Thảm khốc, cuộc chiến không tiếng súng ở Gaza

Khi những cuộc giao chiến bắn phá dữ dội giữa hai phía Israel và Hamas vẫn không ngơi nghỉ, thì hơn 2 triệu người dân ở dải Gaza còn đang tuyệt vọng chiến đấu trong một cuộc chiến khác Không tiếng súng nhưng bi thương không kém: cuộc chiến với cái đói, cái khát và bệnh tật.

Không có nhiên liệu, không có thực phẩm, không có nước

Đó là tình cảnh hơn 2 triệu người dân ở dải Gaza đang phải gánh chịu những ngày này trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas không ngừng leo thang suốt từ ngày 7/10 tới nay. “Giờ chúng tôi phải lấy nước muối vào các can, tôi sẵn sàng uống nước muối. Làm thế nào được!” - anh Mohammad Jamal Saqr, một người dân ở phía Nam Dải Gaza chia sẻ.

Còn bà Juliette Touma, thuộc Cơ quan cứu trợ cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) thì bức xúc chỉ rõ về tình hình tồi tệ hiện nay tại Gaza: “Không gì được cung cấp vào Gaza kể từ ngày 7/10. Không có nhiên liệu, không có thực phẩm, không có nước, không một sự trợ giúp nào khác. Chúng ta đang nói về 2 triệu người ở Dải Gaza không có nước. Nước là sự sống và sự sống đang cạn kiệt ở Dải Gaza. Chúng tôi cũng biết rằng người dân đang sử dụng các nguồn nước bẩn, bao gồm cả nước giếng. Chúng tôi rất lo ngại các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan qua đường nước”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/10 lên tiếng cảnh báo nước, điện và nhiên liệu tại Dải Gaza hiện chỉ còn đủ dùng trong 24 giờ.

 Người Palestine phải di dời tập trung tại trường UNRWA (Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine) ở Khan Yunis, ngày 15/10. Ảnh: Getty Images

Người Palestine phải di dời tập trung tại trường UNRWA (Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine) ở Khan Yunis, ngày 15/10. Ảnh: Getty Images

Theo WHO, các đoàn xe viện trợ đang mắc kẹt ở cửa khẩu Rafah tại biên giới với Ai Cập cần phải được phép vào Dải Gaza, nếu không các bác sĩ sẽ không thể điều trị cho bệnh nhân. Việc không có điện, nước, thiếu nguồn cung thuốc men, oxy khiến nhiều bệnh viện tại khu vực này đang trong tình cảnh “không có khả năng tiếp nhận” bệnh nhân.

Ông Fabrizio Carboni - Giám đốc khu vực của Ủy ban quốc tế Chữ thập đỏ (ICRC), cảnh báo “không có điện thì bệnh viện ở Gaza sẽ biến thành nhà xác”. WHO ngày 14/10 cũng đã lên án mạnh mẽ yêu cầu sơ tán 22 bệnh viện đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân nội trú ở phía Bắc Gaza bởi sẽ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo và sức khỏe cộng đồng hiện nay. WHO cho biết tất cả đều phải đối mặt với tình trạng sức khỏe xấu đi hoặc tử vong nếu buộc phải sơ tán.

“Vấn đề sống còn”

Trước thảm cảnh tồi tệ đang diễn ra tại Gaza, người đứng đầu Cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini, cho biết việc nguồn cung cấp nước cạn kiệt - do Israel cắt tất cả các tiện ích cho Gaza - đã trở thành “vấn đề sống còn”. Còn hôm 13/10, chính quyền Palestine đã cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện nhanh chóng, hậu quả nhân đạo tại Dải Gaza sẽ vượt mọi sự tưởng tượng của nhiều người.

 Người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm tại miền Nam Dải Gaza, ngày 15/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm tại miền Nam Dải Gaza, ngày 15/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, các hoạt động cứu trợ của Liên hợp quốc tại Gaza của Palestine gần như đang bị đình lại trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel. Ngày 16/10, kênh Al Arabiya TV cho biết, ít nhất 100 xe tải chở hàng viện trợ đang có mặt tại cửa khẩu Rafah ở biên giới giữa Gaza và Ai Cập để chờ thiết lập hành lang nhân đạo. Tình hình càng căng thẳng khi Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz hôm 12/10 khẳng định nước ông sẽ không cho viện trợ nhân đạo - bao gồm thực phẩm, nước uống, nhiên liệu và thuốc thang vào Gaza trừ khi Hamas thả khoảng 200 người Israel bị bắt làm con tin.

Trước những kêu cứu tuyệt vọng và nỗi khốn cùng của người dân Gaza, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang xúc tiến các nỗ lực viện trợ nhân đạo cho người dân ở khu vực này. Ngày 15/10, Giáo hoàng Francis kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Hamas thả các con tin.

Trước đó, phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10/10, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic nêu rõ WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một hành lang nhân đạo để giúp người dân tại Dải Gaza tiếp cận y tế thiết yếu.

Cao ủy LHQ về Nhân quyền Volker Turk cho rằng, việc Israel bao vây Dải Gaza khiến người dân ở vùng lãnh thổ này không tiếp cận được nhu yếu phẩm là hành vi bị cấm theo luật quốc tế và rằng bất kỳ hành vi nào hạn chế người đi lại và hàng hóa lưu thông trong việc thực hiện lệnh bao vây đều phải có lý do chính đáng về quân sự, nếu không sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt tập thể.

 Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm tại Dải Gaza, ngày 15/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm tại Dải Gaza, ngày 15/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc Martin Griffiths hôm 16/10 cho biết, ông sẽ tới Trung Đông để hỗ trợ các cuộc đàm phán về việc đưa hàng viện trợ vào Dải Gaza. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã quyết định tăng gấp ba lần số tiền viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza, lên 75 triệu Euro. Bà Ursula von der Leyern, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết đang triển khai một cầu hàng không nhân đạo của EU tới Dải Gaza thông qua Ai Cập.

Tối 15/10, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Venezuela, ông Nicolas Maduro, đã kêu gọi Israel chấm dứt thương vong cho dân thường, cho phép mở các hành lang nhân đạo khẩn cấp tới Dải Gaza và cung cấp vật tư y tế, nước, điện và nhiên liệu cho người dân ở Dải Gaza. Ông nhấn mạnh, các chính sách và hành động của Hamas không đại diện cho người dân Palestine, và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) mới là đại diện hợp pháp và duy nhất.

Như lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Dải Gaza cũng như khu vực Trung Đông đang “bên bờ vực thẳm”. Và trong bối cảnh thương vong về người cũng như những thảm họa nhân đạo không ngừng gia tăng, thì một giải pháp giải quyết cuộc xung đột dựa trên các nguyên tắc của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực cũng như mở hành lang nhân đạo cho người dân Gaza là điều cộng đồng quốc tế cần phải hiện thực hóa ngay lúc này.

Bà Francesca Albanese, báo cáo viên đặc biệt của LHQ tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, kêu gọi lực lượng Israel và Hamas ngừng bắn, cảnh báo về việc thanh lọc sắc tộc hàng loạt đối với người Palestine. Theo bà Francesca, tình hình ở khu vực này “đã lên đến đỉnh điểm”.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tham-khoc-cuoc-chien-khong-tieng-sung-o-gaza-post269105.html