Tham góp nhiều giải pháp phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc

Tiếp tục làm rõ hơn cơ sở lí luận, kinh nghiệm thực tiễn, xây dựng các mô hình liên kết phát triển du lịch của Bắc Kạn và các tỉnh chiến khu Việt Bắc, chiều 27/4, UBND tỉnh Bắc Kạn, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Viện Kinh tế - Văn hóa tổ chức Hội thảo 'Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh chiến khu Việt Bắc'.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: TS Trần Văn Túy, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban công tác Đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Văn hóa; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; TSKH Nguyễn Quốc Hưng, Viện trưởng Viện Kinh tế Văn hóa.

Quang cảnh Hội thảo.

Trước đó, sáng 27/4, Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc” đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Hội thảo đã đánh giá những kết quả đạt được, các tồn tại trong quá trình hợp tác liên kết phát triển du lịch và đề xuất, kiến nghị với Trung ương các chính sách, giải pháp tháo gỡ, phát triển du lịch các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc nói riêng và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung.

Tại buổi Hội thảo, chuyên gia, các đại biểu đã nghe Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài cấp Quốc gia: “Liên kết phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc”, trong đó đánh giá tiềm năng và nguồn lực phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc; đánh giá hiện trạng phát triển du lịch và liên kết phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc; nghiên cứu xây dựng định hướng và các giải pháp phát triển du lịch và liên kết phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc. Đặc biệt nêu hiện trạng liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn; định hướng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù của Bắc Kạn như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch hoài niệm.
Báo cáo cũng đưa ra một số mô hình liên kết các điểm du lịch như: Mô hình liên kết các điểm du lịch trung tâm và vệ tinh; mô hình liên kết cụm điểm; mô hình liên kết xuyên biên giới; mô hình liên kết không gian du lịch…

Với những lợi thế về tài nguyên, vùng chiến khu Việt Bắc có cơ hội phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau. Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển, du lịch lịch sử cách mạng hay du lịch hoài niệm chiến khu xưa cần được xây dựng ở vị trí sản phẩm cốt lõi.

Loại hình du lịch này bao gồm: Tham quan, tìm hiểu di tích cách mạng; giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; thăm lại chiến trường xưa tại các di tích lịch sử, từ ATK Tân Trào - Tuyên Quang đến ATK Định Hóa - Thái Nguyên và Chợ Đồn - Bắc Kạn hay quần thể di tích lịch sử Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), cụm di tích Bác Hồ với Chiến dịch Biên giới năm 1950, Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng) hay Căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Vị Xuyên (Hà Giang)...

Các chuyên gia đã có nhiều ý kiến tham mưu, hiến kế để phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc cũng như du lịch Bắc Kạn.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, cảm ơn các đại biểu đã có những góp ý tâm huyết cho sự phát triển của du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc cũng như tỉnh Bắc Kạn. Ban Tổ chức Hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu, ý kiến của các đại biểu đã giúp cho tỉnh Bắc Kạn có thêm kinh nghiệm, những cách làm hay, những lời khuyên, ý tưởng, những giải pháp rất hữu ích trong phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc cũng như tỉnh Bắc Kạn…/.

Mộc Lan

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/tham-gop-nhieu-giai-phap-phat-trien-du-lich-cac-tinh-chien-khu-viet-bac-post63132.html