Thành tựu duy nhất của ông Johnson

Hoàn thành Brexit được coi là thành tựu duy nhất của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Song liệu Brexit có thực hiện được những lời hứa cao cả của nó hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Khi Thủ tướng Anh Boris Johnson chuẩn bị rời số 10 phố Downing, di sản của ông được coi là việc “hoàn thành Brexit”.

Nhưng rời khỏi EU là một chuyện. Chuyện khác là liệu việc rời EU có mang lại cho những người ủng hộ Brexit điều họ mong ước hay không. Washington Post nhận định nước Anh đã không đến được “vùng cao ngập nắng”, một dòng hoài niệm sâu sắc được những người ủng hộ Brexit gợi lên từ một bài phát biểu của cựu Thủ tướng Winston Churchill.

Dưới thời ông Johnson, Anh đã chấm dứt những tháng ngày di chuyển tự do và thương mại không bị cản trở với EU. Tuy nhiên, theo Washington Post, chính phủ Anh đã phải chật vật để chỉ ra những lợi ích của Brexit.

Brexit không tạo ra sự bùng nổ

Thủ tướng Johnson cũng coi Brexit như một sự kiện mang đến sự thay đổi: Một cơ hội để xây dựng nước Anh, giúp họ trở thành lãnh đạo trong thế giới thị trường tự do.

Với khẩu hiệu "hoàn thành Brexit", ông Johnson đã dẫn dắt đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thủ tướng. Ông đã thành công trong việc thông qua một thỏa thuận tại nghị viện và hoàn tất đàm phán với châu Âu - điều mà người tiền nhiệm Theresa May thất bại.

Một mặt, những người chỉ trích đã chế giễu một báo cáo của chính phủ Anh, trong đó nêu bật việc quay lại sử dụng cuốn hộ chiếu bìa xanh. Các doanh nghiệp Anh cũng nhận thấy mức độ giao thương ít hơn và nhiều thủ tục hơn.

Mặt khác, những người ủng hộ Brexit sẽ nhận định rằng các tình huống xấu nhất đã không diễn ra. Giá trị của đồng bảng Anh không giảm, cũng như không có tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

Mặc dù việc mất đi người lao động ở châu Âu đã góp phần làm cho thị trường lao động trở nên khan hiếm, Dịch vụ Y tế Quốc gia vẫn xoay xở để chăm sóc bệnh nhân, ngay cả trong đại dịch Covid-19.

Tựu trung lại, nhiều người cảm nhận rằng những lợi ích đầy đủ của Brexit vẫn chưa đến, vì trong tâm trí của họ, Brexit chưa hoàn toàn xảy ra. Lời hứa về một quá trình Brexit tốt hơn vẫn còn ở phía trước. Những người hoài nghi nói rằng tác hại của Brexit mới chỉ bắt đầu được cảm nhận.

Xe ùn ứ ở cửa khẩu hải quan giữa Anh và Pháp vì quá trình kiểm tra hộ chiếu. Ảnh: Reuters.

Trong phiên chất vấn tại nghị viện, ông Johnson đã lặp lại thông điệp: Nước Anh có “nền kinh tế phát triển nhanh nhất” trong G7 vào năm ngoái.

Tuy nhiên, một báo cáo trước Nghị viện Anh vào tháng này cho biết điều đó một phần do nền kinh tế nước này chứng kiến sự sụt giảm tồi tệ nhất so với các quốc gia G7 trong đại dịch. Do đó, khi mang ra so sánh, sự phục hồi dường như lớn hơn.

Dù Brexit không nhấn chìm nền kinh tế Anh, nó cũng không tạo ra sự bùng nổ.

Jonathan Portes, giáo sư kinh tế tại King’s College London, nhận định Brexit đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh.

“Chúng tôi đã gây khó khăn hơn cho chính mình khi giao dịch với EU - đối tác thương mại thân cận nhất”, vị giáo sư nhận định. Tác động đến nền kinh tế có thể mất nhiều năm mới bộc lộ hết, ông Portes cảnh báo.

Báo cáo "The Big Brexit" của các nhà kinh tế tại Trường Kinh tế London và Quỹ Resolution kết luận rằng việc rời khỏi EU làm giảm độ mở và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Anh. Điều này cũng có khả năng làm giảm năng suất và tiền lương trong thập kỷ tới.

Chính phủ Anh cho biết đã ký các thỏa thuận thương mại với hơn 70 quốc gia với tổng trị giá 929 tỷ USD. Tuy nhiên, hầu hết thỏa thuận đó gần như giống với những gì Anh đã có với tư cách là thành viên EU.

Ông Johnson và những cộng sự của mình đã hứa hẹn về một thỏa thuận thương mại béo bở với Mỹ. Song điều đó lại không được đề cao trong chương trình nghị sự của Mỹ dưới thời ông Donald Trump và Tổng thống Joe Biden.

Liệu Brexit có thực hiện được lời hứa?

Với Brexit, Anh đã thực hiện lời hứa "giành lại quyền kiểm soát" biên giới của mình. Không còn ai có thể thoải mái đến từ Paris hoặc Prague và bắt đầu một cuộc sống mới ở London.

Kết quả sẽ khiến những người Anh đã bỏ phiếu cho Brexit vì muốn ít người nhập cư hơn thất vọng. “Nhìn chung, con số hiện nay có thể cao hơn”, Madeleine Sumption, Giám đốc cơ quan giám sát người nhập cư tại Đại học Oxford, cho biết.

Mặc dù số lượng người đến từ châu Âu đã giảm mạnh, họ lại được thay thế bởi những người di cư từ những nơi khác, chẳng hạn từ Ấn Độ, Nigeria và Philippines.

Tuy nhiên, bất chấp số lượng người đến Anh, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, một phần là do Brexit.

Chẳng hạn, Dịch vụ Y tế Quốc gia ở Anh thiếu hụt hàng chục nghìn bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh. Một ủy ban của nghị viện đã gọi đó là “cuộc khủng hoảng lực lượng lao động lớn nhất trong lịch sử”. Trong khi đó, tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã tăng vọt.

Trong số các chiến thắng liên quan đến Brexit, ông Johnson thường nhận định Anh đã “triển khai tiêm vaccine nhanh nhất so với bất kỳ đâu ở châu Âu” bằng việc “hợp lý hóa quy trình mua sắm và tránh các thủ tục rườm rà của EU”. Tuy nhiên, châu Âu đã bắt kịp sự khởi đầu nhanh chóng của Anh.

Dịch Covid-19 từng gây ra hậu quả nghiêm trọng ở Anh. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, chính phủ của ông Johnson đã bị các chuyên gia y tế cộng đồng chỉ trích vì đã phong tỏa quá muộn và dỡ bỏ các hạn chế quá sớm. Điều đó đã đi kèm với một số hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, những việc cần làm đối với Bắc Ireland cũng là một trọng tâm trong các cuộc đàm phán Brexit.

Ông Johnson đã ký nghị định thư cho phép Bắc Ireland vẫn ở trong thị trường chung của EU. Chính phủ của ông Johnson hiện nói rằng thỏa thuận này đang chia cắt đất nước, tạo ra sự bất hòa và xung đột.

Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp và thương nhân ở Bắc Ireland, thỏa thuận đó thực sự là một chiến thắng.

Irwin Armstrong, Giám đốc điều hành của Ciga Healthcare ở Bắc Ireland và là thành viên của đảng Bảo thủ, nói: “Tôi nghĩ nghị định thư này giúp ích cho hầu hết mọi người - trừ các chính trị gia”.

Ngoài ra, chính phủ của ông Johnson đang thúc đẩy một đạo luật nhằm đơn phương lật ngược nghị định thư này.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-tuu-duy-nhat-cua-ong-johnson-post1346108.html