Thắm tình đoàn kết, hữu nghị

Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất được diễn ra tại Kon Tum vào trung tuần tháng 12. Với sự kiện này, thêm một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa quân và dân ba nước Ðông Dương để cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia diễn ra tại khu vực biên giới chung ba nước, tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi “một con gà gáy, ba nước cùng nghe”. Ðây là hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch hợp tác năm 2023 giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Lào và Bộ Quốc phòng Campuchia, đồng thời là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia tổ chức giao lưu tại khu vực biên giới chung.

Trong những ngày diễn ra chương trình giao lưu, dọc trục đường chính từ thành phố Kon Tum đến khu vực cột mốc ngã ba biên giới rực rỡ cờ Việt Nam, Lào, Campuchia cùng băng-rôn, pa-nô bằng tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Khmer chào mừng. Ðặc biệt là ngày 14/12, đông đảo quần chúng nhân dân, các em học sinh đã đứng hai bên đường, vẫy cờ hoa chào mừng đoàn xe của đại biểu ba nước tham dự chương trình giao lưu, bầu không khí rộn ràng, tươi vui, thắm tình đoàn kết, hữu nghị ngập tràn gần 100 km từ thành phố Kon Tum đến khu vực cột mốc ngã ba biên giới.

Ðại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam; Ðại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào; Ðại tướng Tea Seiha, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia đã thực hiện nghi thức chào, tô son cột mốc chủ quyền, trồng cây hữu nghị. Ba bộ trưởng cùng chứng kiến lực lượng bảo vệ biên giới ba nước phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra cột mốc ngã ba biên giới.

Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần viết tiếp những trang sử mới của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa ba nước.

“Hoạt động giao lưu và cuộc gặp thường niên giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia chính là biểu hiện sinh động của quyết tâm chính trị nhằm củng cố và đưa tình đoàn kết giữa ba nước lên tầm cao mới. Cột mốc biên giới ba nước giờ đây đã trở thành cột mốc của lịch sử, cột mốc của quan hệ hữu nghị giữa những quốc gia láng giềng anh em cùng chung quyết tâm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển thịnh vượng”, Ðại tướng Phan Văn Giang, khẳng định.

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu, rất nhiều hoạt động đã được triển khai, trong đó nổi bật là chương trình khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và trao học bổng “Nâng bước em đến trường”, trao bò giống tặng nhân dân khu vực biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.

Thực tế tại địa bàn biên giới, nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn chưa từng có cơ hội tiếp cận với y tế chất lượng cao. Bởi vậy, khi hay tin đoàn quân y tới khám bệnh, có người đã vượt đèo, lội suối hàng chục cây số đến đăng ký khám. Anh Aphon (huyện Sanxay, tỉnh Attapeu, Lào) dắt theo hai con đến khám bệnh. Cháu nhỏ nhà anh mới 1 tuổi, khóc liên tục không ngừng. Bé bị sốt, viêm họng và nổi mẩn đỏ khắp người. “Sau khi khám và phát thuốc, các bác sĩ cũng tư vấn về dinh dưỡng, dặn tôi nên cho con ăn uống và vệ sinh đúng cách để bảo đảm sức khỏe cho cháu. Các bác sĩ không chỉ tận tình, trách nhiệm mà chuyên môn cũng rất cao”, anh Aphon chia sẻ.

Ði cùng đoàn quân y 3 nước trong chuỗi hoạt động khám, chữa bệnh lần này, chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự tận tâm, nhiệt tình của các y, bác sĩ quân y. Từ tờ mờ sáng, hoạt động chuẩn bị cho công tác khám, chữa bệnh đã bắt đầu. Có những buổi, số lượng bệnh nhân xếp hàng đến khám liên tục tăng, gần như không có giờ nghỉ. Ðến cuối trưa, các bác sĩ chỉ kịp ăn vội suất cơm cùng đồng nghiệp, sau đó lại trở về tiếp tục công việc. Một ngày làm việc của họ không còn là trong khung giờ hành chính, mà là khi không còn bệnh nhân nào nữa thì mới kết thúc khám bệnh.

“Có trường hợp bà con đến khám bị đục thủy tinh thể. Ðây là căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên đa số bà con có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể. Tôi đã kê đơn thuốc và giới thiệu một số đơn vị phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí tại tỉnh Kon Tum. Hy vọng họ sẽ sớm tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt”. Ðại úy Nguyễn Thái Nam, bác sĩ Khoa Mắt của Bệnh viện Quân y 87 (Tổng cục Hậu cần) tâm sự.

Ðại tá Lê Văn Ðông, Phó Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) cho biết, Cục Quân y Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Quân y Quân đội nhân dân Lào và lực lượng quân y Quân đội Hoàng gia Campuchia thực hiện chương trình khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới ba nước. Chương trình đã thành công với gần 2.900 bệnh nhân được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, góp phần tạo điều kiện cho bà con ở vùng sâu, vùng xa được chăm sóc y tế tốt hơn.

Ông Siu Lợi (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Campuchia), cho biết: Tại địa phương của ông, vật nuôi ít, nhưng đồng cỏ lại nhiều, từ lâu gia đình ông Siu Lợi muốn phát triển kinh tế chăn nuôi nhưng hoàn cảnh không cho phép. Ðược sự quan tâm của chính quyền và Bộ Quốc phòng Việt Nam, đợt này, gia đình ông được nhận 1 con bò giống. “Nhận bò giống, tôi sẽ làm chuồng trại kỹ càng, chăm sóc bò thật tốt và sẽ nghe theo sự hướng dẫn của thú y về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng tránh dịch bệnh để bò phát triển tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Qua đây, tôi xin cảm ơn Bộ Quốc phòng Việt Nam đã luôn quan tâm, đồng hành giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi”. Ông Siu Lợi xúc động nói.

Trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã trao tổng cộng 200 suất học bổng tặng 200 học sinh và 40 con bò giống tặng các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum (Việt Nam), Ratanakiri (Campuchia) và Attapeu (Lào).

Với những hoạt động hết sức ý nghĩa trên đã giúp nhân dân hai bên biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và cũng động viên, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, các hoạt động này còn góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân biên giới, nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tham-tinh-doan-ket-huu-nghi-191730.html