THAM VẤN Ý KIẾN CHUYÊN GIA PHỤC VỤ SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Sáng 28/01, tại Hòa Bình, Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính tổ chức Tọa đàm tham vấn lấy ý kiến chuyên gia phục vụ soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính. GS.Nguyễn Anh Trí – ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật chủ trì Tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng; đại diện cộng đồng người chuyển giới cùng các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Quang cảnh cuộc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, ngày 02/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, bổ sung dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), với 4 chính sách cơ bản: về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính của công dân; quy định công nhận các trường hợp đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật có hiệu lực; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Ngay sau đó, Ban soạn thảo đã tập trung triển khai nhiều công việc, làm việc với các cơ quan, rà soát pháp luật trong và ngoài nước, nghiên cứu pháp luật về chuyển đổi giới tính của một số nước. Đồng thời, tiến hành các hoạt động phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng dự án Luật, tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; khảo sát trong nước và nước ngoài. Ban soạn thảo cũng đã đăng tải hồ sơ dự án Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Quốc hội để lấy ý kiến rộng rãi; gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan. Đến nay, các ý kiến đóng góp đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

GS.Nguyễn Anh Trí – ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật chủ trì Tọa đàm.

Nhấn mạnh, những vấn đề về y khoa và pháp lý có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng dự án Luật, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Anh Trí nêu rõ, việc Ban soạn thảo tổ chức tọa đàm nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực này về một số nội dung phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến y khoa và pháp lý trong chuyển đổi giới tính.

Dự thảo luật gồm 7 chương, 34 điều. Trong đó, Chương I về Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II về Can thiệp y khoa và điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Điều 9 đến Điều 11); Chương III về Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Điều 12 đến Điều 14); Chương IV về Tư vấn tâm lý, y tế, pháp lý cho người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Điều 15 đến Điều 22); Chương V về Công nhận giới tính của người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Điều 23 đến Điều 27); Chương VI về Quản lý nhà nước đối với việc chuyển đổi giới tính (Điều 28 đến Điều 31); Chương VII về Điều khoản thi hành (Điều 32 đến Điều 33).

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: vấn đề phẫu thuật khi được cấp giấy xác nhận giới tính mới; vấn đề được cấp giấy xác nhận giới tính mới khi chỉ cần điều trị bằng nội tiết tố; tư vấn tâm lý cho người thực hiện chuyển đổi giới tính; can thiệp y khoa ở nước ngoài để chuyển đổi giới tính; yêu cầu về tình trạng độc thân để được làm thủ tục công nhận giới tính mới.

ThS.Bs Phạm Quang Đạt - Bệnh viện Nội tiết Trung ương góp ý dự thảo Luật.

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau về điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính. Liên quan đến tư vấn pháp lý cho người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính, Ban soạn thảo cho rằng vấn đề tư vấn pháp lý cho người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính là rất quan trọng, quá trình này giúp cho người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ của cá nhân mình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật cũng như việc thực hiện các quy định của Luật Chuyển đổi giới tính. Do đó, đa số ý kiến trong Ban soạn thảo đề nghị việc tư vấn pháp lý là điều kiện bắt buộc trong quy trình chuyển đổi giới tính và cần được thực hiện miễn phí.

Mặt khác, hiện nay có rất nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng tư vấn pháp luật, tuy nhiên, người có nhu cầu chuyển đổi giới tính hầu hết rất e dè, ngại va chạm, một số trường hợp còn thuộc đối tượng yếu thế. Do đó, đề xuất giao Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện tư vấn pháp luật cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính.

GS.Nguyễn Anh Trí – ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật kết luận tọa đàm.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Anh Trí cảm ơn và ghi nhận những đóng góp, đề xuất của các đại biểu và cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến trong quá trình biên soạn, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sớm nhất./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Quang cảnh tọa đàm.

Các đại biểu dự cuộc tọa đàm.

GS.Nguyễn Anh Trí – ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật chủ trì Tọa đàm.

Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên Ban Soạn thảo phát biểu tại Tọa đàm.

GS.Nguyễn Anh Trí – ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật kết luận tọa đàm.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84437