Tháng 7, những vui buồn đầy vơi

Tháng 7 về, đồng bào, chiến sĩ cả nước lại tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tri ân liệt sĩ. Nhiều cựu chiến binh, người dân đã bỏ đồng tiền ít ỏi của mình, không kể thời gian, sự gian nan, vất vả để đi tìm đồng đội...

Ông Bùi Minh Thuyên, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Nam Sơn La kể rằng: “Trong chuyến đi tìm đồng đội, tôi thật cảm động. Hội HTGĐLS tỉnh Bình Phước đã cử cán bộ đi hàng chục cây số, trực tiếp đưa đoàn đi. Anh xe ôm đưa tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Lộc Ninh không lấy tiền; một cháu là cán bộ đoàn ở địa phương thấy tôi ở nghĩa trang liệt sĩ ra, cháu dừng xe lại hỏi: Ông về chỗ nào con đưa đi một đoạn? Bà lão bán nước mía cũng không lấy tiền… Những nghĩa cử đó vô cùng xúc động, giúp chúng tôi tăng thêm sức mạnh đi tìm đồng đội. Tôi kính trọng người dân nơi đây đã dành tình cảm thiêng liêng để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ”.

Trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách.

Tháng 7-2022, Hội HTGĐLS Việt Nam nhận được một lá thư vẻn vẹn có mấy dòng, kèm theo 200.000 đồng. Lá thư ấy của anh Trần Nhật Tuấn, quê ở Minh Đức, Ứng Hòa, Hà Nội - cựu quân nhân Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Anh cho biết, năm nào cũng vậy, anh thường gửi nhiều tin nhắn ủng hộ chương trình nhắn tin Tri ân liệt sĩ. 200.000 tuy nhỏ, nhưng là tấm lòng của người cựu quân nhân làm nghề nông với các liệt sĩ. Cũng vào những ngày đầu tháng 7-2023 này, khi chương trình nhắn tin Tri ân liệt sĩ vừa phát động được một tuần, chị Nguyễn Kim Chung, nguyên chiến sĩ cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, quê ở thị Xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình gửi về tài khoản của Hội HTGĐLS Việt Nam 200.000 đồng, chị bảo, số tiền không nhiều nhưng đây là tấm lòng của chị đóng góp vào các hoạt động tri ân liệt sĩ của Hội.

Chị Oanh Lan, Ban Tổ chức-Chính sách, Hội HTGĐLS Việt Nam kể lại: "Năm 2017, trong một lần về xã Yên Chính, huyện Ý Yên (Nam Định) thăm cụ Nguyễn Thị Lãi, mẹ liệt sĩ Nguyễn Quốc Miễn, lúc này mẹ còn tương đối khỏe so với tuổi của mẹ. Mẹ bảo tôi: "Chị thương tôi nhé, chị đón nó về cho tôi với, các con tôi chúng nó nghèo lắm!". Khi tôi ra về, mẹ vẫn nói với theo "Chị nhớ giúp tôi đấy!". Tôi bảo mẹ: “Vâng, nhất định con sẽ đón được anh về với mẹ!”. Ra về, lòng tôi nặng trĩu, nhận lời với mẹ thì phải làm ngay, nhưng thật không đơn giản chút nào. Trên bia mộ của liệt sĩ chỉ vẻn vẹn có mấy dòng: “Liệt sĩ Nguyễn Quốc Miền, quê quán Ý Yên, Nam Hà, hy sinh 1974, đơn vị Bộ đội”. Thông tin chỉ có vậy. Tôi nhờ các anh Hội Cựu chiến binh huyện Ý Yên hướng dẫn gia đình làm đơn xin điều chỉnh bia mộ (từ tên Miền trả lại tên Miễn), đơn xin di chuyển hài cốt về quê...

Chúng tôi thuê xe đi từ rất sớm (gồm anh Nguyễn An, 74 tuổi, cựu chiến binh và 3 người em liệt sĩ) đến nửa đêm vào tới TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Do chuyên môn hạn chế của cơ quan chức năng, chúng tôi mất gần 2 ngày với cái nắng nảy lửa của miền Trung để chờ xác nhận thông tin. Rất may, có một bạn đã giúp đỡ, nên thủ tục được nhanh hơn. Cuối cùng, chúng tôi đã đưa được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Quốc Miễn về đến gia đình, bên cạnh người mẹ đang thoi thóp chờ con. Lúc này mẹ không còn nói được nữa. Tôi gọi: "Mẹ ơi! anh Miễn đã về!". Môi mẹ chỉ mấp máy như muốn nói nhưng không thành lời, nước mắt mẹ trào ra trên gương mặt dường như đã mãn nguyện. Anh Miễn về nhà được 72 giờ thì mẹ đi theo anh về nơi vĩnh hằng. Với tôi, lời hứa với mẹ đã hoàn thành, vừa tròn một tháng".

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam cho biết: “Đến nay vẫn còn gần 20 vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; hơn 30 vạn liệt sĩ đang nằm trong 3.000 nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Đây là nỗi khắc khoải, khôn nguôi của mỗi chúng ta! Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, địa hình, địa vật đổi thay, các thế hệ cầm súng chiến đấu thưa vắng dần, hoặc tuổi cao, trí nhớ giảm sút. Bởi vậy, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng trở nên khó khăn”.

Thiết nghĩ, việc tri ân các liệt sĩ không bao giờ đủ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc, càng nhanh càng tốt, vì thời gian không chờ đợi nữa! Mỗi chúng ta hãy nhớ ơn liệt sĩ bằng tâm trong sáng và hành động thiết thực của mình, góp phần xoa dịu nỗi đau cho các gia đình liệt sĩ.

NGUYỄN LÊ BẢO KỲ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/thang-7-nhung-vui-buon-day-voi-736238