Tham gia MXH có trách nhiệm

'Đừng xem tóp tóp quá 180 phút' là một câu nói vui, nhưng nó cũng là một 'cảnh báo' cho những người tham gia mạng xã hội (MXH).

Có thể có người nghĩ MXH là nơi để giải trí, giao lưu, chia sẻ những cảm xúc cá nhân hay để bày tỏ chính kiến của mình với người khác. Vì là của cá nhân nên nó không trực tiếp tác động đến người khác hay tới cộng đồng. Đây là một quan điểm rất sai lầm. Bởi, một khi thông tin đã đưa lên MXH, ít nhiều nó cũng tạo ra hiệu ứng. Nếu thông tin được chia sẻ mang tính tích cực, việc loa tỏa đó sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu thông tin mang tính tiêu cực, sai lệch thì hệ lụy của nó gây ra là một xã hội hoang mang, mất phương hướng, mất lòng tin…

Chẳng hạn mới đây, nhiều tỉnh thành trên cả nước, thậm chí là ở thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh đã phải ra văn bản chính thức hoặc “lên tiếng” trước việc người dân ùn ùn đi đổi giấy phép lái xe hạng A1 từ bảng giấy sang thẻ PET (thẻ nhựa), gây quá tải tại các điểm tiếp nhận. Đây là hệ lụy của việc đưa thông tin sai lệch từ những người tham gia mạng xã hội. Bởi trước đó, nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Tiktok… thông tin rằng sau ngày 31/12/2023, những ai chưa đổi giấy phép lái xe hạng A1 từ bằng giấy sang thẻ nhựa sẽ phải thi lại.

Sự thật là trước đó, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ triển khai lấy ý kiến người dân, trong đó có nội dung đề xuất đổi toàn bộ giấy phép lái xe mô tô bằng vật liệu giấy sang vật liệu nhựa nhằm thực hiện tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có tích hợp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, những người đưa thông tin lên MXH đã không thực hiện việc đưa thông tin rõ ràng mà tự “cắt cúp” để đưa theo chủ ý dẫn dắt của mình.

Hay trước đó, khi Quốc hội thông qua Luật Căn cước (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) để thay thế cho Luật Căn cước công dân, đồng thời đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước, rất nhiều tài khoản MXH đưa hoặc còm theo hướng việc làm này là “hành dân”, gây tốn kém và lãng phí tiền thuế của dân… Trong khi việc thay đổi này nhằm giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự. Chính việc chia sẻ thông tin một chiều cùng đánh giá có chủ ý này đã khiến cộng đồng MXH có nhiều bình luận tiêu cực.

Như vậy, với tính chất liên kết, chia sẻ rộng rãi thông tin, MXH đã không còn là những cảm xúc, suy nghĩ của mỗi cá nhân mà đã trở thành tâm trạng, cảm xúc chung của nhiều người và ở góc độ nào đó, sự vận động của MXH đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cả cộng đồng. Do vậy, mỗi cá nhân khi chia sẻ, thông tin về một vấn đề gì cần phải có sự cân nhắc, thận trọng và nhất là phải đặt trách nhiệm của cá nhân mình với cộng đồng, tránh trường hợp “cắt cúp” theo chủ ý để phục vụ cho lợi ích của mình.

Trong khi đó, với người dùng MXH, tâm lý thường là thích đọc những thông tin nóng, mới, mang tính hấp dẫn… nhưng ít khi thực hiện việc kiểm chứng, xem nguồn gốc chúng đến từ đâu, có chính xác không. Chính điều này đã khiến một số đối tượng lợi dụng đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, độc hại, không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; thậm chí là những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây mâu thuẫn trong xã hội… Bởi thế, câu nói vui “đừng xem tóp tóp quá 180 phút” để “cảnh báo” rằng, người dùng MXH cần phải tỉnh táo trước các thông tin. Có thể việc tiếp nhận tin giả quá nhiều sẽ khiến chúng ta hoang mang, mất phương hướng về một vấn đề, sự việc nào đó và rất có thể sẽ dẫn đến hiểu sai, hành động sai.

Pháp luật Việt Nam quy định, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác được pháp luật đảm bảo. Tuy nhiên, việc phát ngôn hay bình luận, đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và các hình thức khác phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã liên tục vào cuộc để xử lý những sai phạm, chấn chỉnh hoạt động của các trang mạng xã hội, các tài khoản cá nhân, tổ chức, hội nhóm về nội dung bài viết, livestream liên quan đến lừa đảo, thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước… Thế nhưng với hàng chục triệu tài khoản MXH hiện đang hoạt động trong nước và cả ở nước ngoài nhắm đến Việt Nam, việc xử lý triệt để sẽ rất khó khăn, bởi sự ràng buộc pháp lý hiện còn khá lỏng lẻo.

Mặc dù Luật An ninh mạng đã quy định rất chặt chẽ những điều bị nghiêm cấm, tuy nhiên nhà nước và các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp này đồng bộ hơn; đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ người dùng MXH bằng những điều khoản pháp lý mạnh, nghiêm khắc về trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp cần xây dựng chế tài, quy định của chính cơ quan, tổ chức mình để điều chỉnh hành vi, việc làm của người tham gia MXH mà mình quản lý trong hành lang pháp luật chung, vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, đồng thời triển khai xác thực định danh điện tử, nếu đồng bộ hóa dữ liệu này với dữ liệu người dùng MXH thì mỗi hành vi, phát ngôn, chia sẻ đều gắn chặt với trách nhiệm pháp lý của họ. Hay nói cách khác, việc xác thực danh tính người dùng MXH thông qua số điện thoại hay dữ liệu chính chủ sẽ như một cách nhắc nhở người dùng có trách nhiệm hơn với các thông tin được đưa lên trên không gian mạng và với cộng đồng.

Minh Thuyết

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/tham-gia-mxh-co-trach-nhiem-20231219150814963.htm