Tháng 3 lan tỏa vẻ đẹp áo dài Việt Nam

Tháng 3 lại về, từ thành thị tới nông thôn, các công sở, trường học… đâu đâu cũng tràn ngập hình ảnh phụ nữ dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài. Hình ảnh phụ nữ mặc áo dài duyên dáng còn được chia sẻ khắp các trang mạng xã hội… cùng chào đón Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và hưởng ứng 'Tuần lễ Áo dài' được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động từ những năm qua.

Các nữ đại biểu đều mặc áo dài tham dự Chương trình trình diễn áo dài với chủ đề "Phụ nữ Tiền Giang - Tự hào áo dài" do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức vào đầu tháng 3-2024. Ảnh: P. MAI

Với người phụ nữ Việt Nam, trang phục không thể thiếu trong tủ quần áo đó là áo dài. Và thói quen mặc áo dài trong các dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng như đám hỏi, đám cưới… được truyền qua bao thế hệ phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ mặc áo dài không phải chỉ là đẹp, mà đó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc, là trách nhiệm khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa.

Trước khi diện lên người, bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải đem chiếc áo dài là lượt cho thật phẳng phiu. Hình như, khi chuẩn bị khoác lên mình chiếc áo dài duyên dáng, người phụ nữ nào cũng ý thức sâu sắc hơn về cái đẹp từ hình thức đến tâm hồn.

Trình diễn áo dài với chủ đề "Phụ nữ Tiền Giang - Tự hào áo dài" do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức vào đầu tháng 3-2024. Ảnh: P. MAI

Họ hiểu rằng, mặc chiếc áo dài truyền thống là không được phép có bất kỳ sự cẩu thả nào. Một chiếc áo thể hiện sự trang trọng, lịch lãm rất cần những hành vi ứng xử văn minh, nói năng nhỏ nhẹ, tinh tế, bước đi từ tốn, uyển chuyển… Và đặc biệt, họ chú ý đến mái tóc, đến gương mặt, đến nụ cười sao cho vừa đủ duyên cho đến việc chăm sóc sức khỏe sao cho cân nặng và hình thể có sự cân đối, hài hòa để tự tin phô diễn đường cong gợi cảm trong tà áo dài. Đó cũng chính là nét đẹp mang tính “bản sắc” riêng có của người phụ nữ Việt Nam. Nét đẹp kín đáo, cuốn hút đằm thắm mà tinh tế nhờ bộ trang phục áo dài truyền thống.

Nếu trước đây áo dài chỉ có kiểu truyền thống thì giờ đã phong phú hơn về kiểu dáng, chất liệu. Mỗi người đều có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một chiếc áo dài sao cho thật hợp “gu”. Áo dài có thể nhẹ nhàng, dịu dàng; cũng có thể yểu điệu, thục nữ thậm chí cá tính, phá cách…

Chất liệu áo dài giờ cũng vô cùng phong phú, từ lụa tơ tằm, vải gấm, vải nhung, vải voan, chiffon… Mỗi chất liệu lại mang đến cho người mặc một phong thái riêng, chất riêng. Các bà, các mẹ thường nghiêng về những kiểu dáng áo dài truyền thống với đường cắt may tỉ mỉ, chất liệu gấm hay nhung tôn lên vẻ sang trọng, quý phái. Trong khi đó, giới trẻ có thể phá cách hơn trong những tà áo dài cách tân với họa tiết, hoa văn cầu kỳ cùng những chất liệu đem đến cho người mặc sự thoải mái, dễ chịu như lụa tơ tằm, voan…

Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch. Có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng.

Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như áo dài.

Hội LHPN huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang tổ chức trình diễn áo dài hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" năm 2024. Ảnh: P. MAI

Có thể nói, đời sống hiện đại với muôn vàn mốt thời trang độc đáo, mới lạ, được mọi người chọn lựa, nhưng áo dài Việt Nam vẫn giữ một vị trí quan trọng nhất định. Minh chứng là trong những dịp lễ, tết cũng như kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện văn hóa, chính trị… phần đa đại biểu nữ xuất hiện với trang phục áo dài truyền thống. Hay ngày vui hạnh phúc lứa đôi, có không ít phụ nữ mặc bộ áo dài trang trọng; cô dâu cũng chọn cho mình bộ áo dài vàng tươi, đỏ thắm… Những phụ nữ Việt Nam xuất hiện trên khấu của cuộc thi hoa hậu thế giới tự tin diện sắc phục truyền thống của dân tộc…

Thiết nghĩ, đó là cách thiết thực nhất để tiếp tục gìn giữ, quảng bá hình ảnh tà áo dài Việt, góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, giá trị của chiếc áo dài trong đời sống xã hội; đồng thời, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Và không ngẫu nhiên mà lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng:

"Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu
Dù ở đâu - Paris, London hay những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…” trở thành âm điệu quen thuộc với đông đảo người Việt Nam.

Bởi vì, cả trăm năm qua, áo dài đã từ đời sống đi vào nghệ thuật điện ảnh, âm nhạc, hội họa… thậm chí trở thành một biểu tượng, một phần tâm hồn người Việt trên chính quê hương hay ở khắp thế giới.

Đặc biệt, nhà nước cũng quan tâm và chú trọng đầu tư để tôn vinh áo dài Việt Nam. Áo dài cũng được nhiều địa phương trên cả nước quảng bá, tôn vinh với nhiều hình thức. Trong đó, phát huy thành công của chuỗi hoạt động "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Hội LHPN Việt Nam khởi xướng từ năm 2019, đặc biệt là "Tuần lễ Áo dài" được tổ chức hằng năm vào tháng 3, với nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Năm nay, Hội LHPN các tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc, hội viên, phụ nữ, nữ cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nơi công tác hưởng ứng sự kiện “Tuần lễ Áo dài” bằng các hoạt động sáng tạo, thiết thực, cụ thể; mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp từ ngày 1-3 đến 8-3-2024.

Các cơ quan, đơn vị trên đại bàn tỉnh Tiền Giang phát động cán bộ, công chức, viên chức mặc áo dài hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" năm 2924.

Riêng tại Tiền Giang, ngay từ đầu tháng 3, Hội LHPN tỉnh tổ chức Chương trình trình diễn áo dài với chủ đề “Phụ nữ Tiền Giang - Tự hào áo dài Việt” với 200 cán bộ, hội viên, phụ nữ trình diễn 220 bộ trang phục áo dài đặc sắc, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng và nhiều phong cách khác nhau gồm: Bộ sưu tập áo dài “Di tích lịch sử - văn hóa Tiền Giang” của nhà thiết kế Cẩm Minh, áo dài truyền thống, áo dài cưới, áo dài học sinh và áo dài trong cuộc sống đời thường.

Vào chiều tối ngày 8-3, tại TP. Mỹ Tho cũng sẽ diễn ra Liên hoan trình diễn “Áo dài xưa và nay”. Hội LHPN các huyện, thị, thành của tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tôn vinh, lan tỏa, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa áo dài Việt Nam.

Hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" năm 2024, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mặc áo dài trong ngày làm việc.

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Tiền Giang phát động hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” với việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp từ ngày 1-3 đến 8-3-2024.

Bằng các hoạt động thiết thực, các cấp Hội LHPN Việt Nam mong muốn góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc, về đất nước, con người và áo dài Việt Nam đến đông đảo công chúng. Đồng thời, góp phần để các giá trị của áo dài sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới.

HỮU NGHỊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202403/thang-3-lan-toa-ve-dep-ao-dai-viet-nam-1004883/