Thần tốc 1.000 ngày đưa dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo về đích

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km được các đơn vị thi công 'thần tốc' trong 1.000 ngày đã chính thức được thông xe vào chiều 28/4. Đây cũng là dự án PPP cao tốc Bắc-Nam đầu tiên được Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận nghiệm thu các hạng mục phức tạp…

Chiều 28/4, Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An tổ chức khánh thành và thông xe đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B), phục vụ người dân lưu thông đúng dịp 30/4 - 1/5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt tại điểm cầu chính Ninh Thuận.

Hai dự án được khánh thành, thông xe đã nâng tổng số chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đưa vào khai thác đến nay là 634km.

Tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành tốt các hạng mục kỹ thuật phức tạp

Đây là đánh giá của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với chất lượng thi công Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác PPP. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Công ty Đầu tư Xây dựng 194.

Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm Phải, lưu thông 2 chiều. Đây là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.

Tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành tốt các hạng mục kỹ thuật phức tạp trong đó có hạng mục hầm Núi Vung.

Theo đó, Hội đồng thống nhất chấp thuận có điều kiện đối với kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư đối với Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được triển khai theo hình thức PPP.

Hội đồng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, các nhà thầu và các bên có liên quan đã khắc phục nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án (như ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid -19, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công…) để hoàn thành công trình đường cao tốc có quy mô lớn, nhiều hạng mục công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, đảm bảo tiến độ thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong số ít công trình đường bộ cao tốc có hệ thống an toàn giao thông thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu giao thông đường bộ.

Trước đó, tại buổi làm việc ngày 20/4/2024 của Hội đồng tại Dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội đồng đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các chủ thể liên quan thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các phương châm “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”... cùng với năng lực và kinh nghiệm của liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu để hoàn thành công trình mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức.

Cao tốc đầu tiên có hệ thống kiểm soát giao thông thông minh - ITS

Được biết, Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong số ít công trình đường bộ cao tốc có hệ thống an toàn giao thông thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu giao thông đường bộ.

Hạng mục hầm đường bộ Núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Trạm thu phí, hệ thống điều hành, kiểm soát giao thông thông minh - ITS được đầu tư sử dụng chung hệ thống thu phí dịch vụ đảm bảo kết nối liên thông toàn bộ hệ thống cao tốc Bắc - Nam và các trung tâm điều hành khu vực, để đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi trong công tác quản lý.

Các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được vận hành bằng năng lượng mặt trời, qua đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Đây cũng là dự án được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy sớm nhất trong các dự án cùng thực hiện và được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đánh giá cao.

Ông Bùi Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đánh giá cao Ban quản lý dự án 85, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn cùng các bên liên quan đã phối hợp tốt, sát sao quá trình thực hiện, đóng góp hoàn thành dự án.

Hệ thống điều hành, kiểm soát giao thông thông minh - ITS được đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Hội đồng chấp thuận có điều kiện kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư đối với Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo để đưa công trình vào khai thác sử dụng, bao gồm tuyến chính cao tốc dài 78,5 km, hầm Núi Vung, nút giao liên thông, các cầu vượt trực thông trên thuyến, đường gom dân sinh.

Cục Đường bộ Việt Nam chọn Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đã giúp nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang, giúp giảm một nửa thời gian so với đi Quốc lộ 1, góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc – Nam, tạo sức bật quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Được biết, doanh nghiệp dự án Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã đề xuất vận hành cao tốc từ ngày 26/4 /2024 để phục vụ nhu cầu đi lại gia tăng vào dịp lễ, đồng thời, nhà đầu tư cũng chủ động bỏ kinh phí xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến để phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ GTVT phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức.

Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe 36/49,3km.

Trong khi đó, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt với chiều dài 49,3km được khởi công tháng 5/2021 (trước Cam Lâm – Vĩnh Hảo hơn 6 tháng), đến nay mới cơ bản hoàn thành tuyến chính đoạn từ Diễn Châu đến nút giao QL46B thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên với chiều dài khoảng 30km. Hơn 19km còn lại đang phấn đấu hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đầu tiên được chấp thuận vận hành.

Đây cũng là dự án được đầu tư theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng; nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.067 tỷ đồng do liên danh nhà đầu tư dự án gồm: Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng thi công.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được thiết kế vận tốc thiết kế 100-120km/h, riêng hầm Thần Vũ vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, địa điểm tổ chức lễ thông xe được tổ chức tại nút giao quốc lộ 7, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Với việc thông xe thêm đoạn tuyến dài 30km cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vào chiều 28/4, hành trình từ Hà Nội vào Vinh sẽ được rút ngắn từ 5 tiếng xuống chỉ còn hơn 3 tiếng đồng hồ.

Để phục vụ người dân lưu thông trên 30km đầu được đưa vào khai thác, trạm dừng nghỉ tạm dự kiến được bố trí tại Km440+500 (cửa Bắc hầm Thần Vũ).

Có thể so sánh, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với chiều dài lớn hơn (78,5km) so với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (49,3km), thi công trong cùng điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong khi thi công phát sinh nhiều khó khăn như địa chất hầm Núi Vung vừa yếu, vừa phức tạp, cùng với đó là đá mồ côi gây nhiều khó khăn cho việc thi công...

So sánh về việc thi công 2 dự án cao tốc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, và Diễn Châu - Bãi Vọt

Nhưng với quyết tâm của của đơn vị thi công "vẫn phải tìm cách hợp pháp để đi", liên danh Đèo Cả đã tìm kiếm giải pháp từ các chuyên gia, từ đội ngũ kỹ sư ở hiện trường và khéo léo chuyển đổi kỹ thuật thi công, vừa bảo đảm tiến độ vừa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, sự cố khoan phải nền đất yếu ở hầm núi Vung của Tập đoàn Đèo Cả cũng đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

“Dịch bệnh là một trong những yếu tố quan trọng nhất có lúc làm dự án bị chậm tiến độ và sau đó cả 2 nhà đầu tư phải liên tục bứt tốc ở tốc độ cao nhất, làm cả ngày đêm, 3 ca 4 kíp. Thêm hai khó khăn bất ngờ cực kỳ gian nan ở dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo mà cả 2 nhà đầu tư đều không lường trước. Đó là sự cố khoan phải nền đất yếu ở hầm núi Vung của Tập đoàn Đèo Cả khiến hạng mục khoan hầm tưởng chừng phải chậm tiến độ 2-3 tháng”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Những số liệu so sánh về 2 dự án được thông xe trong ngày 28/4.

Phía Tổng công ty 194, đó là sự cố "đá mồ côi". Đó là dưới nền đất, gặp phải những tảng đá khổng lồ mà trước đó chưa phát hiện trong quá trình thăm dò.

"Những tảng đá này đã tiêu tốn của chúng tôi hàng trăm mũi khoan đặc chủng", ông Trần Lệnh Phú - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 194 cho biết.

Một khó khăn khác là khu vực núi đá ở Km57-58 làm phát sinh khối lượng khổng lồ mà đơn vị thi công phải bóc dỡ để làm nền đường, ước 2,45 triệu m3. Cộng với khối lượng phát sinh của Đèo Cả và toàn tuyến là khoảng 4 triệu m3 ngoài kế hoạch.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đẹp như bức tranh vắt qua núi đồi Ninh Thuận, Bình Thuận.

“Có thể thấy, qua sự kiện này khẳng định rõ kỹ sư, công nhân của Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất trong thi công cầu, hầm và đường cao tốc. Nếu được tổ chức thi công tốt, cùng quyết tâm cao thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được “kỳ tích” trong các công trình giao thông.

Ví dụ như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thời gian ký hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng và thi công trong khoảng 1.003 ngày, đó là thời gian rất ấn tượng”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông Việt Nam nói.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/than-toc-1000-ngay-dua-du-an-ppp-cao-toc-cam-lam-vinh-hao-ve-dich-post1092022.vov