Thành danh từ ngôi trường Bá nghệ Biên Hòa

Từ cách đây 120 năm, người Pháp đã thành lập trên vùng đất Đồng Nai một ngôi trường chuyên dạy các nghề về mỹ thuật trang trí. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai (trước đây người dân vẫn quen gọi là Trường Bá nghệ Biên Hòa) vẫn duy trì được các nghề truyền thống (gốm, điêu khắc) và phát triển đào tạo các nghề mỹ thuật ứng dụng.

Anh Phạm Bá Lực, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế nội thất Hoàn Hảo thảo luận cùng các cộng sự. Họ đều là cựu sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ảnh: H.YẾN

Anh Phạm Bá Lực, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế nội thất Hoàn Hảo thảo luận cùng các cộng sự. Họ đều là cựu sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ảnh: H.YẾN

Từ ngôi trường này, nhiều thế hệ sinh viên đã thành danh, khởi nghiệp thành công, góp phần lan tỏa thương hiệu Trường Bá nghệ Biên Hòa.

Thành công nhờ nắm bắt xu hướng xã hội

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nghệ An nhưng trong hành trình chinh phục ước mơ, xây dựng tương lai, anh Phạm Bá Lực đã chọn học ngành thiết kế nội thất tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai (khóa học 2005-2008).

Anh Lực cho biết, thời điểm anh lựa chọn và quyết tâm theo đuổi ngành thiết kế nội thất, ở Việt Nam mới chỉ có 2 trường đào tạo ngành này, trong đó có 1 trường ở phía Bắc và Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai ở phía Nam. Khi chọn ngành học, anh rất tin tưởng vào cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai có nhiều khởi sắc. Trường tiếp tục duy trì được ngành gốm, điêu khắc; tăng nhiều sinh viên ở khối ngành mỹ thuật ứng dụng.

Anh Lực chia sẻ: “Ăn, mặc, ở, đi lại là những nhu cầu cơ bản của con người. Ngành thiết kế nội thất phục vụ trực tiếp cho nhu cầu ở. Vì vậy, sinh viên ra trường chắc chắn có việc làm”.

Sau khi học xong năm nhất, anh Lực đã nắm được kỹ thuật đồ họa cơ bản và tự học hỏi thêm nên đã có thể tìm được việc làm thêm phù hợp với ngành học. Bước sang năm thứ 2, anh đã vừa học vừa làm cho một công ty chuyên ngành thiết kế nội thất. Khi học năm cuối, anh đã có việc làm ổn định với mức lương chính thức.

Năm 2015, anh Lực thành lập Công ty TNHH Nội thất Hoàn Hảo và phát triển ổn định cho đến nay. Công ty của anh Lực cũng là một trong những doanh nghiệp thường xuyên tiếp nhận sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đến thực tập, làm việc.

Từ trải nghiệm của bản thân thời sinh viên và quá trình điều hành doanh nghiệp, anh Lực cho rằng, sinh viên các ngành mỹ thuật ứng dụng cần tăng cường trải nghiệm, thực tập trong quá trình học. Từ năm thứ 2, sinh viên nên đi làm thêm những công việc phù hợp ngành học để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng. Như vậy, khi ra trường mới có thể cạnh tranh được trong thị trường lao động.

Hiện nay, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI), công việc của người thiết kế nội thất đã trở nên thuận tiện hơn nhiều. Tuy vậy, sinh viên cần học cách tối ưu về thiết kế và chi phí cho khách hàng.

“Kỹ năng của người làm thiết kế nội thất hiện nay là phải tìm tòi vật tư, quy cách, kích thước của vật liệu để có thể tối ưu chi phí cho khách hàng mà vẫn đảm bảo được công năng sử dụng. Muốn làm được điều này, phải thực hành nhiều” - anh Lực cho biết.

Cũng theo anh Lực, điểm yếu của sinh viên hiện nay là chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp, thiếu đam mê và quyết tâm theo đuổi ngành nghề đã chọn. Nhiều sinh viên chỉ học cho có nên chưa chủ động học hỏi, thực hành dẫn đến thiếu kỹ năng thực tế, khiến các bạn khó có thể đáp ứng được công việc khi ra trường.

Anh Lực bày tỏ, công ty của anh sẵn sàng tiếp nhận sinh viên từ năm nhất đến làm thêm để tạo điều kiện cho sinh viên có nguồn thu nhập trang trải cho việc học, đồng thời là môi trường để trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm.

Không ngừng tự học, truyền lửa cho thế hệ trẻ

Với công chúng yêu nghệ thuật hội họa, điêu khắc ở Đồng Nai, Nguyễn Quốc Trọng không phải là cái tên xa lạ. Anh là cựu sinh viên ngành thiết kế đồ họa của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng trong giờ dạy học cho sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện

Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng trong giờ dạy học cho sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện

Anh bước chân vào học từ năm 2000 để thỏa đam mê hội họa của bản thân. Khi đó, thiết kế đồ họa là xu hướng mới của khối ngành mỹ thuật ứng dụng nên điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. Để tự học và có nhiều thông tin tham khảo, anh thường xuyên đi thực tế để “săn” các mẫu thiết kế đồ họa tại các hội chợ, triển lãm.

“Thời điểm đó, Đồng Nai hầu như không có hội chợ triển lãm, tôi phải đi TP.HCM để sưu tập các thiết kế, từ bao bì sản phẩm đến tờ rơi quảng cáo, catalogue của các nhãn hàng ở hội chợ để học hỏi họ về cách thiết kế, chất liệu… Ngoài ra, tôi còn sưu tầm mẫu thiết kế từ sách, báo, tem; thậm chí có khi ăn hàng quà xong cũng giữ lại bao bì để làm tư liệu tham khảo… Tất cả những mẫu mã này được tôi cắt, dán lại thành một cuốn album. Đến nay, tôi vẫn còn giữ cuốn album này” - anh Trọng kể lại.

Theo anh Trọng, việc học ngành thiết kế đồ họa hiện nay thuận lợi hơn trước rất nhiều. Không chỉ có nhiều phần mềm, ứng dụng hỗ trợ, sinh viên còn có thể dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng vào công nghệ sẽ có thể làm giảm đi khả năng sáng tạo của người làm nghề thiết kế. Do vậy, trong công tác đào tạo, nhà trường cần chú trọng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, tăng cường thực hành, tiếp xúc thực tế cho sinh viên.

Anh Trọng hiện cũng tham gia giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và một số trường nghề khác. Để giúp sinh viên tiếp thu được kiến thức, phát huy sở trường và đáp ứng thị trường lao động, anh chủ động cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới giáo án, ứng dụng công nghệ, linh hoạt giữa lý thuyết và thực hành.

Ngoài công tác giảng dạy, anh đang làm chủ, điều hành một phòng tranh trên địa bàn TP.Biên Hòa và thực hiện các công trình điêu khắc, thiết kế đồ họa theo yêu cầu.

Hải Yến

Bộ trưởng Bộ VH-TTDL NGUYỄN VĂN HÙNG:

Góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Văn hóa

Nhân kỷ niệm 120 năm thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng đã có thư chúc mừng gửi các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và các em học sinh, sinh viên nhà trường.

Trong thư, Bộ trưởng viết: “Trong thời gian tới, ngành VH-TTDL đứng trước yêu cầu đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt trận công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Yêu cầu đó đòi hỏi nhà trường phải phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết, thống nhất, chủ động, linh hoạt, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ văn hóa, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Trên cơ sở đó, nhà trường cần chú trọng đổi mới, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu, nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, đồng thời nhà trường cũng cần không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản nguồn nhân lực”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Mong muốn làm sống lại thương hiệu gốm Biên Hòa - Đồng Nai

Bên cạnh việc duy trì các ngành đào tạo truyền thống, có giá trị cao trong việc bảo tồn văn hóa như: gốm, điêu khắc, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ AI vào công tác đào tạo. Nhất là đối với các ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng như: thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, truyền thông đa phương tiện.

Để làm được điều đó, nhà trường cần tích cực tham gia vào chuyển đổi số, cập nhật công nghệ mới cho giảng viên; đổi mới giáo trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy… Cùng với đó, trường cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp để cùng phối hợp trong công tác đào tạo, thực hành cũng như tìm đầu ra việc làm cho sinh viên.

Những năm gần đây, trường có đào tạo hệ 9+, góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các ngành học của trường đòi hỏi học sinh phải có những năng khiếu, sở trường thẩm mỹ đặc thù. Do đó, trường cần nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào để chọn được những học sinh có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo. Như vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên mới có việc làm phù hợp, tránh lãng phí trong đào tạo.

Trong thời gian tới, trường cần tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông để quảng bá thương hiệu nhà trường. Lãnh đạo tỉnh rất trăn trở và mong mỏi trường có thể phối hợp được với các hiệp hội, doanh nghiệp, ban ngành, địa phương để làm sống lại thương hiệu gốm Biên Hòa - Đồng Nai, xứng tầm với ngôi trường 120 năm tuổi, góp phần phát huy các giá trị văn hóa của Đồng Nai.

Cựu sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, người sáng lập thương hiệu thời trang Dorii, nhà thiết kế TẠ LINH NHÂN:

Quảng bá sản phẩm của sinh viên góp phần lan tỏa thương hiệu nhà trường

Theo tôi, việc quảng bá sản phẩm của sinh viên sẽ góp phần quan trọng trong việc lan tỏa thương hiệu Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Khi những tác phẩm độc đáo và chất lượng được trưng bày hoặc chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, được truyền thông đưa tin thì không những tên của sinh viên mà thương hiệu của trường cũng được biết đến rộng rãi hơn. Từ đấy có thể tạo sự quan tâm, thu hút đối với cộng đồng, xã hội. Hay nói cách khác, khi sinh viên tiếp thị sản phẩm thành công nghĩa là đã gián tiếp PR thương hiệu của ngôi trường mà họ đang học.

Ban giám hiệu nhà trường cần tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa trường và ngành mỹ thuật công nghiệp. Thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm hoặc chương trình giao lưu với nhà sản xuất, các chuyên gia, các nhà thiết kế hàng đầu, nhà trường sẽ nắm bắt được xu hướng thị trường, thị hiếu khách hàng một cách chính xác nhất.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường quan hệ với các đối tác là các tập đoàn, công ty, xí nghiệp... Trên cơ sở quan hệ hợp tác này, trường có thể kết hợp với các đối tác tổ chức các sự kiện như triển lãm, cuộc thi, show thời trang…, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tài năng của sinh viên.

Trường cần tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu ngày một thay đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp mỹ thuật ứng dụng nói chung. Điều này bao gồm việc cải tiến các phòng máy, phần mềm và xưởng thí nghiệm để đảm bảo rằng sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết nhất.

Cuối cùng, nhà trường cần tăng cường khâu quảng bá và tiếp thị. Việc tạo ra một chiến dịch quảng cáo sáng tạo và hiệu quả, sử dụng các nền tảng mạng xã hội, website, báo đài, quảng cáo trực quan, triển lãm, show thời trang, tọa đàm…, có thể giúp nâng cao sự nhận biết và uy tín của trường trong ngành mỹ thuật công nghiệp.

Tường Vi (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/thanh-danh-tu-ngoi-truong-ba-nghe-bien-hoa-39c6da7/