THANH HÓA: NHỮNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU KHI SẮP XẾP ĐỀU PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CHUNG CỦA CẢ NƯỚC

Kết quả giám sát cho thấy, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi sắp xếp đã cơ bản phù hợp với quy hoạch mạng lưới chung của cả nước về ĐVSNCL đến năm 2021, định hướng đến năm 2025 và 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành giám sát trực tiếp tại 06 đơn vị, đồng thời, giám sát qua báo cáo đối với 31 cơ quan, đơn vị.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, số ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh là 2.224 đơn vị, giảm 260 đơn vị tương đương giảm 10,4% so với năm 2015. Tính đến ngày 31/12/2023, số ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh là 2.181 đơn vị, giảm 43 đơn vị so với năm 2021 và giảm 303 đơn vị tương đương 12,1% so với thời điểm 31/12/2015.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thực hiện chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại huyện Nông Cống và Tp.Thanh Hóa.

Về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trong từng lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Từ năm 2015 đến hết năm 2023, Thanh Hóa đã thực hiện giải thể, sáp nhập, sắp xếp lại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học, giảm 189 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Năm 2020, chuyển Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn về trực thuộc Ủy ban Dân tộc theo Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, quy định phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao).

Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Trong giai đoạn giám sát, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện sáp nhập các Trường: Trung cấp Phát thanh Truyền hình, Trung cấp nghề Xây dựng và Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Trường Cao đẳng Nông lâm thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa (giảm 03 ĐVSNCL).

Sắp xếp, tổ chức lại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND cấp huyện thành một đầu mối là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (giảm 17 ĐVSNCL); Sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hóa (giảm 01 đơn vị sự nghiệp); Sắp xếp tổ chức, bộ máy Trường Trung cấp nghề thương mại Du lịch (giảm 03 phòng, khoa); Giải thể Trường Cao đẳng Thể dục, Thể thao Thanh Hóa (giảm 01 ĐVSNCL).

Về lĩnh vực y tế: Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, giai đoạn 2015 - 2020, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa thực hiện tổ chức các cơ sở y tế công lập theo 3 tuyến: tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh. Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024), cơ sở khám chữa bệnh được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Việc sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế: Thanh Hóa hiện có 01 Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa, trực thuộc Sở Y tế. Sắp xếp, hợp nhất 05 đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh để thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, giảm 04 ĐVSNCL. Sáp nhập 27 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào 27 Trung tâm Y tế cấp huyện; đồng thời, giao Trung tâm Y tế trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có).

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải.

Về lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tổ chức, sắp xếp lại 07 đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa để thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giảm 06 đơn vị sự nghiệp.

Về lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch: Sáp nhập Đoàn nghệ thuật Tuồng, Đoàn nghệ thuật Chèo, Đoàn nghệ thuật Cải lương thành Nhà hát nghệ thuật truyền thống, giảm 02 đơn vị sự nghiệp công lập. Các thư viện công cộng cấp huyện đã thực hiện sáp nhập vào các Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch cấp huyện.

Sáp nhập Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa để thành lập Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa; Sáp nhập Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Thanh Hóa để Thành lập Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa; Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn. Các đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn đều trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về lĩnh vực thông tin và truyền thông: Sắp xếp lại cơ quan báo chí: Chấm dứt hoạt động của Báo Văn hóa và Đời sống, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chuyển giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức, lao động, tài chính, tài sản vào Báo Thanh Hóa, giảm 01 ĐVSNCL.

Đối với việc sắp xếp lại các nhà xuất bản, tỉnh Thanh Hóa hiện có Nhà xuất bản Thanh Hóa là nhà xuất bản tổng hợp của địa phương, hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước), hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh đang giao lập Đề án tái cấu trúc hoạt động của Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản Thanh Hóa trình cấp thẩm quyền quyết định. Tổ chức lại các ĐVSNCL trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố hoạt động trong lĩnh vực truyền thanh - truyền hình thành một đầu mối, giảm 27 đơn vị sự nghiệp cấp huyện.

Về lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: Đã thực hiện kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các ĐVSNCL trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa; Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa; Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa; Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa; Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa; Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa.

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Sáp nhập các Ban quản lý rừng phòng hộ theo địa bàn quản lý, giảm 04 ĐVSNCL; Hợp nhất, sáp nhập Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, giảm 54 đầu mối tổ chức sự nghiệp trực thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Thú y; Sáp nhập Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng, Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc thành Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa, giảm 02 ĐVSNCL; Sáp nhập Đoàn Quy hoạch và thiết kế thủy lợi vào Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Sáp nhập, hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện để thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, giảm 23 ĐVSNCL cấp huyện.

Đối với các lĩnh vực khác: Thành lập 04 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở tổ chức lại 15 ĐVSNCL, giảm 11 ĐVSNCL; thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 1 và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2; thành lập Ban Quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng, là ĐVSNCL tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, trực thuộc Sở Giao thông vận tải.

Sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bên trong các đơn vị: Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa (giảm 01 phòng, 01 trung tâm); Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa (giảm 02 phòng); Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (giảm 01 phòng). Thành lập Phòng công chứng số 1, trên cơ sở sáp nhập Phòng công chứng số 1 và Phòng công chứng số 3, trực thuộc Sở Tư pháp, giảm 01 phòng. Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa, trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 và Ban Giải phóng mặt bằng thành phố Thanh Hóa, trực thuộc UBND thành phố Thanh Hóa, giảm 03 đơn vị.

Về chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần: Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện rà soát, đánh giá, đề xuất chuyển đổi thành công ty cổ phần, đối với: Đội đảm bảo giao thông huyện Triệu Sơn; Đội quản lý giao thông đường bộ huyện Hà Trung; Hạt giao thông thị xã Nghi Sơn (hiện nay đã sáp nhập với Trung tâm Quản lý Hạ tầng Môi trường và Hỗ trợ đầu tư, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp).

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải, về cơ bản, hệ thống tổ chức các ĐVSNCL thuộc các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi sắp xếp đã cơ bản phù hợp với quy hoạch mạng lưới chung của cả nước về ĐVSNCL đến năm 2021, định hướng đến năm 2025 và 2030.

Công tác tổ chức các ĐVSNCL từng bước được hoàn thiện. Đối với các ĐVSNCL phục vụ quản lý nhà nước đã phát huy vai trò, trách nhiệm, giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương. Đối với các ĐVSNCL làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công thiết yếu, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cơ bản người dân về giáo dục - đào tạo, giáo dục - nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe và ngày càng nâng cao chất lượng./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=86103