Thăm làng lụa Vạn Phúc, tấm tắc với lụa Vân

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng bởi những tấm lụa đa dạng mẫu mã, họa tiết bắt mắt, tinh xảo, được dệt lên bởi đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo tuyệt vời của những nghệ nhân, trong đó lụa Vân được xem là 'hồn cốt' của làng nghề.

Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc (thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng lâu đời, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và thuộc loại lụa lâu đời bậc nhất Việt Nam. Lụa Vạn Phúc từng được chọn may trang phục cho quan lại trong triều đình ngày xưa.

 Cổng làng lụa Vạn Phúc được xây dựng từ rất lâu.

Cổng làng lụa Vạn Phúc được xây dựng từ rất lâu.

Ngược thời gian về với “cội nguồn" làng lụa

Làng Vạn Phúc vốn có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Tương truyền, cách đây khoảng hơn 1.100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà đã dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa.

 Trung tâm bảo tồn - phát triển Lụa Vạn Phúc- nơi lưu giữ những sản phẩm lụa.

Trung tâm bảo tồn - phát triển Lụa Vạn Phúc- nơi lưu giữ những sản phẩm lụa.

Sau khi mất, bà được dân làng tôn kính và phong làm Thành Hoàng làng. Trong miếu thờ bà ngày nay, vẫn còn lưu lại trang lịch sử được viết trên đá, cùng với đó là chiếc khung cửi cổ - chứng tích lịch sử của một làng nghề dệt lụa.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, lụa Vạn Phúc vẫn không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Lụa Vạn Phúc từng được chọn để may trang phục trong triều đình và đặc biệt các sản phẩm tơ lụa của làng được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn (1802 - 1945).

Trong giai đoạn cận và hiện đại, Lụa Vạn Phúc đã được giới thiệu lần đầu ra quốc tế, như tại hội chợ Marseille (năm 1931) và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo ở Đông Dương. Năm 1990, lụa Vạn Phúc xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

 Hình ảnh nhiều cửa hàng bán và trưng bày sản phẩm lụa của người dân làng Vạn Phúc.

Hình ảnh nhiều cửa hàng bán và trưng bày sản phẩm lụa của người dân làng Vạn Phúc.

Ngày nay, làng lụa Vạn Phúc mang dáng vẻ khang trang với những cửa hàng mọc lên san sát, con phố lụa luôn tấp nập du khách, kẻ mua, người bán, đông vui, nhộn nhịp.

“Trong làng có 14 nghệ nhân, 164 gia đình sản xuất và kinh doanh với khoảng 100 gian hàng giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi đã và đang phát triển Vạn Phúc thành điểm du lịch làng nghề”, Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, chia sẻ.

Lụa Vân - “Hồn cốt" làng lụa

Nói đến lụa Vạn Phúc, người ta thường nhắc tới lụa Vân. Đây là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, còn hoa chìm thì phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Điều khiến lụa Vân lưu tiếng trong dân gian bởi các loại Vân lụa này rất tinh xảo. Nét hoa văn trên lụa Vân mềm mại, phóng khoáng mà dứt khoát, màu sắc biến ảo lung linh theo các góc nhìn khác nhau.

Đã có một thời, không chỉ người dân ở làng lụa Vạn Phúc, mà ngay cả với những người mê lụa truyền thống cũng phải ngậm ngùi nghĩ rằng lụa Vân - một thứ lụa đã trở thành “hồn cốt” của làng nghề truyền thống Vạn Phúc sẽ chỉ là ký ức. Tuy nhiên, với bàn tay cần mẫn và tình yêu của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - một người con sinh ra và lớn lên ở làng Vạn Phúc - đã làm hồi sinh thứ lụa quý giá đó, để làm đẹp thêm cho dáng vóc và tâm hồn con người Việt Nam. Điều quan trọng là nỗ lực của bà đã góp phần giữ lại được thứ sản phẩm quý giá mang thương hiệu của làng lụa.

 Dọc con đường làng giờ đã hiện đại và nhiều màu sắc của những bộ quần áo lụa.

Dọc con đường làng giờ đã hiện đại và nhiều màu sắc của những bộ quần áo lụa.

Các chuyên gia đánh giá, lụa Vân làng Vạn Phúc thực sự là một trong những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vì làm qua nhiều công đoạn, chủ yếu là làm thủ công. Lụa Vân có đặc điểm nổi bật trông rất trong nhưng lại không bị già, không nhăn, rất thưa nhưng lại không bị mỏng. Mảnh vải lụa giơ lên trông như chiếc quạt giấy mà người ta thường thấy hàng vạn lỗ nhỏ nhưng không bao giờ bị rách. Có nhiều nơi làm lụa tìm đến Vạn Phúc để tìm hiểu làm lụa Vân nhưng không thể làm được.

 Lụa Vân được cho là một sản phẩm nghệ thuật đặc trưng của Vạn Phúc.

Lụa Vân được cho là một sản phẩm nghệ thuật đặc trưng của Vạn Phúc.

Trên cả nước có nhiều làng nghề truyền thống dệt lụa, nhưng dường như chỉ có làng Vạn Phúc mới dệt được lụa Vân. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn được làm theo kiểu truyền thống xưa. Nếu có thay đổi, thì cũng chỉ cải tiến về các thiết bị để sản phẩm ngày càng đẹp và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Đây cũng chính là nét đặc trưng của làng.

Chị Trần Thúy Hằng một du khách đến với làng chia sẻ: “Tôi đã nghe đến làng lụa Vạn Phúc từ rất lâu nhưng nay mới có dịp đến thăm, thực sự những tấm lụa nơi đây rất chất lượng và khiến tôi cảm thấy muốn mua ngay lập tức".

 Những tấm lụa không hề bị nhăn hay già bởi nét tinh xảo của nó.

Những tấm lụa không hề bị nhăn hay già bởi nét tinh xảo của nó.

Làm nghề lâu năm, người dân làng lụa Vạn Phúc có những liên kết chặt chẽ với nhau như một dây chuyền sản xuất. Trong làng, cũng đã hình thành một số doanh nghiệp quy mô, nên các mặt hàng lụa cũng ngày càng phong phú.

Chị Hoàng Phương Nhi, một thợ ở xưởng dệt lụa tại Vạn Phúc, chia sẻ: "Người dân chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì được sinh ra là một người dân trong làng có truyền thống lâu đời. Đây cũng là công việc chính giúp gia đình chúng tôi sinh sống và nó cũng mang nét đẹp đặc trưng mà đi đâu tôi cũng muốn kể".

 Du khách vô cùng thích thú lựa chọn cho mình những chiếc khăn và bộ quần áo ở làng lụa Vạn Phúc.

Du khách vô cùng thích thú lựa chọn cho mình những chiếc khăn và bộ quần áo ở làng lụa Vạn Phúc.

Cho đến nay, Vạn Phúc có thể giữ được “hồn cốt" của làng lụa chính là nhờ vào sự đoàn kết của người dân, cùng nhau xây dựng và phát triển. Được truyền cảm hứng từ những thế hệ đi trước, không ít người trẻ tại làng lụa Vạn Phúc cũng đã tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách làm để phát triển nghề lụa tơ tằm, từ đó cải tiến chất lượng và nâng cao năng suất.

Thêm vào đó, tại làng lụa Vạn Phúc mỗi năm đều tổ chức hội thi sáng tạo mẫu mã cho sản phẩm lụa, từ đó gợi lên tình yêu nghề cho các bạn trẻ có hứng thú với nghề lụa. Đồng thời, nhằm giúp thế hệ trẻ có thể hấp thụ thêm các kiến thức về làng lụa, Vạn Phúc cũng đề nghị các trường học tổ chức các lớp thực địa để học sinh cấp một, cấp hai có thể tham quan phố Lụa và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giúp các em “ngấm” được cái nghề ngay từ khi còn bé.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chia sẻ, đây là nghề truyền thống mà cha ông để lại, nay những người kế tiếp phải làm sao giúp đỡ nhân dân giữ được nghề truyền thống này, xứng tầm với tên của lụa Vạn Phúc.

Tin và ảnh: Thu Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tham-lang-lua-van-phuc-tam-tac-voi-lua-van-post236746.html