Thăng trầm hình tượng rồng trong mỹ thuật Việt Nam

Rồng là linh vật cao quý nhất trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Đó cũng là biểu tượng của vua. Người Việt Nam không ai không biết đến hình tượng rồng, bởi ngay từ nhỏ đã được nghe người già kể chuyện quanh bếp lửa về tổ tiên người Việt là 'Con Rồng, cháu Tiên', được lên chùa, đình làng ngắm rồng trên mái, trên các mảng chạm khắc gỗ, trên quai chuông đồng, trên trán bia Tiến sĩ.

Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo vào triều Nguyễn. Ảnh: Trịnh Sinh

Tuy thấy con rồng, nhưng mọi người đều được chiêm ngưỡng qua lăng kính của nghệ thuật, mà chưa ai thấy hình tượng rồng thật sự ngoài đời. Vì đó là con vật không có thật, được thể hiện qua trí tưởng tượng phong phú của con người. Cũng vì thế mà trong tâm thức của người Việt, có lúc đó là hình ảnh của cá sấu. Thư tịch còn ghi lại: Vào thời Hùng Vương, người xưa phải xăm mình cho giống Giao Long để khi xuống nước tránh bị hại. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hình ảnh của các cặp Giao Long xen trên các cánh sao-mặt trời của trống đồng Kính Hoa, được xếp hạng là Bảo vật Quốc gia. Hình ảnh Giao Long còn thấy trên giáo và rìu đồng của văn hóa Đông Sơn.

Hình tượng rồng được khắc họa đẹp nhất và cũng là hình tượng biến ảo theo năm tháng. Nghệ nhân và các thợ thủ công trong nước tập trung làm đẹp cho rồng vì đấy là biểu tượng của vua, của vương quyền và cũng là biểu tượng của một đất nước độc lập. Vì thế, rồng Việt mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Các người thợ làm nên hình tượng rồng đã làm rạng danh cho văn hiến Việt Nam.

Vua đầu triều nhà Lý là Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long cũng với lý do là mảnh đất này là nơi “rồng cuộn, hổ ngồi” (Chiếu dời đô), vì thế đặt tên kinh đô mới là Thăng Long (Rồng bay), hy vọng đất nước bay cao, bay xa được như rồng. Cho đến nay, nhận định của nhà vua vẫn đúng với tầm nhìn “thiên niên kỷ”. Hà Nội vẫn là nơi thủ đô ngàn năm và mãi mãi của đất nước. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta thấy chép đến vài chục lần rồng vàng hiện ra trong thời Lý ở điện Càn Nguyên trong Hoàng thành.

Hình ảnh rồng gắn liền với Vua Lý với những thuyền rồng, áo vua theo hình rồng cuộn (Long cổn), thềm rồng (Long Trì)... Những thuyền, áo là những đồ hữu cơ bị hủy hoại theo năm tháng, nhưng khi khai quật Hoàng thành, các nhà khảo cổ đã tìm được khá nhiều hình tượng rồng đẹp đẽ, uy nghi bằng gốm, bằng đá chạm khắc... Rồng thời Lý có vóc dáng đẹp nhất trong các thế hệ rồng ở Việt Nam. Nhiều người gọi là “rồng giun” vì thân uốn mềm mại như hình sin. Đầu rồng không có sừng và tai, nhưng có chiếc vòi thay cho mũi làm sống cho chiếc mào lửa, có răng nanh kiểu ngà voi, mang nở, mắt tròn. Hình tượng rồng Lý thường được tạo hình ở các lá đề trang trí trên bờ nóc, bờ dải của cung điện Hoàng thành.

Bên cạnh Hoàng thành, nhiều ngôi chùa nổi tiếng thời Lý cũng có các mảng chạm khắc đá với hình tượng rồng. Điển hình là rồng được chạm khắc trên bệ đá đỡ chân cột có đôi rồng đối xứng đang chầu vào viên ngọc quý, rồng trên lá đề, trên đố cửa ở chùa Phật Tích. Bên cạnh chùa Phật Tích còn có ngôi chùa nổi tiếng là chùa Dạm, nơi có cột đá to làm bằng sa thạch được chạm khắc đôi rồng tuyệt đẹp đang uốn lượn, đuôi ngoắc vào nhau.

Rồng thời Lý chạm trên đá chùa Phật Tích. Ảnh: Trịnh Sinh

Vào thời Trần, hình tượng rồng cũng khá giống với thời Lý, tuy có đôi chỗ phân biệt. Khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ thấy được rồng Trần cũng tồn tại trên các lá đề với thân hình mập hơn, vòi ngắn, vuốt to hơn, có vảy ở khắp thân... Bên cạnh đó, rồng Trần xuất hiện trên các công trình Phật giáo như trên đôi cánh cửa chùa Phổ Minh (Nam Định). Rồng Trần còn phổ biến trong phong tục xăm hình rồng trên hai bắp đùi của quân sĩ, ở bụng và lưng gọi là Thái Long (rồng Hoa). Sử sách còn chép: Năm 1299, Thượng hoàng thời Trần cho rằng gốc nhà Trần ở vùng biển, vì thế, từ vua đến quân sĩ đều xăm hình rồng để truyền lại phong tục xưa.

Đến thời Lê sơ, hình rồng cũng có diện mạo biến đổi: rồng có mũi to thay cho cái vòi, đuôi cá nhọn, có lông mày và râu quai nón, thân to khỏe, sừng hươu, có râu mép và lông khuỷu chân kéo dài, chân trước đang vuốt râu... Trong các cuộc khai quật ở Hoàng thành, người ta thấy hình tượng rồng có mặt ở trên ngói ống, đồ ngự dụng... Một số hình tượng rồng còn có thân uốn khúc hình yên ngựa đặc trưng cho đồ gốm thời Mạc và hay được trang trí trên chân đèn, lư hương...

Rồng trên cánh cửa chùa Phổ Minh thời Trần. Ảnh: Trịnh Sinh

Thời Lê Trung Hưng, hình rồng lại có những nét biến cải, có râu bờm, mây lửa duỗi thẳng kiểu đao mác, lông mày, cằm, lông khuỷu loe ra. Vào thời này, bên cạnh hình tượng rồng được trang trí trong cung đình thì cũng đã tràn vào dân gian, các làng quê. Có thể nói, đây là thời gian được mệnh danh là thế kỷ của nghệ thuật đình làng. Rồng cũng dân dã hòa nhập với tâm linh của người dân hơn. Rồng được trang trí trên các mảng chạm khắc gỗ trong đình với các hoạt cảnh tiên nữ dám “ngồi” trên lưng rồng, vuốt râu rồng, trai gái đùa nhau quanh hình tượng rồng. Rồng còn được thể hiện trong mảng tranh dân gian với các trò chơi rước rồng...

Đến thời Nguyễn, con rồng lại thay đổi diện mạo thêm một lần nữa. Rồng thường có hai khúc, đuôi xoáy, trán hất về phía sau. Lúc này, làn sóng văn hóa phương Tây đã tràn vào Việt Nam. Hình ảnh con rồng thời Nguyễn vừa có nét ảnh hưởng của rồng của nhà Thanh, lại vừa có cách tạo hình ảnh hưởng của phương Tây với nghệ thuật ghép mảnh (mosaic), người ta đập vỡ các bình gốm, sứ, thủy tinh nhiều màu để ghép lại hình rồng. Điển hình cho hình tượng rồng theo phong cách này thể hiện ở các mảng trang trí trên ngai thờ, trên tường trong lăng Khải Định. Rồng còn ùa về trang trí bằng cách ghép mảnh gốm và được đặt ở giữa bờ nóc mái, đầu đao của đình, chùa làng xã. Một hình tượng rồng xuất hiện ở trong cung đình Nguyễn là ấn rồng bằng vàng, bằng ngọc của vua ví dụ như ấn Mệnh đức chi bảo của vua Gia Long. Rồng có mặt trong Kim Sách, trong chiếc đỉnh quan trọng nhất thời này là Cao Đỉnh của vua Gia Long...

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thang-tram-hinh-tuong-rong-trong-my-thuat-viet-nam-post472347.html