Tham vọng khai thác mỏ giữa lòng đô thị

Là người đứng đầu Masan High-Tech Materials (MHT) đang khai thác mỏ vonfram Núi Pháo (Thái Nguyên) nhưng Tổng giám đốc Craig Richard Bradshaw mở đầu câu chuyện không về khai khoáng mà hào hứng nói về 2 sản phẩm của MHT mới được cấp bằng sáng chế toàn cầu.

Ông Craig Richard Bradshaw - Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials

“Starck2print” và “Starck2charge” là hai sản phẩm công nghệ cao ứng dụng vonfram trong in 3D và nâng cao tuổi thọ của pin trong tương lai. Đó là niềm tự hào của MHT trong nỗ lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để đưa vonfram Việt Nam lên một tầm cao mới. Không những thế, MHT đang tham vọng đưa Việt Nam thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực vonfram toàn cầu mà không phụ thuộc vào đào mỏ như hiện nay.

Ông Craig Richard Bradshaw chia sẻ, khi nhìn vào những sản phẩm của tương lai, bạn sẽ tự hỏi chúng đến từ đâu? Tất nhiên, một lượng vật nhất định đến từ lòng đất, nhưng cũng có nhiều vật liệu sẽ đến ngay trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đó là quá trình tái chế các sản phẩm hành nguyên liệu mới.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thải ra quá nhiều rác thải, đặc biệt là ở các thành phố có đông dân số như Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul hay Hà Nội mà không nhận ra rằng phần lớn rác thải đều có thể được tái chế. Một chiếc máy tính có thể chỉ được sử dụng tối đa trong ba đến bốn năm nhưng chúng ta không biết liệu các nguyên tố như nhựa, coban, niken, vonfram hay vàng... có thể được thu hồi. Và điều tương tự cũng xảy ra với các thiết bị khác như điện thoại di động, ô tô, xe đạp khi đã hết vòng đời.

Mỗi người đều sở hữu nhiều thiết bị như máy tính hay ba hoặc bốn chiếc điện thoại thì với hàng chục triệu người trong các thành phố lớn chính là những “mỏ đô thị”. Đây là một nguồn tài nguyên tuyệt vời, bởi nếu nhìn trên toàn thế giới, chúng ta sẽ thấy có biết bao nhiêu người sử dụng nhiều hơn một chiếc điện thoại, hoặc biết bao nhiêu máy tính và pin cũ chưa được tái chế. Dùng công nghệ để tái chế khoáng sản và tái sử dụng thành các sản phẩm mới chính là những cơ hội lớn ở phía trước.

- Ở Việt Nam, từ 2024 – 2025, những sản phẩm pin, ắc quy… bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm thu gom và tái chế các sản phẩm bán ra. Đây có thể là một nguồn cung đầu vào, MHT có ý tưởng gì với “nguyên liệu” trong nước này?

Chúng ta cần công nghệ có hiệu suất cao để tái chế pin. Phương pháp hiện tại là đập vỡ pin, phân loại nhựa, nhôm, niken hoặc đồng và cuối cùng là vật liệu pin thải. Vật liệu pin thải là những gì còn sót lại trong pin khi đã bỏ đi những phần vật liệu cứng. Đó là một loại bùn đen và hầu hết mọi cơ sở nung nóng loại bùn này, đốt cháy than chì trong đó để thu được những vật liệu chứa lithium, niken, đồng, coban… và quy trình chiết xuất tiếp theo sẽ thu hồi từng khoáng chất này. Công nghệ này hiện nay đã lỗi thời và lãng phí, cần có công nghệ mới hiệu quả và an toàn hơn.

Một trong những thử thách về tái chế pin đó là vật liệu pin thải hay pin thải đến từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất là quá trình sản xuất pin tạo ra khoảng 10% - 30% vật liệu thải cần được tái chế; nguồn còn lại là pin hết vòng đời sử dụng được khách hàng bỏ đi sau 3-7 năm. Điều này tạo ra hai vấn đề cho việc tái chế: một là tái chế trong quá trình sản xuất và hai là tái chế vào giai đoạn cuối vòng đời sử dụng. Hiện nay, không có công ty tái chế vonfram nào ở Việt Nam bởi vì không có nhà máy lớn nào sản xuất pin tại Việt Nam để có thể thành lập một trung tâm tái chế. Phần lớn các trung tâm tái chế nằm ở những nơi có các nhà máy lớn để họ có thể sử dụng vật liệu thải từ quá trình sản xuất đủ để vận hành quy trình tái chế. Thách thức ở Việt Nam cũng do phụ thuộc vào nơi mà sản phẩm được giao. Rất nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam chỉ để xuất khẩu chứ không phải phục vụ cho tiêu dùng trong nước, do vậy pin được sản xuất ở Việt Nam thường được xuất khẩu đến các nước khác.

Hiện tại, Chính phủ không cho phép nhập khẩu pin hay vật liệu pin thải để tái chế. Vì vậy, vấn đề chúng tôi quan tâm là khi nào có một khung pháp lý tổng thể cho phép tái chế toàn diện, không chỉ cho những sản phẩm chúng tôi bán ở Việt Nam mà còn cho những sản phẩm Việt Nam bán trên thế giới.

- Nói như vậy, có phải MHT đã sẵn sàng cho một ngành công nghiệp tái chế để hiện thực hóa ý tưởng đào “mỏ đô thị” của mình?

MHT thông qua H.C. Starck (chuỗi chế biến vonfram hàng đầu thế giới được Masan mua lại năm 2020) đã phát triển một công nghệ mới mà không đốt cháy sản phẩm cũng như sử dụng ít năng lượng và tiết kiệm nước hơn. Khoảng hai đến ba năm tới, chúng tôi sẽ có một thế hệ công nghệ mới tốt hơn công nghệ hiện tại. Với nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới, chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động tái chế thông qua việc đưa công nghệ từ Đức tới các quốc gia khác.

Bên cạnh viêc vận hành mỏ Núi Pháo, chúng tôi đang mở rộng nghiên cứu về các vật liệu có thể tái chế như pin điện thoại, ô tô, máy tính... Chúng tôi tin rằng việc phát triển công nghệ mới cho phép MHT tái chế vật liệu từ những loại pin này hiệu quả và an toàn hơn những công nghệ truyền thống đang được sử dụng. Công nghệ này cho phép chúng tôi tái chế vật liệu pin thải thu hồi các vật liệu quý như: liti, niken, đồng, coban, vonfram và niobi từ pin.

MHT đang xây dựng một nhà máy tại Đức và mục tiêu của chúng tôi là thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, Canada, Trung Quốc và các khu vực khác nơi mà chúng tôi có cơ sở sản xuất kinh doanh Vonfram.

- Vậy kế hoạch tại Việt Nam trong tham vọng tái chế này là gì?

MHT hiện là nhà sản xuất và cung cấp vonfram lớn thứ ba thế giới chỉ sau hai công ty tại Trung Quốc. Chúng tôi cũng có cơ sở kinh doanh tái chế lớn vonfram tại Đức và phần lớn hoạt động tái chế diễn ra tại đây. Chúng tôi muốn mở rộng hoạt động tái chế tại Việt Nam và đang trong quá trình xin phê duyệt dự án.

Công nghệ của chúng tôi có thế tái chế 100% phế liệu và thu hồi vonfram, coban và niken để đưa chúng trở lại thành vật liệu mới. Tuy nhiên, cái khó là không có đủ phế liệu được sản xuất tại Việt Nam cũng như các sản phẩm phụ trợ đủ cho một nhà máy tái chế quy mô công nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đề xuất với Chính phủ cho nhập khẩu phế liệu vonfram từ các nước khác vì pháp luật hiện hành không cho phép nhập khẩu phế liệu vonfram vào Việt Nam để sản xuất. Từ đó, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cũng như nhiều hoạt động tái chế phế liệu vonfram.

Lấy ví dụ, Samsung sử dụng các nguyên liệu vonfram để sản xuất điện thoại. Chúng tôi có thể tái chế những sản phẩm chứa vonfram này thông qua công nghệ tại nhà máy của mình nhưng hiện chúng tôi không thể làm điều đó vì tôi không có thiết bị tại Việt Nam. Chúng tôi muốn xây dựng một cơ sở tái chế ở Việt Nam, nhưng nếu làm vậy, chúng tôi sẽ cần nhập khẩu sản phẩm phế liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản và tái chế chúng tại đây. Việt Nam không có đủ phế liệu vonfram để việc tái chế trở nên khả thi về mặt kinh tế.

Chiến lược tái chế hiện tại của Việt Nam vẫn là một kỳ vọng. Chúng tôi đang đề xuất với Chính phủ xây dựng các nghị định cho phép hoạt động tái chế tại Việt Nam diễn ra một cách tiết kiệm, khả thi và bền vững.

- Ông biết đấy, tái chế vẫn luôn là một điều nhạy cảm, đi liền với lo ngại tác động tới môi trường. Có gì để đảm bảo cho quá trình tái chế của MHT tránh được những nguy cơ đó?

Tôi đã trò chuyện với chính quyền địa phương ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Họ lo lắng về tái chế và việc chôn lấp chất thải. Nhưng điểm mấu chốt để có một dự án tái chế thành công ở Việt Nam đó là chúng tôi không muốn trở thành một bãi thải hoặc bãi chôn lấp chất thải của thế giới. Vì vậy, bất kể chúng tôi sử dụng công nghệ gì thì công nghệ đó cũng phải có khả năng thu hồi 100% thành phần của phế liệu để chúng có thể được xuất khẩu như sản phẩm mới hoặc sử dụng trong các ngành công nghiệp.

Việc nhập khẩu phế liệu bị cấm tại Việt Nam, ngoại trừ 5 loại vật liệu: sắt, đồng, nhôm và 2 loại khác. Vì vậy, chúng tôi không được phép nhập khẩu phế liệu vonfram để tái chế. Tuy nhiên, chúng tôi có một quy trình có thể nhân bản ra từ nhà máy tại Đức và áp dụng vào Việt Nam. Đây là quy trình hàng đầu và không gây tác động tới môi trường. Điều chúng tôi cần phải làm là giúp cộng đồng và Chính phủ hiểu về lợi ích và giá trị của tái chế phế liệu vonfram. Chúng tôi phải cho mọi người thấy loại phế liệu vonfram mà chúng tôi sẽ nhập khẩu, cách chúng tôi chế biến và sản phẩm đầu ra là gì.

Có những phế liệu ở châu Á như từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan được đưa đến Mỹ hoặc châu Âu để tái chế và sau đó quay lại châu Á, vì vậy không có lý do nào khiến chúng tôi không thể làm điều đó ngay tại đây, tại Việt Nam. Thậm chí, trong quá trình kinh doanh, nhiều đối tác Trung Quốc muốn đặt vấn đề với MHT để tiếp cận công nghệ tái chế của Đức. Vậy thì vì sao chúng ta không tận dụng điều đó để tăng vị thế của Việt Nam lên bản đồ vonfram thế giới.

- MHT rất tham vọng với việc tái chế cũng như đóng góp cho nền kinh tuần hoàn. Vậy ngoài công nghệ tái chế vonfram như đã nói, có những mô hình tái chế nào trên thế giới đã thành công để tham khảo?

Nếu bạn nhìn vào ngành công nghiệp ô tô, công nghệ tái chế đã được vận hành thành công và bền vững trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, có những ngành công nghiệp lớn trên toàn cầu đã tái chế thành công trong một thời gian dài. Nhưng quy trình từ thu thập tới tái chế ở Úc hiện là một mô hình tốt để tham khảo

Cùng nhìn vào H.C. Starck với công nghệ tái chế đã thành công ở Đức trong hơn 100 năm, nếu đây là một mô hình không hiệu quả thì tại sao Chính phủ Đức lại cho phép họ tiếp tục tái chế trong suốt một khoảng thời gian dài như vậy. Chúng tôi hoàn toàn có thể tái chế từ các nguồn phế liệu mà không để lại bã thải nhờ vào công nghệ hiện đại.

Các thành phần phế liệu đang ngày càng trở nên phức tạp hơn và chứa nhiều loại vật liệu. Tuy nhiên, khi khoa học tiến bộ, chúng tôi sẽ hợp tác với nhiều đối tác trên toàn thế giới để hoàn thành mục tiêu này. Khi các phế liệu ngày càng trở nên khan hiếm, việc thu hồi càng phát triển và tùy thuộc vào loại khoáng sản sẽ có các công nghệ khác nhau.

Chúng tôi tin rằng cần phải kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến tái chế các vật liệu khác nhau, tận dụng công nghệ tái chế đẳng cấp mà chúng tôi có tại H.C. Starck, Đức đưa vào Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nhiều người trẻ tài năng và nắm bắt công nghệ nhanh. Chúng tôi ở đây và đang mở rộng tiếp cận các thị trường phát triển ở châu Á và thế giới.

An Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tham-vong-khai-thac-mo-giua-long-do-thi-20180504224285713.htm