Thành phố Hồ Chí Minh cân đối thêm hơn 119 nghìn tỷ đồng xây dựng đường Vành đai 3

Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng cân đối nguồn vốn chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 261.967,923 tỷ đồng, cao hơn 119.410,922 tỷ đồng so mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ (142.557 tỷ đồng) để đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3.

Đó là nội dung trong tờ trình của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký, gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 16/2 nhằm kịp thời triển khai dự án.

Tờ trình của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, số tiền hơn 119 nghìn tỷ đồng mà thành phố cam kết cân đối thêm cho dự án này được huy động từ các nguồn như thu tiền sử dụng đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, thu phí cảng biển, từ nguồn bội chi ngân sách địa phương…

Theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 122/TB-VPCP ngày 25/5/2021, UBND các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh cũng thống nhất kiến nghị, Chính phủ đồng ý trình Quốc hội cơ chế cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ưu tiên nguồn vốn để bố trí cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn 2021-2025 và phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư dự án.

Với dự kiến nguồn vốn từ ngân sách thành phố để thực hiện dự án, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng cam kết thực hiện cân đổi, bố trí đủ vốn để đầu tư hoàn thành dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh theo tiến độ đã đề ra.

Dự án đường Vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 và Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/ 2021. Đường Vành đai 3 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Dự án đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng chiều dài tuyến đường là 91,64km.

Dựa vào dự án tiền khả thi được lập, điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An) với quy mô 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh và đường song hành 2 bên, mỗi bên tối thiểu 2 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án đường Vành đai 3 là 75.777 tỷ đồng, trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 42 nghìn tỷ đồng.

Tháng 1/2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư Xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh với khái toán tổng mức đầu tư của dự án là 75.777 tỷ đồng. UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đề xuất dự án đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Dự kiến nguồn vốn đầu tư như sau: ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; 100% tổng mức đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An (khoảng 39.990,060 tỷ đồng).

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/thanh-pho-ho-chi-minh-can-doi-them-hon-119-nghin-ty-dong-xay-dung-duong-vanh-dai-3-686007/