Thăm 'Địa chỉ đỏ' Khu truyền thống Mậu Thân năm 1968

Khu truyền thống Mậu Thân nằm trong tổng thể khu di tích Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh- TPHCM) là một trong những 'địa chỉ đỏ' thiêng liêng để tưởng niệm, tri ân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2020, khu truyền thống Mậu Thân rộng 12ha là nơi là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tài liệu, phim ảnh… về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.

Khu truyền thống Mậu Thân nhìn từ trên cao

Ngoài ra, trong khu truyền thống còn có nhiều hạng mục như bức tường phù điêu, hộp hình ảnh, đài tưởng niệm … nhằm tái hiện lại cuộc chiến hào hùng và anh dũng của quân và dân trong Tết Mậu Thân 1968.

Trong đó bức tường phù điêu được đúc bằng đồng đỏ, cao 9m, dài 90m, tái hiện lại toàn bộ những trận đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn qua các đợt tấn công của quân và dân Sài Gòn vào Xuân Mậu Thân 1968.

Bức phù điêu cao 9m, dài 90m tái hiện toàn bộ các trận đánh hào hùng Xuân Mậu Thân

Bên cạnh đó, là đài tưởng niệm với hình ảnh ngọn lửa yêu nước luôn bùng cháy và tỏa sáng những khí thế, tinh thần của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Bên dưới bức phù điêu là khu tầng hầm với thiết kế hình tròn có diện tích 3.200 m2. Tại đây ngoài các khu trưng bày hiện vật còn có còn có phòng trình chiếu sa bàn kết hợp màn hình chiếu phim nói về cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Mậu Thân.

Du khách đi xuống khu tầng hầm trưng bày hiện vật

Đặc biệt tại đây còn có khu vực với các hộp hình ảnh có tỷ lệ 1:1 tái hiện cảnh chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ quân Giải phóng trên đường Minh Phụng (quận 11) vào năm 1968. Theo các hướng dẫn viên của Khu di tích, các hộp hình ảnh này được mô phỏng theo đúng những hình ảnh thực tế của cuộc chiến đấu ngày đó, giúp cho người xem có cảm giác được “xuyên không” để trở về những ngày tháng hào hùng, anh dũng đó.

Du khách nghe thuyết minh về tại trưng bày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân

Với sự tái hiện như hiện thực, người xem, được nghe, được thấy, được sống trong không khí của chiến tranh ngày đó với những tiếng súng ầm ì, mùi thuốc súng, bụi bê tông đổ vỡ.. để được hiểu thêm về cuộc sống gian lao, về tinh thần đấu tranh anh dũng, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc của quân và dân Sài Gòn.

Chùm ảnh về cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn trong Tết Mậu Thân:

Du kích rèn vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân

Lực lượng quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất

Quân Giải phóng chiến đấu trên đường phố Sài Gòn

Quân Giải phóng cắm cờ tại đường Minh Phụng (quận 11)

Một chiến sĩ Giải phóng đang tự băng bó vết thương

Các chiến sĩ quân Giải Phóng đang chiến đấu căng thẳng

Các vũ khí chiến đấu của quân Giải phóng được trưng bày trong khu truyền thống Mậu Thân

Một góc Sài Gòn sau cuộc chiến

Các du khách thăm quan cúi đầu tưởng niệm sự hi sinh của các chiến sĩ

Một bạn trẻ đang chụp hình cảnh đổ nát của hộp minh họa cuộc chiến Mậu Thân

Được biết, sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, khu truyền thống Mậu Thân tại Bình Chánh đã trở thành nơi thu hút du khách tìm về với cội nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc, để hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Ngoài ra nơi đây còn là tưởng niệm, tri ân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhiều đơn vị giáo dục, nhiều tổ chức Đoàn- Hội đã chọn nơi đây để tổ chức các chuyến thăm quan về nguồn, tổ chức các lễ kết nạp Đội viên, Đoàn hay hay lễ tuyên thệ của những Đảng viên trẻ.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tham-dia-chi-do-khu-truyen-thong-mau-than-nam-1968-post1631998.tpo