Thành quả từ truyền thống đoàn kết, nỗ lực sáng tạo, vượt khó, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn

Ngày 06 tháng 02 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg công nhận huyện Tam Nông đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023. Thành quả đáng tự hào này là minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực vượt khó, tư duy sáng tạo, đổi mới cùng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Nông trong hơn một thập niên qua.

Cuộc sống mới tốt đẹp hơn đang hiện hữu trong mỗi gia đình, thôn xóm và quan trọng hơn, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tiếp thêm niềm tin, tạo nguồn lực quan trọng để Tam Nông vững tin hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững...

Thị trấn Hưng Hóa ngày càng khang trang, hiện đại, đạt chuẩn đô thị văn minh. Ảnh: Tuấn Dũng

Năm 2010, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Tam Nông bắt tay vào thực thiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng thiếu lại không đồng bộ, thu nhập và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòn bẩy để thay đổi tích cực, toàn diện diện mạo nông thôn, huyện đã nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, đồng thời quán triệt đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường với các hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn đã phát huy tác dụng tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành động của đại đa số người dân trong vai trò chủ thể, đồng tâm hợp sức xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Huyện đã chủ trương lấy hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình, phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả cũng như góp phần giảm kinh phí đóng góp đối ứng của nhân dân. Ý Đảng hòa hợp với lòng dân, sức mạnh của tinh thần đồng thuận, chung tay góp sức vì mục tiêu chung được nhân lên với những hành động thiết thực, hiệu quả.

Lãnh đạo huyện Tam Nông thăm, kiểm tra mô hình trồng cây ngưu bàng tại xã Lam Sơn.

12 năm qua, tổng số vốn đầu tư cho Chương trình nông thôn mới của Tam Nông là gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp được 132,84 tỷ đồng cả bằng tiền mặt cùng ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, công trình, vật tư trên đất, hoa màu... Cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội vào cuộc với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao đã tạo nên những chuyển biến, thay đổi thần kỳ diện mạo kinh tế - xã hội các vùng quê trong huyện. Lợi thế tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, đầu mối giao thông vận tải quan trọng, vùng kinh tế trọng điểm về công nghiệp của tỉnh được chú trọng phát huy.

Huyện đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong đó, đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, đô thị, thương mại, tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được ưu tiên chú trọng. Đến nay, trên 80% mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được cứng hóa đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh giao thương với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Các công trình thuộc hệ thống thủy lợi trên địa bàn được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy hoạch. Nhờ đó, gần 90% diện tích nông nghiệp của huyện được chủ động tưới, tiêu giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cây trồng. Hệ thống lưới điện được chú trọng đầu tư đồng bộ, công tác duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện trung và hạ áp được thực hiện thường xuyên. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn được sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

Với mục tiêu “Tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ”, hạ tầng các cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vào cụm, khu công nghiệp trên địa bàn: Các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm, khu công nghiệp sản xuất ổn định và đáp ứng nhu cầu cho trên 20.000 lao động trên địa bàn huyện. Cụm công nghiệp Vạn Xuân, Khu công nghiệp Trung Hà đang tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng mở rộng theo quy hoạch và đầu tư hạ tầng thu hút doanh nghiệp đầu tư. Trong hai năm qua, với những chính sách, cơ chế phù hợp, linh hoạt được thực thi đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút đầu tư 24 dự án tư nhân với tổng vốn gần 27.000 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Vạn Xuân đang được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

Điểm nhấn nổi bật trong hơn một thập niên xây dựng nông thôn mới ở Tam Nông là kinh tế duy trì mức tăng trưởng đột phá, dần khẳng định vị trí, vai trò là vùng động lực kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng (giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng giá trị các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ), phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các thành phần kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đóng góp tích cực cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân. Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, Tam Nông đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ mới, cơ giới hóa trong sản xuất. Các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm được triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản được triển khai nhân rộng.

Huyện cũng tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư theo phương thức liên doanh, liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo phát triển một số mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, 12/12 xã, thị trấn có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Huyện ưu tiên bố trí các nguồn vốn tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, hỗ trợ các trang trại, các mô hình, dự án về chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả, hỗ trợ sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao, mô hình trồng cây dược liệu, hỗ trợ cho công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm và bảo vệ thực vật. Tăng thu nhập cho người dân lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương.

Trên địa bàn huyện hiện có 09 chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm: 05 VietGAP trồng trọt (30ha chuối tây - xã Dân Quyền; 02ha rau củ quả - xã Hương Nộn; 10ha chuối tây - xã Bắc Sơn, 06ha dưa chuột Nhật - xã Quang Húc, 10ha ngô - xã Tề Lễ); 04 VietGAP chăn nuôi (Gà đồi - xã Lam Sơn, Gà thịt- xã Vạn Xuân, Ong - xã Dị Nậu, Thọ Văn); Chứng nhận ISO 9001-2015 cho sản phẩm Đông trùng hạ thảo xã Thanh Uyên.

Trong ba năm (2021-2023), Tam Nông được công nhận 14 sản phẩm OCOP 3 sao tại 11/11 xã. Giá trị bình quân trên cùng diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản của huyện hiện đã đạt 126,5 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương và ngày càng phát huy hiệu quả, giá trị kinh tế. Từ 14,3 triệu đồng (năm 2010), đến nay thu nhập bình quân của người dân Tam Nông đã đạt 53,3 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm xuống còn 2,34%.

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện; chất lượng chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được cải thiện; hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngày càng phát triển. 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2022 - 2023, giáo dục mũi nhọn Tam Nông xếp thứ nhất toàn tỉnh (tăng 5 bậc) so với năm học trước. Trong ba năm qua, toàn huyện đã xây dựng mới, sửa chữa 116 nhà văn hóa, đạt 127,47% so với kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện là gần 34 tỉ đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày càng tăng.

Năm 2023, toàn huyện có 140/142 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 98,6%. Là vùng đất cổ, Tam Nông có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng với 112 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 11 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 29 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh,... là cơ sở để phát triển du lịch tâm linh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được chú trọng. Những năm qua, huyện đã tập trung huy động nguồn lực tu bổ, tôn tạo nhiều di tích với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng; phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; trên địa bàn không có trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; lực lượng công an, quân sự ngày càng được nâng cao về chất lượng và trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được xây dựng vững mạnh toàn diện; đội ngũ cán bộ, công chức luôn được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận, chuyên môn và thực tiễn, hoạt động tích cực, gần dân, sát dân hơn đã làm nòng cốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhất quán phương châm: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nên phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, với tinh thần “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể” và “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”; phát huy những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân Tam Nông sẽ tiếp tục chung sức đồng lòng, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, nông thôn văn minh giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng khu nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong tình hình mới để người dân thực sự được hưởng thành quả từ xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, hoàn thành thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, xây dựng quê hương Tam Nông ngày càng giàu đẹp.

Vương Đức Thủy

TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tam Nông

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chinh-tri/thanh-qua-tu-truyen-thong-doan-ket-no-luc-sang-tao-vuot-kho-quyet-tam-xay-dung-cuoc-song-moi-tot-dep-hon/207676.htm