Thành viên tăng thu nhập nhờ sự linh hoạt, chuyển đổi sản xuất của HTX

Nhờ chuyển đổi mô hình hoạt động phát triển nhiều ngành nghề, mô hình kinh tế HTX ở nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu đang có bước phát triển ổn định, giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người dân địa phương.

Đến nay tỉnh Lai Châu có hơn 100 HTX thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt các HTX đã liên kết được nhiều thành viên là những hộ nghèo tại địa phương, quy tụ các mô hình sản xuất kinh tế hộ manh mún, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Liên kết các thành viên tạo việc làm ổn định

Huyện Mường Tè có 37 HTX đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 130 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại các HTX thu hút 323 thành viên tham gia, tổng số lao động là 498 người, thu nhập bình quân lao động làm thường xuyên trong HTX trên 52 triệu đồng/người/năm.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm tại HTX Ứng Thìn (xã Can Hồ, huyện Mường Tè) đã giúp cho hàng trăm thành viên và người lao động thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm tại HTX Ứng Thìn (xã Can Hồ, huyện Mường Tè) đã giúp cho hàng trăm thành viên và người lao động thoát nghèo.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với sự nhanh nhẹn, chủ động trong kinh tế thị trường, mạnh dạn mở rộng quy mô, chuyển đổi mô hình hoạt động phát triển nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương.

Ông Lỳ O Ky, Phó chủ tịch UBND thị trấn Mường Tè cho biết: Dựa trên các chính sách hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương, của tỉnh Lai Châu, huyện Mường Tè đồng hành cùng các HTX như giúp tiếp cận các chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, tín dụng, xây dựng thương hiệu… từ đó giúp HTX phát triển về quy mô, chất lượng, xây dựng các sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP.

Anh Lê Đình Ứng, Giám đốc HTX Ứng Thìn (xã Can Hồ, huyện Mường Tè) chia sẻ, hiện HTX đã kết nạp 120 thành viên và 80 thành viên là hộ nghèo và cận nghèo ở xã Can Hồ. HTX đã hỗ trợ các thành viên con giống, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra để người dân yên tâm sản sản xuất.

Để khuyến khích HTX phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, khai thác lợi thế địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo chuỗi giá trị… Ông Nguyễn Việt Hoàng, Phó phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Mường Tè cho biết: Chính quyền các địa phương tại tỉnh Lai Châu đã khuyến khích các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng mô hình HTX kiểu mới, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các HTX, phát huy hiệu quả của HTX. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ các HTX về thuế, tín dụng, đất đai… tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào mô hình kinh tế ở địa phương.

“Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% các xã trên địa bàn huyện Mường Tè sẽ có các HTX”, ông Hoàng cho hay.

Phát triển kinh tế tập thể, giúp người dân vươn lên làm giàu

Huyện Tam Đường có gần 50 HTX đang làm ăn hiệu quả. Các HTX đã hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển thông qua các hoạt động đầu vào, đầu ra, hướng dẫn các hộ thành viên ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư cho biết, từ vùng dong riềng vài chục ha ban đầu, đến nay vùng nguyên liệu đã có hàng trăm ha. Việc liên kết sản xuất với các hộ dân đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất cũng như sản phẩm của đơn vị ngày càng lớn và đa dạng hơn. Mục tiêu của đơn vị thời gian tới phấn đấu nâng cấp thành sản phẩm OCOP 5 sao; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và có mặt tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

"HTX liên tục được các cơ quan, chính quyền từ xã đến huyện, các ban ngành, đoàn thể giúp đỡ rất nhiều. Khi mới bắt đầu hoạt động, HTX còn nhiều bỡ ngỡ và trong quá trình hoạt động còn nhiều lúng túng, vì là mô hình các hộ dân liên kết với nhau. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi thu được rất nhiều thành tựu, các sản phẩm được khách hàng trong nước quan tâm rất nhiều", ông Ánh cho hay.

Năm 2020 các sản phẩm của HTX được đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao, năm 2021 đạt giải Vàng nông nghiệp Toàn quốc, đầu năm 2022 đạt giải Nhất trong 5 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Lai Châu.

Ông Nguyễn Cao Nguyên, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tam Đường cho biết, khi cán bộ công chức và nhân dân, thành viên HTX hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò, bản chất của kinh tế tập thể, từ đó họ sẽ quyết liệt cải cách hành chính, cạnh tranh công bằng để cùng phát triển. Cơ quan chuyên môn cũng tham mưu cho huyện vận dụng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các HTX về các mặt tài chính, mặt bằng sản xuất, tiếp cận đất đai, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu…

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, các HTX trên địa bàn đã quy tụ được gần 500 thành viên, hàng năm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động. Cùng với đó, các HTX cũng đã xây dựng được gần 10 sản phẩm OCOP và đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường như: miến dong, sơn tra, chè, cá nước lạnh và các loại gạo cao sản... Nhờ phát triển kinh tế HTX, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ các ngành, nghề sản xuất của gia đình.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thanh-vien-tang-thu-nhap-nho-su-linh-hoat-chuyen-doi-san-xuat-cua-htx-1092050.html