Thành phố ở Trung Quốc phải phong tỏa 4 lần trong 7 tháng vì Covid-19

Trung Quốc kiên quyết dập dịch bằng các biện pháp cứng rắn nhưng điểm yếu đang dần lộ ra ở vùng biên giới, điển hình như thành phố Thụy Lệ - nơi phải phong tỏa 4 lần trong 7 tháng.

Thụy Lệ, thành phố tại tỉnh Vân Nam có chung đường biên giới với Myanmar, ban bố lệnh phong tỏa 4 lần trong 7 tháng qua, theo Bloomberg. Dưới sức ép của lệnh phong tỏa kéo dài, các cửa tiệm và nhà hàng đã phá sản, trong khi người dân bị cấm rời khỏi địa phương.

Nhưng công sức của hơn 200.000 dân Thụy Lệ vẫn ít có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus, với từng đợt bùng dịch liên tục xảy ra tại thành phố từ tháng 3. Phần lớn trong số 1.500 ca mắc từ đầu năm tới nay tại tỉnh Vân Nam đều tập trung tại khu vực Thụy Lệ.

Thụy Lệ có chung đường biên giới với Myanmar. Đồ họa: Caixin Global.

“Lệnh phong tỏa kéo dài khiến thành phố đứng yên”, Dai Rongli, cựu Phó thị trưởng Thụy Lệ, lên tiếng trên mạng xã hội ngày 28/10.

“Thành phố cần khôi phục sản xuất và các hoạt động thiết yếu. Chính quyền nên rút ra bài học về việc cân bằng toàn cảnh với tình hình địa phương, sinh kế người dân và kiểm soát dịch”, cựu quan chức Rongli nói.

Trước sự phản đối của người dân, chính quyền Thụy Lệ ngày 1/11 cập nhật chính sách để cải thiện các biện pháp hỗ trợ đảm bảo sinh kế cho người dân, đồng thời hứa hẹn đơn giản hóa quy trình cách ly để tạo thuận lợi cho người rời thành phố, theo Caixin Global.

Mắc kẹt trong bán phong tỏa từ đầu tháng 7

Thụy Lệ mắc kẹt trong trạng thái bán phong tỏa từ đầu tháng 7, thời điểm xuất hiện ổ dịch Delta khiến cả Trung Quốc lo sợ. Nhà chức trách nhanh chóng niêm phong khu vực có ca mắc và siết chặt ra vào thành phố.

Tuy các đợt bùng dịch lớn đã được kiểm soát hiệu quả, những biện pháp giới hạn phần lớn vẫn được giữ nguyên tại Thụy Lệ vì thi thoảng vẫn xuất hiện ca mắc.

Theo nội dung họp báo chính quyền ngày 30/10, Thụy Lệ ghi nhận 2 ca mắc trong nước có triệu chứng và 17 ca không triệu chứng kể từ ngày 1/10. Hơn 20% người trở về từ nước ngoài cho kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Giới chức cảnh báo rủi ro lây nhiễm cộng đồng vẫn còn âm ỉ.

Trước đó, ngày 26/10, chính quyền thành phố cho biết Thụy Lệ sẽ duy trì các mức độ kiểm soát dịch khác nhau tùy theo nguy cơ từng vùng. Một phần của thành phố sẽ tiếp tục được phong tỏa do rủi ro lây nhiễm cao, người dân ở khu vực rủi ro thấp được phép di chuyển nhưng phải cách ly bắt buộc tự trả phí.

Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc, từng cho rằng cách chống dịch triệt để của nước này ít tốn kém so với sống chung với virus. Ảnh: Weibo.

Trước đợt bùng dịch vào tháng 7, Thụy Lệ hai lần bị áp lệnh phong tỏa trong thời gian ngắn. Từng đợt dịch ngắt quãng buộc nhà chức trách địa phương phải chặn đi lại và tổ chức xét nghiệm diện rộng.

Các đợt tái bùng dịch liên tiếp đã làm nổi bật khó khăn trong công tác kiểm soát dịch dọc đường ranh giới dài 170 km giữa Thụy Lệ và Myanmar.

Thách thức của chính quyền tại đây càng lớn khi các vụ vượt biên trái phép gia tăng, trong bối cảnh Myanmar gặp tình trạng bất ổn chính trị và Trung Quốc tăng cường trấn áp tội phạm xuyên biên giới.

Những đợt bùng dịch trước bắt nguồn từ người vượt biên trái phép và tội phạm tìm cách trở về Trung Quốc đầu thú. Theo một thông báo từ chính quyền vào cuối tháng 9, hàng nghìn người đang chờ đợi vào Trung Quốc qua đường Thụy Lệ, từ đó đặt ra thách thức lớn cho công tác kiểm soát dịch tại đây.

Di dời toàn bộ một quận để chống dịch

Quận Tỷ Cáo, khu vực mậu dịch biên giới đầu tiên của Trung Quốc tại Thụy Lệ, là khu vực bị kiểm soát nghiêm ngặt nhất trong thành phố.

Sau vài đợt tái bùng dịch vào đầu năm nay, quận này tới nay vẫn ở trong trạng thái phong tỏa một phần.

Với 15.000 dân, Tỷ Cáo được nối với trung tâm thành phố bằng cây cầu bắc qua sông Thụy Lệ. Từ cuối tháng 4, người dân Tỷ Cáo phải xét nghiệm cứ mỗi 2 tuần và phải trình kết quả xét nghiệm để rời địa phương.

Tuy đường biên giới đất liền với Myanmar tại Tỷ Cáo đã bị đóng trong nhiều tháng, người dân vẫn tràn tới đây để tìm đường vào Trung Quốc. Một số người trong nhóm này bị tình nghi phạm tội xuyên biên giới và đang muốn trở về Trung Quốc đầu thú.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Thụy Lệ vào tháng 7. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo một người dân địa phương tên Li Ling, quận Tỷ Cáo bị phong tỏa giai đoạn 29/3-10/5 sau một lần bùng dịch, sau đó là một lần phong tỏa nữa kéo dài từ ngày 4/7.

Trong tháng 8, chính quyền quận Tỷ Cáo có biện pháp quyết liệt hơn: Yêu cầu mọi người dân thu xếp hành lý rời đi vì toàn bộ khu vực sẽ được sơ tán để kiểm soát dịch bệnh, theo Caixin Global.

Toàn bộ người dân quận Tỷ Cáo được yêu cầu chuyển đến nơi khác và trải qua 14 ngày cách ly.

Tuy quá trình cách ly được chính quyền địa phương hỗ trợ một phần, người dân vẫn phải trả 7,8-28,1 USD tiền ăn mỗi ngày, theo thông báo ngày 23/8 của nhà chức trách địa phương.

“Trừ nhân viên y tế và cán bộ quản lý biên giới, mọi người dân Tỷ Cáo đều rời đi trước giữa tháng 9 và chuyển đến các nơi khác bằng tiền túi của mình”, một chủ tiệm trang sức tại Tỷ Cáo nói.

Chủ tiệm này còn cho biết cửa hàng mình phải dừng hoạt động từ khi các biện pháp chống dịch được tăng cường vào cuối tháng 3. Sau khi đóng cửa, ông trở về quê nhà ở tỉnh Giang Tây sau 14 ngày cách ly.

Li Ling và gia đình chị cũng phải rời khỏi Tỷ Cáo để tới trung tâm thành phố Thụy Lệ. “Gia đình tôi đông người mà không có nơi nào để đi, chúng tôi phải thuê nhà”, chị Li nói.

Người dân đi qua cửa khẩu Myanmar - Trung Quốc tại bang Shan, Myanmar vào tháng 7, thời điểm thành phố Thụy Lệ bên kia biên giới áp lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP.

Rời thành phố để kiếm sống

Lệnh phong tỏa kéo dài buộc một số người tính tới chuyện rời Thụy Lệ tới nơi khác kiếm sống. Người dân ra đi nhiều trong tháng 7 và tháng 8, theo Wang Wei, một chủ cửa hàng tại Thụy Lệ. Ông Wang cũng đã đưa gia đình mình ra khỏi thành phố.

Vào thời điểm đông nhất, khoảng 5.000 người rời đi mỗi ngày trong suốt một tuần, theo một viên chức chuyên xử lý giấy tờ cho người dân rời Thụy Lệ.

Ông Wang ở lại Thụy Lệ để sắp xếp việc kinh doanh, nhưng trong nhiều tháng vẫn không có quy định mới từ chính quyền. Tháng 10, chủ cho thuê mặt bằng miễn một tháng tiền thuê nhà cho ông Wang.

Zhang Feng, ông chủ một tiệm kinh doanh rèm tại Thụy Lệ, cũng chọn ở lại. Rời khỏi thành phố lúc này cũng đồng nghĩa với việc phải bỏ ra khoản tiền lớn để cách ly bắt buộc theo yêu cầu của nhà chức trách. Đây là một gánh nặng đối với nhiều người vốn đã mất thu nhập trong nhiều tháng.

“Nhiều người Thụy Lệ rất lâu rồi không kiếm được đồng nào”, ông Zhang nói. “Một người bạn của tôi chỉ đi làm 15 ngày trong tháng 4 rồi nghỉ ở nhà từ đó tới giờ (vì kiểm soát dịch)”.

Người dân đi mua sắm ở một siêu thị sau đợt bùng phát dịch tại Bắc Kinh vào ngày 3/11. Ảnh: Reuters.

Dòng người rời đi cùng việc kinh doanh bị gián đoạn càng làm thị trường địa phương nguội lạnh và đẩy giá cả lên cao.

“Giá cả nhiều mặt hàng thường nhật tăng đáng kể từ đầu đại dịch, chúng tôi bây giờ phải sống nhờ vào tiền tiết kiệm”, ông Li nói.

Để kiểm soát dịch, Thụy Lệ đóng cửa đa số chợ nông sản và siêu thị lớn, theo ông Wang. Dân địa phương chủ yếu dựa vào các trang thương mại điện tử để mua sắm hàng ngày, nhưng lựa chọn trên đó ít và giá cao, ông Wang nói.

Tháng 8, chính quyền thành phố Thụy Lệ đưa ra một loạt chính sách với cam kết hỗ trợ tài chính cho các cơ sở kinh doanh, bao gồm việc giảm tiền thuê nhà và giảm thuế.

Trong cuộc họp báo ngày 29/10, Yi Zhongde, Phó thị trưởng Thụy Lệ, cho biết thành phố đã tung các khoản trợ cấp trị giá 10,7 triệu USD cho gần 70.000 người gặp khó khăn, bên cạnh khoản trợ cấp hơn 1,8 triệu USD cho các gia đình nghèo khó, trẻ mồ côi và người khuyết tật.

Nhưng theo ông Zhang, vẫn còn nhiều gia đình bình thường và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không đủ điều kiện nhận trợ cấp.

“Người dân đang trải qua giai đoạn rất khó khăn”, Phó thị trưởng Yang Mou ngày 29/10 cho biết, bổ sung rằng sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt cho tới khi thành phố sạch bóng virus.

“Chừng nào còn ca mắc, rủi ro virus lây lan vẫn còn đó”, ông Yang nói. “Cần duy trì chính sách nghiêm ngặt đối với người rời thành phố để đảm bảo không ảnh hưởng tới công tác kiểm soát dịch của toàn tỉnh và toàn quốc”.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-pho-o-trung-quoc-phai-phong-toa-4-lan-trong-7-thang-vi-covid-19-post1275038.html