Thành công trọn vẹn của phiên tọa đàm cấp cao

Những ý kiến chuyên sâu, sắc bén, đa chiều và cặn kẽ của các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa đã mang đến thành công trọn vẹn cho Phiên Tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.

Phiên Tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ chiều qua với sự điều hành khoa học, linh hoạt, sôi nổi và chuyên nghiệp của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tham dự trực tiếp phiên tọa đàm là những chuyên gia kinh tế uy tín, dày dặn kinh nghiệm của Việt Nam hoặc đang làm việc tại Việt Nam như: TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực, TS. Trương Văn Phước, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam; ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam…

Đặc biệt, Quốc hội điện tử và công nghệ số đã cung cấp những công cụ tương tác hiệu quả để huy động trí tuệ chuyên gia, nhà khoa học vào công việc của Quốc hội. Hôm qua, các chuyên gia ở nước ngoài, như GS. Andreas Hauskrecht đến từ Đại học Indiana, Hoa Kỳ; ông Nishad Majmudar, đại diện của Moody’s tại Singapore… gợi ý chính sách cho Quốc hội mà không cần phải có mặt ở Hà Nội. Cùng với đó, hàng trăm học viên, sinh viên của các Học viện và nhiều trường đại học trên cả nước đã tham dự phiên tọa đàm cấp cao theo hình thức trực tuyến.

Không hẹn mà gặp, các đại biểu dự phiên họp toàn thể đều có tiếng nói chung trong dự báo về diễn biến của kinh tế thế giới và những tác động tới Việt Nam.

Khó khăn, thách thức ngày càng tăng

“Từ cuối tháng 7 đến nay, thế giới đã có sự thay đổi, một số xu hướng đã nhận định trước đó trở nên rõ ràng hơn, một số đã thay đổi, thậm chí đảo chiều, một số yếu tố mới xuất hiện”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.

Đó là nguy cơ suy thoái tại một số nước lớn trở nên rõ ràng hơn, tình trạng thất nghiệp tại Mỹ, Canada tăng so với đầu năm 2022. Lạm phát tại Mỹ tăng lên trong tháng 8, nằm ngoài dự báo đã đạt đỉnh và sẽ yếu đi. Nguồn cung khí đốt, giá điện trở thành thách thức chưa từng có tại EU. Mỹ và các nước G7 áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga, áp lực tăng giá dầu tiếp tục có xu hướng yếu đi nhưng còn khó dự đoán. Cùng với đó là tình trạng hạn hán kéo dài trên diện rộng tại Trung Quốc, EU; chính sách của Mỹ về công nghiệp bán dẫn. Căng thẳng địa chính trị gia tăng tại một số khu vực… Trung Quốc và một số nước gia tăng mức độ nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, trong khi Mỹ, EU, Anh và nhiều nước phát triển tiếp tục thu hẹp chính sách tiền tệ.

Chia sẻ với ông Phương, các ý kiến tại phiên toàn thể của Diễn đàn nhất trí rằng, tình hình thế giới nhìn chung diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kém lạc quan hơn. Khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, tiềm ẩn rủi ro chuyển từ các vấn đề về kinh tế sang xã hội, an ninh chính trị của một số quốc gia và khu vực. Những yếu tố này, cộng hưởng với các yếu tố đã được nhận diện, phân tích, đánh giá như tác động kéo dài của dịch Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn… đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn tại nhiều nền kinh tế lớn.

Bối cảnh như vậy sẽ tạo rất nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam. Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta. Đó là chưa kể đến diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

TS. Cấn Văn Lực: Cấp thiết cải thiện năng lực chống chịu và tính tự cường

Dày công nghiên cứu, TS. Cấn Văn Lực cho biết, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình - khá.

Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh phát triển mới, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết bởi 5 lý do chính.

Thứ nhất, đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

Thứ hai, bối cảnh hiện nay và sắp tới còn phức tạp, nhiều bất định, rủi ro (xung đột Nga - Urkaine; lạm phát, giá cả tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế và bất ổn kinh tế - tài chính toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch chuyển năng lượng…). Theo đó, sức chống chịu và khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo hệ thống phòng vệ vững chắc bảo vệ nền kinh tế - tài chính, hệ thống doanh nghiệp và thị trường trong nước.

Thứ ba, sức chống chịu của nền kinh tế dựa trên 3 trụ cột (kinh tế, chính trị - xã hội và môi trường) sẽ giúp ứng phó linh hoạt, phù hợp, giảm thiểu rủi ro do các cú sốc về kinh tế, địa chính trị, biến đổi khí hậu, môi trường (kể cả các cú sốc kết hợp).

Thứ tư, sức chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế không tách rời hội nhập quốc tế sâu rộng và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, khơi dậy tinh thần và ý chí tự lực, tự cường của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kiên định mục tiêu trở thành nước phát triển thu nhập cao, phát triển bền vững.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đề xuất 6 nhóm giải pháp.

Cụ thể là: xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, cần có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp; có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông về “văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh, văn hóa tự chủ, tự cường” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.

“Có ổn định vĩ mô là có tất!”

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thống nhất rằng, càng trong khó khăn và thế giới càng bất định, Việt Nam càng cần phải kiên trì củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Lý do đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra trong bài phát biểu khai mạc và bế mạc Diễn đàn. Đó là: “Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, có thể nói rằng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “ vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế”. Đó là: “Có ổn định vĩ mô là có tất! Giữ vĩ mô là giữ cho từng doanh nghiệp, cho ngân hàng…”.

Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh áp lực lạm phát vô cùng lớn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay theo đúng mục tiêu đã đề ra là 14%. “Trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, đầu tư công chậm, một số ý kiến nói nếu nới tăng trưởng tín dụng vài phần trăm thì sao? Nếu nâng lên thì nguy cơ ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống. Gần đây, Moody nâng hạng xếp hạng tín dụng dài hạn của chúng ta nhưng kèm theo đó là cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam khá cao - 124%. Để tăng trưởng, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ từ ngân hàng”, ông Hà nói dứt khoát.

Cập nhật thời sự tài chính quốc tế, TS. Trương Văn Phước, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết, trong tuần này,12 ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương của Anh, Thụy Sĩ... sẽ “đột kích” vào lạm phát toàn cầu bằng cách nâng khoảng 500 điểm lãi suất cơ bản.

“Nói vậy để thấy dù sao lãi suất vẫn là công cụ để chống lạm phát nên ngân hàng trung ương phải ra tay”. Tuy vậy, ông khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “cố gắng giữ ổn định lãi suất là tốt nhất”. Đặc biệt, “phải giữ cho được ổn định tỷ giá, đây là “phòng tuyến sông Cầu”, vỡ là lạm phát sẽ tràn vào”.

“Ngân hàng Nhà nước cần phải kiên định! Như anh Phước nói, nới lỏng là tỷ giá sẽ chịu áp lực rất lớn. Nếu phá giá mạnh như 2011 và kỳ vọng lớn thì dòng vốn tháo chạy là điều rất nguy hiểm”, TS. Võ Trí Thành tiếp lời.

Theo vị chuyên gia này, trong khi phần lớn các quốc gia phải hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát thì Việt Nam có đầy đủ cơ sở để lựa chọn theo đuổi cùng lúc 2 mục tiêu “củng cố nền tảng vĩ mô” và “thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. “Thời gian tới, dù có thách thức hơn nữa, chúng ta vẫn lựa chọn cả hai mục tiêu này”. Lý do là vị thế tài khóa của chúng ta tương đối tốt. Hơn nữa, khi nới lỏng chính sách tài khóa thì áp lực lên lạm phát nhỏ hơn nhiều so với tăng cung tiền.

Toàn cảnh phiên Tọa đàm cấp cao
Ảnh: Hồ Long

Cho rằng nền kinh tế năm 2021 và 2022 có nhiều điểm sáng, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị Việt Nam nên nới lỏng chính sách tài khóa cẩn trọng và linh hoạt với chính sách tiền tệ. Độ linh hoạt của chính sách tiền tệ nên làm tốt hơn. Theo đó, không chỉ tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào lĩnh vực rủi ro mà cần kiểm soát chặt chẽ hơn vốn cho vay trung và dài hạn, linh hoạt vốn cho sản xuất kinh doanh, tính theo chu kỳ sản xuất kinh doanh cho một số lĩnh vực như đề nghị của ngành dệt may.

Tương tự, GS. Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana, Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam đã phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, dự báo tăng trưởng năm 2022 đạt trên 6%, lạm phát được kiểm soát, nhất là lạm phát cơ bản duy trì ở mức thấp. Trên cơ sở đánh giá tình hình quốc tế và bối cảnh của Việt Nam, ông khuyến nghị Việt Nam tiếp tục coi ổn định kinh tế vĩ mô là chính sách chủ đạo trong giai đoạn này; không nên giảm giá đồng Việt Nam, bởi điều này có thể gây bất ổn tài chính và cũng không nên tăng lãi suất mà nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.

Khép lại sau gần 5 giờ trao đổi, thảo luận với nhiều khuyến nghị chính sách sắc bén, cập nhật, có tính chuyên môn cao, thành công của phiên tọa đàm cấp cao, và rộng hơn là thành công của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 tiếp tục cho thấy luồng sinh khí mới trong hoạt động của Quốc hội - giàu trí tuệ, đa chiều, sôi động và gắn bó chặt chẽ, mật thiết với đời sống dân sinh; mọi quyết sách đều dựa trên cả thực tiễn và căn cứ khoa học. Như vậy, chắc chắn rằng chất lượng các quyết sách của Quốc hội ngày càng tốt hơn; chất lượng hoạt động của Quốc hội ngày càng cao hơn. Chính điều đó thể hiện cao nhất trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội với nhân dân và đất nước.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/thanh-cong-tron-ven-cua-phien-toa-dam-cap-cao-i301052/