Tháng 7, nhớ về vùng đất thiêng Quảng Trị

Trước đấy, tôi cùng đồng nghiệp có dịp tham dự Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Trị. Trong dịp này, chúng tôi được Báo Quảng Trị tổ chức cho đi tham quan một số địa danh lịch sử nổi tiếng của địa phương. Giờ đây, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, những câu chuyện về Thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn…lại khiến tôi bồi hồi xúc động.

Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị

Thành Cổ Quảng trị nằm bên dòng sông Thạch Hãn và được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Câu chuyện 81 ngày đêm (tức là từ ngày 28/6 – 16/9/1972) chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị luôn là niềm tự hào của không chỉ các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở nơi này mà là của từng người dân đất Quảng nói riêng, người dân trong cả nước nói chung. Đến Quảng Trị, không thể không ghé thăm Thành cổ với lòng thành kính và tưởng nhớ.

Tổng biên tập Báo Bình Thuận Lê Huy Toàn (phải) cùng đoàn đại biểu Báo Đảng dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị

Năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Quảng Trị-Thừa Thiên làm hướng chiến lược chủ yếu. Thực hiện chủ trương đó, bằng cuộc tấn công chiến lược mùa Xuân 1972 của các đơn vị bộ đội chủ lực, diễn ra từ 30/3 – 1/5/1972, chúng ta đã giải phóng tỉnh Quảng Trị, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo. Trước thất bại trên, từ ngày 28/6/1972, đế quốc Mỹ và quân đội của chính quyền miền nam cũ đã mở cuộc hành quân với mật danh “Lam Sơn 72” hòng tái chiếm Quảng Trị, đặc biệt là toàn bộ thị xã Quảng Trị. Từ đây mở đầu cho chiến dịch 81 ngày đêm Quân Giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị.

Đến ngày 16/9, chiến dịch kết thúc, Thành cổ Quảng Trị cùng các công trình nhà cửa ở thị xã này bị sụp đổ tan hoang, gạch đá, bom đạn chồng chất ngổn ngang. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, lượng bom đạn Mỹ ném xuống thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm tương đương 7 quả bom nguyên tử, loại Mỹ ném xuống thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản. Ấy vậy mà, trong 81 ngày đêm đó, hàng nghìn chiến sĩ quân giải phóng đã kiên quyết chiến đấu anh dũng, hy sinh, xương máu của các anh đã quyện vào đất thiêng Thành Cổ, hòa vào đáy sông Thạch Hãn. Cuộc chiến này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, để tri ân các anh hùng liệt sĩ, vừa góp phần tạo ra nét đặc biệt cho sản phẩm du lịch địa phương thông thường vào ngày 14 âm lịch hằng tháng, thị xã Quảng Trị tổ chức Đêm hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn.

Thả hoa bên dòng sông Thạch Hãn

Đôi bờ Hiền Lương

Đôi bờ Hiền Lương

Ngược trở về quá khứ, năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp và Việt Nam ký hiệp định Geneve, chọn sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 là ranh giới chia Việt Nam thành 2 vùng tập kết quân sự để chờ đến tháng 7 năm 1956 tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Thế nhưng, cuộc chia cắt đã kéo dài hơn 20 năm, đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước. Năm 1975, đại thắng mùa xuân đã nối hai bờ sông Bến Hải. Và đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành cụm di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Ngày 17/9/2003, khu di tích được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo, để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, chúng ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và vô cùng sống động với, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam với trung tâm là cây cầu Hiền Lương cùng nhiều công trình nổi bật như Cột cờ phía Bắc, Nhà Liên hợp, Hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc, Đồn công an Hiền Lương, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, Đồn cảnh sát bờ Nam và Cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất"...

Cột cờ

Cầu Hiền Lương là "nhân chứng lịch sử", giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé đến Đồn công an Cửa Tùng hay các bến đò trên sông Hiền Lương - Bến Hải để tìm hiểu thêm về cuộc chiến kháng chiến đầy cam go, vất vả của quân và dân ta.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Từng dòng người đổ về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh. Khu đồi Bến Tắt với vị trí là tuyến đầu của chiến trường miền Nam, cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Khu đồi Bến Tắt được chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.

Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Nghĩa trang là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ, có tổng diện tích 140.000 m2. Với kiến trúc khá độc đáo, nghĩa trang được chia thành nhiều khu. Trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 32m từ dưới cổng đi lên. Ở đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại những hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Ở giữa sân có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi. Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm được xây dựng theo phong tục tập quán, bản sắc, biểu tượng đặc trưng riêng của mỗi địa phương. Các phần mộ được xây dựng kiên cố, đường đi lát đá hoặc tráng xi măng sạch sẽ, nhiều cây xanh. Ngoài ra, còn có Đại hồng chung đặt tại tháp chuông. Chuông khá to để mọi người khi đến viếng đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông và gửi gắm tâm nguyện của mình.

Về "đất lửa" Quảng Trị nói chung và những địa danh trên nói riêng, để ta phần nào hiểu được giá trị của sự hy sinh và giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay. Từ đó, tỏ lòng thành kính tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thang-7-nho-ve-vung-dat-thieng-quang-tri-110697.html