Tháng tư, tìm về những địa chỉ đỏ ở Đồng Nai

Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đồng Nai là cửa ngõ quan trọng, mở đường cho bộ đội ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Nai trở thành 'mắt xích' quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) tại huyện Trảng Bom. Ảnh: Ngọc Liên

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai luôn gìn giữ, bảo tồn những địa danh cách mạng, những địa chỉ đỏ từng mang dấu ấn của lực lượng cách mạng Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.

Tìm về ký ức của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”

Đến Đồng Nai, khách du lịch sẽ được nghe giới thiệu về những địa chỉ đỏ nổi tiếng như: Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ - Chiến khu Đ tại huyện Vĩnh Cửu, Căn cứ Sở chỉ huy Đặc khu quân sự rừng Sác và Đoàn 10 đặc công rừng Sác tại huyện Nhơn Trạch, Di tích Nhà lao Tân Hiệp, Di tích Nhà Xanh của thành phố Biên Hòa, Tượng đài chiến thắng La Ngà (huyện Định Quán), Căn cứ Rừng Lá (huyện Xuân Lộc)… Đây là những địa danh ghi dấu những chiến công, truyền thống yêu nước, đấu tranh vì độc lập dân tộc của quân và dân vùng đất Đồng Nai.

Đồng Nai hiện có gần 70 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; trong đó có 42 di tích lịch sử, còn lại là các di tích văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, danh lam thắng cảnh…

Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ - Chiến khu Đ tọa lạc trong rừng sâu thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ ra đời và tồn tại trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1962-1967). Di tích nằm trên một ngọn đồi thoai thoải với diện tích khoảng 28 hécta. Đây là địa chỉ đỏ nổi tiếng luôn được các công ty du lịch lữ hành, các lão thành cách mạng, các trường học, sinh viên, học sinh… chọn là điểm đến trong hành trình về nguồn, ôn lại truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của quân và dân ta trong các cuộc đấu tranh chống Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, sinh viên năm thứ tư Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, chị đã 2 lần được đến thăm Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ tại Đồng Nai, được trải nghiệm hệ thống địa đạo, hệ thống hầm trú ẩn, hệ thống bếp Hoàng Cầm, được nghe những câu chuyện kể về quá trình hoạt động của các cơ quan trực thuộc khu ủy trong thời chiến, như: khu vực văn phòng, vệ binh, nhà y tế… Mỗi câu chuyện, mỗi hiện vật đều mang đến cho chị Quỳnh Anh cảm xúc đầy tự hào, ngưỡng mộ và thấm thía hơn về vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng” qua tinh thần yêu nước, lòng kiên trung của những người chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom thời gian gần đây trở thành một trong những địa chỉ đỏ, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên… đến tham quan. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, U1 trở thành điểm tựa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó nhân dân, các dân tộc với lực lượng vũ trang. Ngày nay, để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ, U1 được đầu tư xây dựng nhiều công trình quy mô, như: Cụm tượng đài lực lượng vũ trang ba thứ quân với bức phù điêu biểu tượng sự đoàn kết đấu tranh vì độc lập dân tộc; Nhà truyền thống, nơi lưu giữ những kỷ vật của chiến sĩ, quân và dân trong quá trình hoạt động cách mạng, những lãnh đạo, chiến sĩ yêu nước từng hoạt động tại U1; Đền tưởng niệm để tưởng nhớ Hồ Chủ tịch, những anh hùng cách mạng đã đóng góp, hy sinh cho cách mạng Việt Nam; Bia lưu niệm căn cứ U1.

Vùng đất hội tụ các giá trị văn hóa, lịch sử

Cùng với những câu chuyện về lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, Đồng Nai còn là điểm dừng chân để du khách lắng nghe kể về thời mở cõi vùng đất phương Nam khi đến Đền thờ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, hay chuyện về lễ viếng các bậc tiền nhân, lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực của nhân dân Đồng Nai tại Văn miếu Trấn Biên. Ngoài ra, thành phố Biên Hòa còn có các điểm đến như: Thành cổ Biên Hòa, các đền, chùa cổ… là những điểm đến trong các tour tham quan do các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh tổ chức, hoặc những chuyến dã ngoại của học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh.

Khách du lịch tham quan Di tích nhà lao Tân Hiệp tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: Ngọc Liên

Ông Mai Văn Đức, đại diện Công ty TNHH Chuyến Đi Việt tại thành phố Biên Hòa cho biết, hàng tuần Chuyến Đi Việt khai thác và phục vụ khoảng 1,5 ngàn lượt khách đến các địa chỉ đỏ trong thành phố, hoặc các huyện, tùy theo tour mà đối tác yêu cầu. Qua những địa chỉ đỏ, học sinh, sinh viên cũng như các đối tượng du khách khác đều thích thú khi được nghe những câu chuyện gắn liền với địa chỉ đỏ. Theo ông Đức, những địa chỉ đỏ chính là những bài học ngoại khóa hữu ích, có tính trực quan, sinh động, giúp các em học sinh có cơ hội quan sát, lắng nghe và hiểu hơn về lịch sử qua những câu chuyện kể từ các thuyết minh viên tại điểm đến.

Chia sẻ về những tiềm năng phát triển du lịch đỏ - du lịch về nguồn của Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, Đồng Nai còn nhiều dư địa để khai thác các sản phẩm du lịch đỏ, tạo cơ hội các thế hệ trẻ được hiểu hơn về truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cách mạng đã qua. Đặc biệt, Đồng Nai đang tập trung hiện thực hóa Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, du lịch và điểm nhấn là các sản phẩm du lịch đỏ sẽ là những “sứ giả” góp phần bảo tồn, xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa và con người Đồng Nai.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/thang-tu-tim-ve-nhung-dia-chi-do-o-dong-nai-0975f1b/