Thanh Ba nỗ lực, sáng tạo để bứt phá

Những năm qua, vượt lên bao khó khăn, thách thức, cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện Thanh Ba đã đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy các nguồn lực, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) năm 2023. Kết quả này là sự cộng hưởng sức lực, trí tuệ của nhiều thế hệ đã bền bỉ phấn đấu cho sự phát triển của quê hương, khẳng định nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn huyện, tạo tiền đề cho sự bứt phá trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ.

Diện mạo huyện Thanh Ba ngày càng khởi sắc.

Sau gần 20 năm nhập, tách với huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa thành huyện Sông Lô và với một phần huyện Hạ Hòa thành huyện Thanh Hòa, ngày 7/10/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 63/NĐ-CP về việc tái lập huyện Thanh Ba. Ngày 01/01/1996, huyện Thanh Ba chính thức được tái lập và trở về với tên gọi của chính mình. Trải qua các nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ huyện, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát với tình hình thực tế với lộ trình, bước đi phù hợp.Đặc biệt, được sự quan tâm của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ, ủng hộ của các sở, ban, ngành của tỉnh, những năm qua, Nhân dân và cán bộ huyện Thanh Ba đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, chung sức, đồng lòng quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, tích cực triển khai, đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện vào cuộc sống. Nhờ đó, từ một huyện thuần nông, điều kiện khó khăn, đến nay Thanh Ba đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, diện mạo huyện từng ngày khởi sắc.

Trong lĩnh vực kinh tế, năm năm qua (2018 - 2023), huyện Thanh Ba luôn là một trong những huyện đứng đầu của tỉnh Phú Thọ có mức tăng trưởng kinh tế cao, bình quân đạt 7,19% (kế hoạch 6,5%); kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư; thu hút đầu tư đạt kết quả khả quan, các dự án lớn đã và đang được triển khai thực hiện, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt kế hoạch lộ trình. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 5.990 tỉ đồng, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 900 tỉ đồng, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 120 triệu đồng, vượt chỉ tiêu đến năm 2025.

Thực hiện hai khâu đột phá về: “Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ” và “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, xây dựng Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành bảy nghị quyết chuyên đề, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và Nhân dân, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, củng cố, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Một góc CCN Bãi Ba - Đông Thành.

Về phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp, trên địa bàn huyện có bốn CCN được quy hoạch với tổng diện tích 256,16ha, trong đó hai CCN đã đi vào hoạt động là CCN làng nghề phía Nam huyện và CCN Bãi Ba - Đông Thành. CCN Bãi Ba 2 đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư trên 450 tỉ đồng, CCN Quảng Yên đang triển khai các thủ tục đầu tư với quy mô diện tích 69,42ha.Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Giai đoạn 2021-2023, huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 124,75km đường giao thông (kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 123km) với tổng vốn đầu tư trên 858 tỉ đồng.

Trong đó, nổi bật là ba dự án trọng điểm gồm: Đường giao thông kết nối từ nút giao km30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến trung tâm huyện Thanh Ba, tổng chiều dài 7,647km, tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng; đường kết nối từ trung tâm huyện đi CCN Bãi Ba qua tỉnh lộ 314 với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tổng chiều dài 11,019km, tổng mức đầu tư 160 tỉ đồng; đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi đường tỉnh 314B và đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng, chiều dài 1,99km. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, huyện đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xi măng, huy động đóng góp từ Nhân dân, đến nay tỉ lệ cứng hóa đường giao thông đạt gần 72%; giai đoạn 2024-2025 tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp khoảng 50km.

Về xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, điểm dân cư tập trung, huyện tập trung các nguồn lực cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; triển khai quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Ba đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt, lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị trấn Thanh Ba và các vùng phụ cận đến năm 2035. Chỉ đạo thị trấn Thanh Ba hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn đô thị văn minh.

Bên cạnh đó, huyện chủ động phối hợp với nhà đầu tư triển khai các dự các khu nhà ở đô thị, nhà ở thương mại, các điểm, khu dân cư tập trung ở nông thôn với mục tiêu cung cấp trên 2.400 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 5.300 tỉ đồng. Phê duyệt quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ điểm dân cư tập trung tại các xã. Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số chợ nông thôn phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân; đầu tư xây dựng chợ Đồng Xuân với kinh phí trên 143 tỉ đồng tại trung tâm huyện; khuyến khích hình thành các siêu thị tổng hợp từ hạng III trở lên và phát triển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại khu vực nông thôn...

Thực hiện khâu đột phá về “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 12/4/2021 về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025”. Chỉ đạo tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gắn với các chính sách, cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện; chỉ đạo phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo phù hợp với quy hoạch ba tiểu vùng sản xuất của huyện. Trong giai đoạn 2021-2023, đã phát triển hai dự án liên kết, bốn mô hình liên kết sản xuất tại các xã, qua đó khuyến khích, thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao.

Mô hình sản xuất, chế biến chè búp tím trên địa bàn huyện Thanh Ba quy mô 17ha góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Điển hình như các mô hình: “Trồng, sản xuất và chế biến chè búp tím trên địa bàn huyện Thanh Ba”; “Sản xuất, tiêu thụ gà thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Ba”; hỗ trợ xây dựng nhà lưới phát triển mô hình trồng rau, củ, quả có liên kết sản xuất ở xã Đỗ Xuyên, xã Hoàng Cương; dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ gà trống thiến (ông Gà Cầu) trên địa bàn xã Quảng Yên; dự án trồng mới, thâm canh, chế biến chè xanh chất lượng cao tại xã Chí Tiên... Tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn huyện có 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên, trong đó một sản phẩm được công nhận đạt năm sao.

Trong “bức tranh” phát triển kinh tế - xã hội, Thanh Ba tự hào về những thành quả đáng khích lệ trong xây dựng NTM. Cách đây 12 năm, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bình quân các xã trên địa bàn toàn huyện đạt 3,3 tiêu chí. Đến nay, toàn huyện có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có ba xã Thanh Hà, Đồng Xuân, Đông Thành được công nhận xã NTM nâng cao; thị trấn Thanh Ba đang chờ để được công nhận chuẩn đô thị văn minh. Bộ mặt NTM từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất mang lại lợi nhuận cao. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 49,1 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 4,82% (chỉ tiêu Đại hội đến 2025 còn 4,5%), tỉ lệ hộ cận nghèo còn 3,6% (chỉ tiêu Đại hội đến 2025 còn 4,2%)...

Các lĩnh vực văn hóa- xã hội, giáo dục, y tế đạt được nhiều thành tựu. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường.

Đặc biệt, Phong trào “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”, “Xây dựng các đoàn thể vững mạnh” gắn với thực hiện Kết luận số 01, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được chỉ đạo triển khai sâu rộng, hiệu quả. Hầu hết tổ chức cơ sở đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 30% đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; số xã, thị trấn đạt chính quyền trong sạch vững mạnh qua các năm đều đạt 75% trở lên; tỉ lệ cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 95% trở lên, riêng cán bộ công chức huyện đều 100% hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 15% trở lên. Đảng bộ huyện Thanh Ba năm năm liên tục được công nhận Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Cùng với đó, Phong trào thi đua “Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh” được duy trì tốt hằng năm; HĐND các cấp đã tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, phát huy dân chủ, bàn và quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển kinh kế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. UBND các cấp chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo luật định. Với những kết quả đã đạt được năm năm liên tục (2018 - 2022), chính quyền được công nhận đạt trong sạch vững mạnh, được các cấp khen thưởng... Niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền không ngừng được củng cố, nâng cao.

Phát huy sự năng động, sáng tạo, đổi mới của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị, Thanh Ba đã huy động, khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trí tuệ, tạo ra hướng tiếp cận mới cho hoạch định các chủ trương, chính sách khả thi trong điều kiện thực tiễn của địa phương, nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, củng cố vững chắc thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng huyện NTM Thanh Ba ngày càng giàu, mạnh, văn minh.

Nguyễn Kim Chi

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Ba

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chinh-tri/thanh-ba-no-luc-sang-tao-de-but-pha/207428.htm