Thảm sát Karida và nỗi lo kỷ nguyên bạo lực bộ lạc ở Papua New Guinea

Tình trạng bạo lực giữa các bộ lạc đã tồn tại từ lâu ở Papua New Guinea, nhưng việc nhắm đến phụ nữ và trẻ em là điều chưa từng có. Nó đang có nguy cơ trở thành xu hướng mới.

Những "bức ảnh như phim kinh dị" lan truyền từ một ngôi làng vùng cao nguyên hẻo lánh ở Papua New Guinea hai tuần trước với những xác người bị chặt ra, bọc trong màn chống muỗi đã gióng lên hồi chuông về tình trạng an ninh ở quốc đảo này.

Những bức ảnh được một quan chức địa phương đăng tải cho thấy những bộ phận cơ thể, dù đã bọc trong tấm màn mỏng, có lúc lộ ra ngoài. Các thi thể sau khi bọc được buộc chặt vào cây cột dài để lúc cần tiện đưa đi, sau đó vứt la liệt ở vệ đường.

Philip Pimua, nhân viên y tế ở làng Karida, nơi xảy ra vụ thảm sát, kể rằng trong những lớp màn mỏng đó có thi thể của 10 phụ nữ, 6 trẻ em và 2 em bé còn nằm trong bụng mẹ. Tất cả bị tấn công đến chết bằng dao rựa vào lúc rạng sáng 8/7.

Pimua nói rằng không thể nhận ra bộ phận cơ thể nào thuộc về người nào.

Vụ thảm sát xảy ra ở ngôi làng Karida, thuộc khu vực cao nguyên của tỉnh Hela, là một trong những vụ bạo lực bộ lạc tàn bạo nhất ở Papua New Guinea trong nhiều năm qua. Ngôi làng này có khoảng 800 người, vốn bị bao vây bởi bạo lực và sự tàn sát lẫn nhau.

Hai người phụ nữ cầm cành cây đuổi ruồi bên cạnh các xác chết trong vụ thảm sát tại làng Karida, tỉnh Hela, Papua New Guinea. Ảnh: AP.

Hai người phụ nữ cầm cành cây đuổi ruồi bên cạnh các xác chết trong vụ thảm sát tại làng Karida, tỉnh Hela, Papua New Guinea. Ảnh: AP.

Giết người trở thành xu hướng mới, gồm cả phụ nữ

"Tôi rất lo lắng cho những người phụ nữ của chúng tôi", bà Janet Koriama, Chủ tịch Hội đồng Phụ nữ Hela nói qua điện thoại từ thủ phủ Tari của tỉnh Hela. Khi dó, bà vừa trải qua một đêm gần hiện trường vụ thảm sát. "Các gia đình (nạn nhân) đã mất tất cả mọi thứ: vườn cây trái, chỗ nương thân, quần áo,...".

Koriama kể vào tuần trước, một người phụ nữ đã bị giết và một người khác bị chặt tay khi đang đi kiếm thức ăn cho con. Bà cùng nhà thờ địa phương và quân đội cố hết sức để di tản khoảng 2.000 phụ nữ và trẻ em khỏi cuộc chiến bộ lạc đến nơi trú ẩn an toàn.

Các báo cáo chỉ ra rằng binh sĩ đã được triển khai như lời hứa của Thủ tướng James Marape, cũng là nghị sĩ của địa phương, nhưng họ chỉ tập trung vào việc bắt giữ những kẻ giết người, dù còn sống hay đã chết.

Ngay cả khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều này sẽ không thỏa mãn bà Koriama và các lãnh đạo địa phương khác. Họ vẫn sẽ nơm nớp về những gì vụ thảm sát này báo hiệu.

Từ lâu xung đột bộ lạc đã ăn sâu bén rễ vào tỉnh Hela, nhưng những nhà lãnh đạo chưa từng kinh qua vụ việc nào kinh khủng như ở làng Karida.

"Tôi chưa từng thấy lần nào như thế trong đời", người đứng đầu địa phương, ông Hokoko Minape, cho biết.

Bộ trưởng Cảnh sát Bryan Kramer tuyên bố các vụ giết người đã thay đổi mọi thứ, và rằng nó sẽ trở thành xu hướng mới. Sau chuyến thăm tới khu vực, ông Kramer nói các bộ lạc thù địch đã nhắm đến phụ nữ và trẻ em, một điều hiếm thấy, sau khi người mẹ của một thủ lĩnh bộ lạc bị giết hại trong cuộc tấn công trước đó.

Ông mô tả “việc sát hại tàn nhẫn 23 phụ nữ (trong đó hai người có thai) và 9 trẻ em” là “vụ giết người trả thù kinh khủng nhất lịch sử đất nước chúng ta”. Ngay cả trong những vụ tấn công tồi tệ nhất khiến toàn bộ các bộ tộc phải chuyển đi nơi khác, thương vong cũng khá ít và hầu như kẻ ác chỉ xuống tay với nam giới.

Vị trí ngôi làng Karida, nơi 16 phụ nữ và trẻ em bị phân xác hôm 8/7. Ảnh: Guardian.

Vị trí ngôi làng Karida, nơi 16 phụ nữ và trẻ em bị phân xác hôm 8/7. Ảnh: Guardian.

Đổ lỗi cho các dự án khí đốt

Giờ đây, người dân địa phương sống trong nỗi sợ hãi thường trực và Hela là vùng cấm đối với người ngoài, dù vụ thảm sát xảy ra cách đó 30 km.

Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ Exxon Mobil có các dự án khí đốt quan trọng ở Papua New Guinea và Hela là "trái tim" của dự án khí thiên nhiên được hóa lỏng, PNGLNG, trị giá 19 tỷ USD.

Chủ tịch Hội đồng Phụ nữ Hela Koriama nói rằng các biện pháp truyền thống bảo vệ phụ nữ đã bị xói mòn đáng kể trong khi xuất hiện các dự án.

Peter Botten, giám đốc điều hành lâu năm của Oil Search - đối tác của PNGLNG, lập luận rằng việc đổ lỗi cho tình trạng bạo lực gia tăng ở vùng cao do các dự án tài nguyên là quá dễ dàng.

Ông Botten chỉ ra vô số sự thay đổi, từ sự xuất hiện của điện thoại di động đến tàu lượn siêu tốc. Bà Koriama tin rằng vụ thảm sát ở Karida có liên quan đến cuộc tranh giành một cô gái kéo dài 4 năm qua. Hiện số người chết liên quan đến vụ việc đã lên đến 80 người.

Phát ngôn viên của Exxon-Mobil cho biết các vụ giết người gần đây đã xảy ra bên ngoài khu vực hoạt động của công ty.

Một cậu bé đi trên ống LNG của tập đoàn Exxon Mobil ở Papua New Guinea Ảnh: Guardian.

Một cậu bé đi trên ống LNG của tập đoàn Exxon Mobil ở Papua New Guinea Ảnh: Guardian.

Ông Ballard nói rằng nếu không có mối liên hệ trực tiếp giữa sự xuất hiện dự án khí đốt và tình trạng bùng nổ bạo lực, thì không thể gỡ bỏ cả hai vấn đề.

"Đây chỉ là một mặt của vấn đề. Các chính sách của LNG và sự gia tăng của các cuộc tranh giành chính trị nhất định sẽ làm tăng số lượng vũ khí đổ về khu vực Tari", ông Ballard nói.

Tình trạng an ninh ở Hale được đảm bảo bởi một kho súng khổng lồ.

Tiến sĩ Fiona Hukula, nghiên cứu viên cao cấp và lãnh đạo chương trình Xây dựng Cộng đồng An toàn của Viện Nghiên cứu Quốc gia Papua New Guinea, cho biết: “Có một lịch sử cho tình trạng bạo lực này (xung quanh Tari) và cũng cần hiểu rõ hơn về nó để vạch ra một con đường phía trước".

Theo các dữ liệu chắp vá, tình trạng bạo lực xảy ra đối với phụ nữ ở Papua New Guinea dưới nhiều hình thức khác nhau: trong gia đình, ngoài xã hội và ở bộ lạc. Đây là một trong những nơi có tỷ lệ xảy ra bạo lực với phụ nữ cao nhất thế giới.

Các báo cáo về việc tra tấn và giết hại những phụ nữ bị buộc tội phù thủy cũng xuất hiện thường xuyên trên các truyền thông địa phương.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tham-sat-karida-va-noi-lo-ky-nguyen-bao-luc-bo-lac-o-papua-new-guinea-post970077.html