Tham vọng khí hậu của các tập đoàn dầu khí đang ở đâu?

Báo cáo ngày 8/9 của viện nghiên cứu Carbon Tracker cho thấy: Các công ty dầu khí lớn trên thế giới vẫn chưa có những nỗ lực cần thiết nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đôi khi, họ còn rút lại những cam kết của mình.

Lãnh đạo 1 số tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới

Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker viết trong thông cáo báo chí: “Tiến trình tăng cường cam kết giảm phát thải của của các công ty dầu khí đã bị đình trệ. Hầu hết tiến độ vẫn nằm ở mức tương tự như năm trước”.

Absolute impact 2023 - Bài báo cáo thường niên dài 36 trang, tập trung vào hoạt động của các nhà đầu tư và đánh giá tham vọng khí hậu của 25 công ty dầu khí lớn nhất thế giới, bao gồm cả các công ty nhà nước. Không chỉ dừng ở đó, tại sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) - tổ chức tại Dubai vào cuối năm nay, ngành dầu khí sẽ tiếp tục là đối tượng bị xem xét kỹ lưỡng. COP28 sẽ là một cuộc chiến gay gắt nhằm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đưa thế giới trở lại quỹ đạo của Thỏa thuận Paris: Hạn chế nguy cơ nhiệt độ không tăng quá 2°C (hoặc quá 1,5°C nếu có thể) so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, nhiều kế hoạch khí hậu của các doanh nghiệp được thiết kế dựa vào những phương pháp chưa được chứng minh trên quy mô lớn, chẳng hạn như thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), hoặc bù đắp carbon. Báo cáo cũng lưu ý rằng "một số công ty đang đi ngược lại với cam kết của họ". Chẳng hạn, mục tiêu giảm được 40% sản lượng hydrocarbon vào năm 2030 của BP đã bị điều chỉnh xuống còn 25%. Shell cũng đã tuyên bố sẽ duy trì sản lượng dầu cho đến năm 2030.

Ông Mike Coffin, đồng tác giả của báo cáo, nhận xét: “Phân tích của chúng tôi cho thấy, các công ty dầu khí lớn nhất thế giới tiếp tục gây rủi ro cho các nhà đầu tư vì họ không lập kế hoạch cắt giảm sản lượng (hydrocarbon) sao cho phù hợp với của Thỏa thuận Paris”. Theo tổ chức nghiên cứu, trong số 25 công ty, "chỉ có" Eni của Ý có những mục tiêu "có khả năng" phù hợp với khuôn khổ Thỏa thuận Paris, theo sau đó là TotalEnergies.

Saudi Aramco xếp hạng chót

Theo Carbon Tracker, tuy đứng đầu bảng xếp hạng 4 năm liên tiếp, độ tin cậy của Eni và các mục tiêu khí hậu vẫn bị đặt dấu chấm hỏi "vì chúng phụ thuộc vào việc bán tài sản, cũng như vào những công nghệ chưa được chứng minh như thu giữ và lưu trữ carbon hoặc bù đắp carbon”.

"Các công ty lớn của châu Âu đang đứng đầu bảng xếp hạng, do có những mục tiêu tham vọng hơn so với các đối thủ của họ ở Bắc Mỹ. Trong khi đó, những doanh nghiệp sau đưa ra cam kết yếu nhất: ExxonMobil và 5 công ty dầu mỏ chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước - Aramco, Petrobras (Brazil) và Sinopec, PetroChina, CNOOC của của Trung Quốc", trích lời tóm tắt của Carbon Tracker.

Xếp sau Eni là TotalEnergies - công ty đã hạ bệ Repsol xuống bậc thứ 3. Sau Repsol là BP và Shell. Carbon Tracker cho rằng những doanh nghiệp này có "tiến bộ hơn" so với những đối thủ cạnh tranh, vì TotalEnergies, Repsol và BP đều tuyên bố mục tiêu "đạt trung hòa carbon" vào năm 2050 và những mục tiêu trung hạn vào năm 2030. Dù vậy, "các mục tiêu của họ chưa tính đến lượng khí thải từ một số hoạt động chính".

Khoảng 16 công ty, bao gồm ExxonMobil và ConocoPhilips, chỉ đặt mục tiêu về lượng khí thải từ hoạt động của họ, nghĩa là không bao gồm lượng khí thải mà khách hàng của họ tạo ra trong quá trình đốt dầu và khí mua từ họ. Trong khi đó, mảng này chiếm đến 90% tỷ trọng phát thải carbon thực sự của họ. Mặt khác, các công ty như Shell và Equinor có những mục tiêu rất dài hạn (đến năm 2050), "nhưng không có mục tiêu tuyệt đối trong trung hạn ", dù rằng đây được xem là một bước thiết yếu.

Ở vị trí cuối cùng của bản xếp hạng là Aramco của Ả Rập Xê-út, “công ty duy nhất chỉ đặt mục tiêu giảm phát thải đối với những tài sản mà họ độc quyền sở hữu và vận hành”. Chưa kể, Carbon Tracker chỉ ra rằng Aramco chỉ đặt mục tiêu giảm phát thải tùy theo mức tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai, làm giảm đi nỗ lực thực hiện cam kết khí hậu.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tham-vong-khi-hau-cua-cac-tap-doan-dau-khi-dang-o-dau-693865.html