Tham vọng mở rộng thành viên của EU

Liên minh châu Âu (EU) đang có tham vọng kết nạp thêm 8 thành viên trong tương lai gần, nhằm tạo ra một 'bước ngoặt' mang tính lịch sử. Song, mục tiêu này không dễ dàng để có thể hiện thực hóa.

Các nhà lãnh đạo EU trong một hội nghị thượng đỉnh tại lâu đài Versailles của Pháp. Ảnh: AP

Thời gian gần đây, vấn đề EU muốn kết nạp thêm thành viên trở thành chủ đề chính trị quốc tế thu hút nhiều sự quan tâm. Khẳng định cho nhu cầu cấp thiết mở rộng EU, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg khẳng định rằng, đã đến thời điểm EU cần phải quyết liệt thay đổi cách tiếp cận trong việc mở rộng. “Kết nạp thêm thành viên là hành động bảo vệ của các nền dân chủ phương Tây” - ông Schallenberg nhấn mạnh.

Trên truyền thông quốc tế, người đứng đầu ngành ngoại giao Áo cho biết, các quốc gia ứng cử viên gia nhập EU có thể làm quan sát viên trong Ủy ban chính trị và an ninh của EU (PSC), đây là cơ quan đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại của EU. Lý giải rõ hơn cho khả năng này, ông Schallenberg gợi mở, thay vì đưa ra một tuyên bố của EU rồi đề nghị các nước ứng cử viên ký, thì việc tham gia EU với tư cách quan sát viên có thể biến các nước này thành một phần của khối trong việc đưa ra các quyết định chung.

Theo truyền thông quốc tế, vấn đề mở rộng EU cũng là trọng tâm xuyên suốt trong bài phát biểu thường niên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào đầu tuần này về tình hình của EU. Dự kiến, vào đầu tháng 10 tới tại Tây Ban Nha sẽ diễn ra cuộc họp lần thứ ba của Cộng đồng Chính trị châu Âu, gồm các quốc gia ngoài EU. Tại sự kiện này, chủ đề mở rộng EU cũng sẽ là một trong những ưu tiên nghị sự hàng đầu. Theo giới chức EU, các bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu từ 27 quốc gia thành viên cũng sẽ thảo luận sâu về chủ đề này trong một cuộc họp dự kiến vào cuối tháng 10/2023.

Bình luận từ giới quan sát chính trị châu Âu, hai quốc gia “đầu tàu” của EU là Đức và Pháp đang “bật đèn xanh” cho mong muốn kết nạp thêm thành viên của khối. Đầu năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chấp thuận sáng kiến về một châu Âu mở rộng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với việc kết nạp thành viên EU theo từng giai đoạn.

Dù nhu cầu kết nạp thành viên đang được đánh giá là cần thiết, cũng như tham vọng này được hậu thuẫn mạnh mẽ, song, thực tế không thể phủ nhận những thách thức từ sâu trong nội tại có thể khiến nỗ lực này trở nên “chây ỳ”, “dậm chân tại chỗ”. Giới quan sát chỉ ra rằng, với 27 quốc gia của “lục địa già”, những biến đổi lớn như kết nạp thành viên sẽ đi kèm với hàng loạt thách thức. Một trong những “căn bệnh” âm ỉ lâu nay của EU là bất đồng, khó đạt được sự đồng thuận toàn khối.

Nổi bật như việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi kết nạp các thành viên mới trước năm 2030. Tuy nhiên, cơ quan đánh giá năng lực của các quốc gia ứng cử viên là Ủy ban châu Âu lập tức thể hiện quan điểm đối lập với lời kêu gọi của ông Michel. Ủy ban châu Âu cho rằng, việc gia nhập EU phải dựa trên điều kiện mà các nước đáp ứng được.

Dự kiến vào cuối năm nay, Ủy ban châu Âu sẽ trình bày các báo cáo tiến độ về việc các quốc gia ứng cử viên gia nhập EU, song, các nguồn tin từ giới chức EU cho biết, sự kiện này có thể bị trì hoãn vì cần thêm thời gian xem xét kỹ lưỡng nỗ lực gia nhập, cũng như sự phù hợp của một số quốc gia.

Giới quan sát cho rằng, trong việc hiện thực hóa mục tiêu kết nạp thêm thành viên trước năm 2030, nhiều khả năng, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải bước vào những cuộc tranh luận gay gắt, kéo theo đó sẽ là sự gia tăng mâu thuẫn, bất đồng nội khối. Vì vậy, để kết nạp thêm thành viên, EU phải có sự cải cách ngay trong nội bộ của mình liên quan tới chính sách, quy trình ra quyết định, ngân sách... Bởi, khi chỉ có 27 quốc gia như hiện nay, quy cách làm việc của EU đã cho thấy nhiều mặt hạn chế, khó đồng thuận, thiếu thống nhất, nên mục tiêu mở rộng thêm tới 8 thành viên sẽ làm những khó khăn sâu trong nội tại của khối sẽ càng “trầm kha”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tham-vong-mo-rong-thanh-vien-cua-eu-post466189.html