏe hay không, có đánh được hay không? Nghe được lời này của Bác, ông Bích và đồng đội như được tiếp thêm sức mạnh. Đến nay, ông Bích vẫn không thể hiểu tại sao lúc ấy, các ông rất mệt, bệnh tiêu chảy rút mòn sức người, nhưng chỉ một truyền tin của Bác mà tất cả đều vùng lên như có sức mạnh thần kỳ.

“Tinh thần chúng tôi đã phấn chấn nay càng phấn chấn hơn, niềm tin, ước mơ và quyết tâm đánh đuổi quân Pháp xâm lược càng sục sôi hơn bao giờ hết. Lúc ấy, chúng tôi không nghĩ tới sự sống hay cái chết, chỉ có quyết tâm đánh, phải đánh, mình đánh nó chứ quyết không để nó đánh mình, phải hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ mọi giá”, ông Bích chia sẻ.

Cũng trong cuộc chiến, giữa làn bom rơi, đạn nổ, thỉnh thoảng các ông lại được đoàn văn công vào biểu diễn văn nghệ. Nhiều năm nếm mật, nằm gai, chỉ nghe tiếng súng, tiếng bom đạn, vậy mà nay, tiếng hát nhỏ ấy lại át được tiếng bom. Mỗi bài hát, mỗi câu hát như một lời hiệu triệu cổ vũ, khích lệ cán bộ, chiến sĩ Điện Biên như ông Bích bền gan vững chí, đánh đuổi quân thù, chiến thắng sẽ về ta.

Sướng quá, chiến thắng rồi

Sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, bằng tinh thần quả cảm, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm tướng Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam. Lúc này, ông Bích và đồng đội vui không kể xiết.

Mỗi lần đến dịp Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Bích lại càng tự hào khi được góp sức mình

Ông Bích cho biết: “Bộ đội chúng tôi lúc ấy gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Đánh giặc suốt ngày, suốt đêm không nghỉ, nên khi nghe giặc đầu hàng, chúng tôi vui mừng khôn xiết, không từ nào tả nổi. Anh em nhìn nhau đồng thanh hô vang, mình được sống rồi đấy”.

Chiến thắng rồi, các ông mới thấy đau, bởi lúc này mới có thể ngồi yên lặng để nghĩ về những ngày đấu tranh ác liệt và sự mất mát, hy sinh của đồng đội. Mỗi ngày, mỗi đêm, đơn vị nào cũng có người hy sinh. Cán bộ không kịp biết tên chiến sĩ bởi có người sáng vào đơn vị nhận công tác thì trưa hoặc tối đã hy sinh.

“Chúng tôi đau, đau lắm. Mỗi lần chôn cất đồng đội, ruột đau như cắt, chỉ cầu mong đồng đội yên nghỉ, chiến trường yên lặng tiếng súng để các anh sớm được đưa về với quê mẹ”, cựu chiến binh 92 tuổi nghẹn giọng, nói về những mất mát hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên đường hành quân trở về sau chiến thắng, bộ đội được các bà, các mẹ, các chị ra vẫy chào và cho bánh kẹo. Lúc ấy, mọi dồn nén như nổ tung, ông Bích không nhớ mình đưa tay lên gạt nước mắt bao nhiêu lần.

Bây giờ, mỗi lần đến dịp Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Bích lại càng tự hào khi được góp sức mình vào chiến thắng của chiến dịch. Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu về chiến sĩ Điện Biên được ông đọc lên với dạt dào cảm xúc, niềm tự hào: “Kháng chiến ba nghìn ngày. Không đêm nào vui bằng đêm nay... Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”.

Hơn 90 tuổi, ông Bích mong mỏi được trở về thăm lại chiến trường xưa và gặp lại những đồng đội cũ

Những ngày cận kề của tháng 5 lịch sử này, ông Bích vinh dự là chiến sĩ Điện Biên Phủ duy nhất của tỉnh Đắk Nông được chọn đi tham dự Lễ gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/4. Như ông Bích tâm sự, chuyến đi này có lẽ là kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời của ông. Vì ở tuổi ngoài 90 và sau 70 năm, ông còn có dịp được gặp lại đồng đội từng vào sinh ra tử góp phần làm nên một chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Hoàng Hoài - Thanh Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/thanh-xuan-la-ca-dien-bien-209480.html