Thăm quê hương Người chiến sĩ cộng sản kiên trung Tô Hiệu

Kỷ niệm 112 năm ngày sinh và 80 năm ngày mất của Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân. Đồng thời, thành lập Đoàn công tác về thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, dâng hương tưởng nhớ Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu - người đã gieo hạt giống đỏ cách mạng trong Nhà tù Sơn La năm xưa.

Các đồng chí lãnh đạo dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày mất của Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu (7/3/1944 - 7/3/2024).

Vùng quê văn hiếnVăn Giang là vùng quê văn hiến, vùng đất khoa bảng giàu truyền thống yêu nước, có rất nhiều người đỗ khoa cử. Thời kỳ phong kiến, riêng thôn Xuân Cầu có 11 người đỗ đại khoa; xã Nghĩa Trụ cũng là một trong số ít các địa phương có 2 người con được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là nhà văn, nhà giáo Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tô Ngọc Vân.Mảnh đất này, còn sinh ra những nhà cách mạng ưu tú, lịch sử mãi ghi danh và là niềm tự hào của người dân Nghĩa Trụ, đó là các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tô Chấn… Tính đến nay, xã Nghĩa Trụ là địa phương duy nhất trong cả nước từng có 5 đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vào tháng 1/1951, gồm các đồng chí: Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Đẩu.

Một góc trung tâm huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm nay.

Ngay từ thuở thiếu thời, Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu được hun đúc lòng yêu nước, ý chí giải phóng dân tộc của gia đình và quê hương.

Ông Tô Quyết Tiến, thân nhân liệt sĩ Tô Hiệu, chia sẻ: Dòng họ Tô yêu nước với nhiều đời khoa bảng. Cùng với chú Tô Hiệu của tôi, còn có ông ngoại là tướng quân Ngô Quang Huy - vị danh tướng đã tham gia khởi nghĩa cùng ông Nguyễn Thiện Thuật đánh Pháp tại vùng Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương trước đây. Tiếp nối truyền thống của gia đình và quê hương, chú Tô Hiệu đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động từ năm 14 tuổi. Hy sinh khi tuổi đời mới 32, chú Tô Hiệu trọn đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phát huy truyền thống bứt phá vươn lên

Huyện Văn Giang ngày nay là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của tỉnh Hưng Yên, với nhiều thành tựu nổi bật. Phát huy tinh thần của Nhà cách mạng Tô Hiệu, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Giang luôn đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn lên.

Một góc khu đô thị Vinhomes Ocean Park, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Từ một huyện thuần nông nghèo, đến nay, Văn Giang thay đổi từng ngày, trở thành một huyện phát triển nằm trong tốp đầu của tỉnh Hưng Yên. Năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 16,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (nông nghiệp 8%; công nghiệp xây dựng 46%; thương mại dịch vụ 46%). Giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt hơn 440 triệu đồng. Tổng giá trị sản phẩm bình quân đầu người đạt 125,2 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.297 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,39%.

Du khách tham quan chợ hoa tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ông Lê Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cho biết: Hết năm 2023, huyện Văn Giang có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 29 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Huyện đã có hàng trăm dự án đầu tư, xây dựng, trong đó, có các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại mang tầm quốc tế và nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng. Công tác an ninh quốc phòng; trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Sự đồng lòng ủng hộ nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Văn Giang ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh, hiện đại.Về thôn Xuân Cầu, quê hương của Người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu hôm nay, cảm nhận được sự sôi động, nhộn nhịp trong phát triển kinh tế, xã hội; cảm nhận cuộc sống của nhân dân khởi sắc.

Nông dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chăm sóc cây cảnh.

Theo các đồng chí lãnh đạo xã, sự phát triển này là kết quả của việc thay đổi định hướng phát triển kinh tế trong những năm qua. Đó là việc nhân dân chuyển đổi từ sản xuất thuần nông sang phát triển tập trung hình thức trang trại VAC quy mô lớn, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.Đồng thời, nhiều lao động địa phương được tuyển chọn làm công nhân tại các khu công nghiệp trong tỉnh theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Ngoài ra, một số lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động được tạo điều kiện để có việc làm, có thu nhập ổn định. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của thôn Xuân Cầu hiện nay đạt gần 100 triệu đồng/người/năm.Địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạngTheo chia sẻ của thân nhân liệt sĩ Tô Hiệu, nhiều năm trước đây, gia đình đã xây dựng khu nhà tưởng niệm người con ưu tú của dòng họ mình. Trong ngôi nhà tưởng niệm rộng chừng 40m², gia đình sắp xếp, trưng bày nhiều kỷ vật về các chặng đường hoạt động của đồng chí Tô Hiệu. Đây cũng là nơi giáo dục các thế hệ con cháu trong dòng họ về truyền thống cách mạng, về tinh thần yêu nước, luôn phấn đấu lao động, học tập, xứng đáng với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Hiện nay, Khu nhà tưởng niệm Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Khu nhà tưởng niệm Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Di tích quốc gia Khu nhà tưởng niệm Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang đã và đang trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ người dân sinh sống tại địa phương và mọi miền đất nước có dịp đến thăm. “Tinh thần Tô Hiệu” sẽ mãi là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung, trong bước đường xây dựng, phát triển đất nước.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/tham-que-huong-nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung-to-hieu-auBmJ20IR.html