Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư công năm 2024 hơn 55.000 tỷ đồng, tập trung thực hiện 5 dự án BOT

Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác định tổng nhu cầu vốn đăng ký trong năm 2024 của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư là hơn 55.225 tỷ đồng. Trong đó, Thành phố trình 5 dự án BOT trước mắt cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030.

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư công năm 2024 hơn 55.000 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư công năm 2024 hơn 55.000 tỷ đồng.

Đầu tư công năm 2024 dự kiến hơn 55.000 tỷ đồng

Sáng 19/9, tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) UBND Thành phố đã trình dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, trên cơ sở đăng ký nhu cầu vốn của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, UBND Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách Trung ương của Thành phố là hơn 4.355 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước có tổng nhu cầu vốn trong năm 2024 là hơn 2.882 tỷ đồng, gồm: Xây dựng nút giao thông An Phú 500 tỷ đồng; dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh 382,870 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) 1.500 tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách Trung ương vốn nước ngoài có tổng nhu cầu vốn năm 2024 là 1.473 tỷ đồng. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) 1.200 tỷ đồng; dự án cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đảo hở 100 tỷ đồng; dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 (WB) 173 tỷ đồng.

Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, UBND Thành phố xác định tổng nhu cầu vốn đăng ký trong năm 2024 của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư là hơn 55.225 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn đăng ký cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện để có thể xem xét, bố trí vốn trong năm 2024 là hơn 34.976 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2024 hơn 4.749 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Thành phố hơn 30.227 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng số vốn đăng ký cho các dự án chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2024 hiện đang được các sở ngành, chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục quyết định đầu tư dự án.

Dự kiến được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư trước thời điểm HĐND Thành phố quyết nghị thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố vào kỳ họp cuối năm là hơn 20.248 tỷ đồng.

Cụ thể, hơn 15.959 tỷ đồng bố trí cho các dự án dự kiến được HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư, UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2023; hơn 3.127 tỷ đồng từ mức vốn ngân sách thành phố dự kiến được HĐND Thành phố chấp thuận bổ sung cân đối cho 5 huyện và thành phố Thủ Đức; hơn 1.162 tỷ đồng từ mức vốn ngân sách thành phố dự kiến được HĐND Thành phố chấp thuận hỗ trợ cho các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn thành phố.

Nguồn vốn ngân sách Trung ương vốn nước ngoài có Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) 1.200 tỷ đồng

Nguồn vốn ngân sách Trung ương vốn nước ngoài có Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) 1.200 tỷ đồng

5 dự án BOT tập trung thực hiện giai đoạn 2023 - 2030.

Tại kỳ họp, UBND Thành phố đã trình danh mục Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT).

Trong đó, 5 dự án trước mắt cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030. Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,9 km sẽ được mở rộng lên 53 – 60 m với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.800 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ góp vốn từ nhà đầu tư là 50% tổng mức đầu tư.

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km, sẽ được mở rộng lên từ 52 – 60 m với tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.

Dự án mở rộng Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) dài 9,1km sẽ mở rộng lên 60m với tổng mức đầu tư lên gần 7.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 2.400 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.

Dự án cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2km có mặt cắt ngang rộng 30 – 40m, với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 3.300 tỷ đồng. Dự án này được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 54% và doanh nghiệp tham gia 46%.

Dự án cuối cùng là trục đường Bắc – Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 8km, được đề xuất mở rộng 60m. Tuy nhiên, chưa có thông tin về tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này.

Theo đánh giá của UBND Thành phố, cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có việc áp dụng loại hợp đồng BOT như một phương thức cấp vốn và phát triển các dự án.

Dự án áp dụng loại hợp đồng BOT có thể giải quyết được yêu cầu về vốn đầu tư trong điều kiện nguồn Ngân sách Thành phố còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công.

Quang Hải – Viết Dũng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-du-kien-dau-tu-cong-nam-2024-hon-55000-ty-dong-tap-trung-thuc-hien-5-du-an-bot-361184.html