Thăm Đền Bạch Mã, ngôi đền thiêng trấn phía Đông kinh thành Thăng Long

Theo tài liệu lịch sử ghi chép lại, Đền Bạch Mã được khởi dựng dưới thời nhà Đường khi Cao Biền xây La thành vào năm 866, đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì được xây dựng lại.

Đền Bạch Mã là ngôi đền cổ, có từ thế kỷ thứ IX khi nước ta đang bị nhà Đường phương Bắc đô hộ (792-906), đền được xây dựng trên đất phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Nay là số 76-78, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tài liệu lịch sử ghi chép lại cho thấy Đền Bạch Mã được khởi dựng dưới thời nhà Đường khi Cao Biền xây La thành vào năm 866, đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long vào năm 1010 thì được xây dựng lại.

Tương truyền, vua Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La cho người mở rộng và đắp cao thành lũy, nhưng trầy trật mãi không xong, xây thành đến đâu thì sụt lở đến đó.

Nhà vua cử đại quan đến khẩn cầu tại đền, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi một vòng từ Đông sang Tây để lại dấu chân rồi quay về đền biến mất. Vua Lý cho quân sỹ cứ theo vết chân ngựa mà đắp xong thành. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua cho sửa sang lại đền thờ, phong sắc cho thần Long Đỗ là “Quốc đô Thăng Long đại vương, Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần” giao trấn giữ phía Đông Kinh thành.

Các đời vua sau cũng liên tục ban sắc phong tương tự. Hàng năm, đền Bạch Mã thường tổ chức lễ hội vào ngày 12 và 13 tháng 2 Âm lịch với ngày 12 được xem là chính hội.

Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa Đông qua và đón mùa Xuân mới, cầu đất nước yên bình, người dân được sống ấm no, hạnh phúc Lễ hội được khai mạc bằng Lễ cáo thỉnh do người trông coi đền Bạch Mã đọc trực tiếp. Tiếp theo, đội tế nam đền Bạch Mã sẽ đứng ra làm Lễ tế Thánh.

Sau phần Lễ tế Thánh, mô hình trâu được làm bằng với kích thước trâu thật sẽ được rước từ đền Bạch Mã đến bờ sông Hồng để làm lễ “hóa” tiến Xuân Ngưu - một nghi thức quan trọng của hội đền Bạch Mã. Vào đầu giờ chiều, đội tế nữ của đền Bạch Mã sẽ dâng hương lễ Thánh.

Vào buổi sáng ngày cuối cùng của Lễ hội đền Bạch Mã, các cụ ông trong trang phục truyền thống của đội tế nam đền Bạch Mã tập trung tại đền để làm Lễ tế Thánh.

Buổi chiều, các đội tế nam và dâng hương nữ của các ngôi làng gần xa đền Bạch Mã vào làm Lễ tế Thánh. Sau khi các làng lân cận làm lễ xong sẽ chính thức kết thúc là Lễ tế giã hội của đội tế nam đền Bạch Mã.

Ngoài những nghi lễ quan trọng, còn có các chương trình vui chơi ngày hội cho đông đảo du khách thập phương và người dân trong vùng như: chầu văn, ca trù, chèo, quan họ; trình diễn võ thuật phục vụ nhân dân tại sân khấu ngoài trời và trong sân đình đền Bạch Mã./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tham-den-bach-ma-ngoi-den-thieng-tran-phia-dong-kinh-thanh-thang-long-post941446.vnp