Tháng 4 về Khuôn Mánh

Tháng 4 về thường gợi nhớ những mốc son lịch sử chói lọi, những kỷ niệm bi hùng… mà cha ông ta đã trải qua để bảo vệ bờ cõi giang sơn đất Việt. Tháng 4, chúng tôi về rừng Khuôn Mánh, xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) - nơi thành lập một trong những đội tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4 về thường gợi nhớ những mốc son lịch sử chói lọi, những kỷ niệm bi hùng… mà cha ông ta đã trải qua để bảo vệ bờ cõi giang sơn đất Việt. Tháng 4, chúng tôi về rừng Khuôn Mánh, xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) - nơi thành lập một trong những đội tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Di tích lịch sử địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II.

Giữa bát ngát xanh của rừng Khuôn Mánh, Di tích lịch sử địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II hiện ra uy nghi, linh thiêng. Mới đây, Quân khu 1 đã tổ chức khởi công xây dựng, tu bổ, tôn tạo Di tích, gồm các hạng mục như: Đài tưởng niệm; nhà che bia; nhà trưng bày; nhà sắp lễ; sân hành lễ; bãi đỗ xe… với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Điều này thêm một lần nữa bày tỏ tấm lòng tri ân của thế hệ sau với ông cha đi trước, những con người bất tử trong lòng dân tộc, đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, vì nền độc lập, tự do của nước nhà.

Trong dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam, rừng Khuôn Mánh lưu dấu một sự kiện trọng đại, được ví như một bến đỗ, triệu tập những con người quả cảm mang trái tim yêu nước. Từ đây, ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc bùng lên thành phong trào cách mạng, lan tỏa rộng rãi ra các vùng lân cận.

Ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập với 36 cán bộ, chiến sĩ. Dù trang bị vũ khí thô sơ và giữa vòng vây của địch, nhưng Đội Cứu quốc quân II đã cùng nhân dân chiến đấu, thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên tại Thái Nguyên.

Nhiệm vụ của Trung đội Cứu quốc quân II là tích cực đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ, duy trì tiếng súng đấu tranh vũ trang để cổ vũ phong trào cách mạng của cả nước.

Nay về Khuôn Mánh, chúng tôi đi giữa bát ngát xanh của chè và cây rừng để cảm nhận sức sống mới, nơi mảnh đất Đồng Ruộng đang thay da đổi thịt từng ngày. Người dân Đồng Ruộng luôn tự hào về mảnh đất quê hương đã ghi dấu một địa chỉ đỏ, lấy đó làm động lực để vươn lên từng ngày trong phát triển kinh tế, không để cho đói nghèo có chỗ “nương náu”.

Nếu như cách đây chừng dăm năm, Đồng Ruộng vẫn còn hơn 30 hộ nghèo thì nay chỉ còn 9 hộ. Xóm phấn đấu năm 2024 này giảm tiếp 2 hộ nghèo. Đồng chí Nông Quốc Chấn, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Ruộng, tự hào: Chi bộ có 21 đảng viên thì chỉ có duy nhất một đảng viên thuộc diện hộ nghèo, do tuổi cao sức yếu không còn khả năng lao động, đã miễn sinh hoạt. Diện mạo nông thôn ở xóm ngày càng đổi mới, hơn 90% đường đã được bê tông hóa, nhà văn hóa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội họp của bà con. Xóm nhiều năm liền đạt xóm văn hóa…

Hơn 500 nhân khẩu xóm Đồng Ruộng chủ yếu sống dựa vào hơn 20ha chè và hơn 10ha ruộng. Đất canh tác không nhiều, nên để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, người dân tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan, học tập mô hình sản xuất chè ở các làng nghề trong và ngoài huyện; đưa các giống ngô, lúa cho năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy.

Chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá (Võ Nhai).

Nhờ chú ý hơn vào quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến, giá chè ở Đồng Ruồng từ chỗ chỉ được 50-60 nghìn đồng/kg búp khô thì nay đã đạt từ 120-200 nghìn đồng/kg. Phát huy lợi thế có nhiều đồi, rừng và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, cán bộ xóm tuyên truyền, vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Hiện nay, xóm có 5 trang trại nuôi gà với quy mô từ 7.000-10.000 con/lứa; 4 hộ chăn nuôi dê từ 30-100 con/đàn; nhiều gia đình chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, nay cũng đầu tư nuôi theo hướng gia trại.

Tự hào hơn, xóm có hai gia đình có công với cánh mạng (gia đình cụ Hà Văn Bắc và cụ Bế Văn Cẩu - cả hai đều đã mất), các con cháu của hai cụ đều phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, không có ai thuộc diện hộ nghèo. Con, cháu của cụ Bắc và cụ Cẩu đều có người đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Là người con của xóm Đồng Ruộng, bà con đều tự hào về quê hương. Dù vạn vật có đổi thay theo thời gian thì chứng tích lịch sử - địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II vẫn mãi trường tồn, để lớp lớp cháu con về đây bày tỏ lòng tri ân sâu sắc. Mỗi người đều tự hứa với lòng mình phải luôn cố gắng phát triển kinh tế gia đình, góp công, góp của xây dựng xóm Đồng Ruộng ngày càng phát triển. Chúng tôi cứ cho xe ô tô bon bon chạy quanh xóm mà không lo gặp sình lầy. Xen giữa màu xanh bát ngát của cây rừng, nương chè là nhà mái ngói, nhà hai tầng xây theo kiểu dáng hiện đại, không nhìn thấy nhà dột nát.

Ý tưởng trong thời gian tới, sau khi Di tích lịch sử cấp Quốc gia - địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II được trùng tu, tôn tạo xong, địa phương sẽ hướng người dân làm du lịch cộng đồng. Du khách đến tham quan Di tích, có thể ở nhà dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với họ để trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và đời sống lao động của 8 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Đồng Ruộng. Dù đó mới chỉ là ý tưởng mà đồng chí Bí thư Chi bộ Nông Quốc Chấn nhắc tới, nhưng chúng tôi tin sẽ thành hiện thực trong thời gian không xa.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202404/thang-4-ve-khuon-manh-51f0deb/