Thành Sen trong tôi

Những gánh hàng rong mang tiếng rao len lỏi từng góc phố, những cửa hiệu nghề thủ công gắn với người 'muôn năm cũ'... Thành Sen (Hà Tĩnh) dẫu đã trở thành đô thị trẻ sôi động, nhưng đâu đó trong lòng phố vẫn còn lưu giữ những câu chuyện gợi lên trong tôi bao nỗi niềm dấu yêu.

Những gánh hàng rong đi cùng năm tháng

Góc ngã tư trên con phố Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) và đường Xuân Diệu, những gánh chè bột lọc của các bà, các chị người Huế lặng lẽ nép mình giữa đông đúc nhà cửa, tấp nập người xe. Đã gần 30 năm kể từ ngày dì Hường (SN 1966), dì Ty (SN 1976) cất gánh hàng rong từ Huế ra Hà Tĩnh bán buôn.

Những gánh chè của các dì, các chị người Huế đã gắn bó với bao thế hệ người Thành Sen hàng chục năm nay.

“Ngày mới ra đây, chỉ nghĩ rằng đi kiếm kế sinh nhai, không ngờ gắn bó với nơi này mấy chục năm trời. Giờ thì chúng tôi thuộc phố xá, ngõ ngách của TP Hà Tĩnh còn hơn cả TP Huế nữa” - dì Hường chia sẻ.

Tôi tin là dì Hường nói chẳng sai bởi ngần ấy thời gian rong ruổi với gánh chè trên khắp các con phố lớn nhỏ, rồi nhiều năm gắn bó với góc ngã tư Xuân Diệu - Phan Đình Phùng, các dì đã gần như một người Thành Sen chính hiệu vậy.

Gánh chè với những nguyên liệu giản đơn mà vương mãi trong ký ức bao người.

Không phải cao lương mỹ vị nhưng cốc chè với bột lọc, đỗ đen, đỗ xanh, nước cốt dừa đã trở thành món ăn thân thuộc của biết bao thế hệ người Thành Sen. Từ anh xe ôm, thợ nề, chị bán đồng nát cho đến những nhân viên văn phòng và đặc biệt là các bạn học sinh đều yêu thích món chè này.

Dưới những tán cây già, các dì thoăn thoắt làm chè, gói hàng cho khách. Chốc chốc chiếc điện thoại “cục gạch” lại đổ chuông. Cuộc gọi của những khách quen đặt hàng trước để chỉ cần ghé qua là có thể mang đi ngay mà không phải đợi. Các dì nhanh chóng “chốt đơn”, thành thạo và chuyên nghiệp như những người bán hàng online thời nay.

Các dì cũng trở thành những người bán hàng online “chuyên nghiệp”.

Dì Ty nói rằng, bao năm qua, phố xá, cuộc sống nơi đây đổi thay nhiều mà gánh chè bột lọc vẫn vậy. Vẫn từng đó nguyên liệu, vẹn nguyên hương vị và những gương mặt thực khách thân thuộc đến lạ kỳ.

“Ai bánh rán, bánh gói nơiiii...”, tiếng rao quà chiều len lỏi trên từng con phố Thành Sen. Dù sinh ra và lớn lên ở thành phố nhỏ này gần 40 năm nay nhưng tôi cũng không biết chính xác, tiếng rao ấy có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, cả tuổi thơ của mình, tôi đã quen với gánh bánh và tiếng rao lanh lảnh của dì Bình.

Dì Bình đã gắn bó với gánh hàng rong gần cả cuộc đời mình.

4h chiều, trong căn nhà nhỏ trên con hẻm ở tổ dân phố 2 - phường Bắc Hà, dì Bình tất bật sửa soạn quang gánh cho buổi “chợ chiều”. Những chiếc bánh gói, bánh nếp nóng hổi được bọc trong lá chuối; bánh rán nhân tôm, nhân đậu vàng ươm, thơm nức.

Nhưng thứ níu chân khách quen của dì hàng chục năm nay có lẽ là bát nước chấm. Thứ nước mắm tự pha, đậm đà vị truyền thống, cay xé lưỡi... Miếng bánh gói vừa dẻo, vừa dai chấm ngập trong thứ nước “thần thánh” ấy thì ngon không gì sánh bằng.

Gánh bánh của dì Bình quen thuộc với người dân Thành Sen đến nỗi nếu không nhìn thấy, sẽ ngỡ như mình chưa về đến phố thị thân yêu.

Cung đường quen thuộc của dì thường là Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tự... Nhưng cũng có nhiều hôm không gặp khách, dì lại rẽ qua mạn Hào Thành, Trung Tiết, Hồ Dâu rồi vòng qua Cầu Vồng, Đặng Dung để về chợ tỉnh (Chợ TP Hà Tĩnh)...

Đôi chân dì đã đi qua hầu hết những con phố lớn, ngõ nhỏ Thành Sen.

Đôi chân của dì đã đi qua bao năm tháng trên những con phố lớn, ngõ nhỏ của Thành Sen. Cùng với bánh bèo gánh, sữa chua túi, thì chè bột lọc Huế, bánh gói dì Bình... đã trở thành một phần tuổi thơ, gánh cả miền ký ức của chúng tôi.

Và với người dân Thành Sen nhiều thế hệ, những gánh hàng rong đó quen thuộc đến nỗi khi đi xa trở về, nếu không nhìn thấy, sẽ ngỡ như mình chưa về đến phố thị thân yêu...

Người “sửa thời gian”

Nhiều người vẫn gọi những nguời thợ sửa đồng hồ với cái tên rất hoài cổ - người “sửa thời gian”. Và với người dân Hà Tĩnh, đoạn đường Nguyễn Công Trứ trước cổng chợ tỉnh là “phố sửa đồng hồ” dù chẳng có một quy hoạch nào chính thức.

Những “cửa hiệu” in hằn dấu vết thời gian trên “con phố sửa đồng hồ”.

Gắn bó với nghề này từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Trương Hữu Hà (SN 1945) là một trong những người thợ lâu đời nhất đến nay còn làm nghề, giữ nghề.

Ông Hà học nghề này từ những năm tháng còn phục vụ trong quân ngũ. Khi phục viên trở về quê hương, ông chính thức theo nghề, trở thành một phần của con phố này và gắn bó cho đến tận bây giờ - khi ông đã gần bước sang tuổi 80.

Ông Hà - người thợ “sửa thời gian”.

Ông Hà cho biết: “Ngày đó, chiếc đồng hồ có giá lắm! Từ tầng lớp trung lưu đến bình dân, nhiều người coi nó như vật bất ly thân. Trong mỗi gia đình cũng đều treo một chiếc vừa để xem giờ, vừa như vật trang trí. Nghề sửa đồng hồ trở nên thịnh hành. Con cái học hành cũng từ chiếc tủ đồ nghề này mà nên”.

Nghề này đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, cần cù và có khả năng quan sát tinh tường để “bắt bệnh”. Đồ nghề của họ khá đặc biệt, đầy đủ những tua-vít, kìm, chổi quét, nhíp, búa... nhưng tất cả đều nhỏ như thứ chơi đồ hàng của những đứa trẻ vậy!

Hàng chục năm gắn bó với góc phố này, ông Hà đã chứng kiến bao đổi thay của phố phường.

Hàng chục năm trong nghề, ông Hà gần như chưa chịu “bó tay” trước “ca bệnh” nào. Có những chiếc phải sửa mất cả ngày, thậm chí nhiều ngày, thử thách lòng kiên nhẫn và tay nghề của ông để rồi khi khách cầm chiếc đồng hồ trên tay thì kim phút, kim giờ đều chuẩn xác.

Theo thời gian, nhịp sống hiện đại với thiết bị điện tử, đồ dùng công nghệ xuất hiện nhiều. Người ta dần thay đổi thói quen xem giờ trên đồng hồ bằng cách xem trên điện thoại di động, khách sửa đồng hồ hầu như chỉ còn những người quen xưa cũ.

“Nhiều người mang những chiếc đồng hồ rất cũ kỹ, hỏng nặng đến để sửa. Chỉ nhìn qua là tôi biết “ca khó” nhưng tôi hiểu, với chủ nhân của nó, đó ắt hẳn là một kỷ vật quý giá nên tôi đều nhận. Khách vui khi nhận lại chiếc đồng hồ đã được sửa, tôi cũng vui lây niềm vui của họ” - ông Hà chia sẻ.

Niềm vui của một người khách lớn tuổi khi nhận lại chiếc đồng hồ đã được sửa chữa.

Hơn 40 năm “sửa thời gian” cũng là ngần ấy năm ông Hà chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này. Từ những ngày Thành Sen còn là thị xã với những con đường nhỏ vắng lặng cho đến khi vươn mình trở thành một thành phố trẻ năng động. “Nhịp sống đô thị dần hình thành, người dân thay đổi từ phục trang cho tới xe cộ; nhiều người từ nơi khác đến định cư, phố xá nhộn nhịp hơn rất nhiều, chỉ có chúng tôi là vẫn ngồi đây” - ông Hà trầm ngâm.

Ngày nay, “con phố sửa đồng hồ” không còn nhộn nhịp như xưa nhưng trong ký ức của nhiều người dân, những ông Hà, ông Quýnh, ông Xuân... vẫn là những người thợ “sửa thời gian” tài ba và tâm huyết.

Hoài niệm một nghề hoa

Mỗi lần đi qua góc ngã tư Nguyễn Công Trứ - Lý Tự Trọng, nhìn mấy hàng bán hoa giấy cũ kỹ nép mình bên những cửa hiệu lấp lánh ánh đèn led, tôi lại nao nao nhớ về những mùa khai trường.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, góc phố này luôn rực rỡ và nhộn nhịp bởi chỉ một đoạn đường ngắn nhưng hầu như nhà nào cũng làm nghề kết hoa giấy, viết câu đối, bức trướng.

Nghề kết hoa giấy chỉ còn trong hoài niệm của nhiều người dân Thành Sen.

Mùa khai trường những năm ấy, mỗi chúng tôi đều được gắn trên tay một đôi hoa giấy bóng kính với đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Những đôi tay nhỏ nhắn thêm xinh xắn khi hoa khoe sắc trong nắng sớm của ngày tựu trường. Áo trắng, quần xanh, khăn quàng đỏ và hoa giấy trên tay, chúng tôi say sưa trong những tiết mục múa hát mừng ngày hội đến trường. Đẹp đẽ, náo nức và tươi vui.

Vào những dịp hội khỏe Phù Đổng, học sinh các trường học trên địa bàn thành phố sẽ tham gia chương trình đồng diễn tại sân vận động. Đó mới thật là những ngày “phố hoa” này nhộn nhịp, rộn ràng.

Cuộc sống đổi thay, không còn nhiều người còn nhớ nghề hoa như bà Hạnh.

Là con gái Quảng Bình về làm dâu đất Thành Sen, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1962) được học nghề làm hoa giấy từ cha mẹ chồng. Cũng như những gia đình khác trong phố, nghề làm hoa giấy của gia đình bà Hạnh có từ nhiều đời nay. Bà Hạnh cho biết: “Làm hoa giấy tuy không khó nhưng lại nhiều công đoạn, mất thời gian.

Hoa chủ yếu được làm từ loại giấy bóng kính đủ màu sắc, xếp chồng nhiều lớp lên nhau và cố định bằng một sợi dây thép nhỏ rồi cắt tỉa, bẻ cánh sao cho đẹp mắt”.

Thành Sen đã trở thành một đô thị trẻ nhộn nhịp nhưng những con người “muôn năm cũ”, những vỉa hè vẫn in hằn trong miền ký ức của nhiều thế hệ. Ảnh Đình Nhất.

Thế nhưng, khi các loại hoa nhựa, hoa vải, hoa tươi lên ngôi; những tiết mục văn nghệ của trẻ con cũng đã có đạo cụ chuyên dụng thay thế, hoa giấy không còn được người ta lựa chọn nhiều như trước nữa. Nhiều gia đình trong phố bỏ nghề, chỉ còn lại bà Hạnh và một vài gia đình khác còn theo nghề này. Bà Hạnh cho biết: “Giờ chẳng mấy khi chúng tôi làm hoa giấy nữa vì có hoa nhập sẵn từ một số tỉnh, thành khác, vừa nhanh lại vừa rẻ. Thỉnh thoảng tôi làm vì nhớ nghề thôi”.

Trong ồn ào, tấp nập của đô thị trẻ hôm nay, vẫn còn đó những góc phố, những con người “muôn năm cũ”, những vỉa hè in hằn miền ký ức của nhiều thế hệ... Tất cả làm nên một Thành Sen dấu yêu trong tôi.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/thanh-sen-trong-toi/254901.htm