Thái Lan nâng trần nợ công để phục hồi nền kinh tế

Chính phủ Thái Lan đã quyết định nâng trần tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 60% lên 70%, điều sẽ cho phép tiếp tục vay nợ để phục hồi nền kinh tế bị phá hủy bởi đại dịch COVID-19.

Cảnh vắng vẻ tại một cửa hàng tiện ích ở Bangkok, ngày 19/7/2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh vắng vẻ tại một cửa hàng tiện ích ở Bangkok, ngày 19/7/2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông sở tại đưa tin quyết định nói trên được Ủy ban Chính sách Tài khóa và Tiền tệ Nhà nước do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì đưa ra hôm 20/9. Ủy ban này bao gồm đại diện của Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT), Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) và Cục Ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith nói rằng quyết định này nhằm mang lại cho Chính phủ nhiều không gian tài chính hơn nếu Chính phủ có nhu cầu vay thêm tiền để thực hiện các chính sách tài chính trung hạn. Ông Arkhom đảm bảo rằng Chính phủ Thái Lan vẫn có khả năng trả nợ. Ông cho biết việc sửa đổi mức trần nợ công phù hợp với Mục 50 của Luật Kỷ luật Tài chính và Tài khóa Nhà nước năm 2018.

Tờ Bangkok Post dẫn lời một nguồn tin trong Bộ Tài chính Thái Lan nói rằng quyết định tăng trần nợ công phù hợp với tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khi Chính phủ tăng gánh nặng tài chính để phục hồi nền kinh tế đang yếu đi. Năm ngoái, Chính phủ Thái Lan đã ban hành sắc lệnh vay khẩn cấp 1.000 tỷ baht (khoảng 30 tỷ USD) để tài trợ cho các chương trình kích thích nhằm đương đầu với đại dịch COVID-19. Một sắc lệnh thứ hai đã được ban hành trong năm nay cho phép Chính phủ vay thêm 500 tỷ baht nữa.

BoT trước đó đã thúc giục Chính phủ Thái Lan vay thêm 1.000 tỷ baht để giải quyết tác động kinh tế nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn của đất nước.

Thống đốc BoT Sethaput Suthiwartnarueput trước đó cho biết BoT thấy việc Chính phủ Thái Lan vay thêm 1.000 tỷ baht, chiếm 7% GDP của đất nước, là hợp lý. Một động thái như vậy sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công của Thái Lan lên 70% GDP vào năm 2024.

Ông Sethaput nhận định nếu Chính phủ Thái Lan đi vay ngay bây giờ để hỗ trợ mở rộng kinh tế trong 10 năm tới thì sẽ tốt hơn là đi vay sau đó. Thống đốc BoT cho biết thêm rằng nếu Chính phủ có thể duy trì sự ổn định tài khóa hiện tại thì việc nợ công nếu có đạt đỉnh 70% GDP cũng không phải là vấn đề.

Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul mới đây cho rằng việc nâng trần nợ công là cần thiết để Chính phủ Thái Lan có đủ tiền để vực dậy và thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Sanan nhận xét nền kinh tế đã phải gánh chịu thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỷ baht do đại dịch COVID-19 gây ra kể từ đầu năm nay. Phòng Thương mại Thái Lan đã thúc giục Chính phủ Thái Lan đẩy nhanh việc chi tiêu các khoản vay hiện tại và đưa ra kế hoạch vay thêm để phục hồi nền kinh tế.

Một nguồn tin khác trong Bộ Tài chính Thái Lan cũng nói rằng việc sửa đổi trần nợ công phải được trình bày trước Nội các trước khi được công bố trên Công báo Hoàng gia.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) Kulaya Tantitemit cho biết Bộ Tài chính Thái Lan sẽ bơm thêm tiền vào hệ thống kinh tế trong quý IV/2021 để cải thiện hơn nữa nền kinh tế đang yếu đi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài. Bà Kulaya nói rằng số tiền mới được bơm vào trong quý IV/2021 có thể cao hơn so với kế hoạch trước đó cho quý cuối cùng của năm nay. Số tiền được bơm vào nền kinh tế sẽ chủ yếu đến từ ba nguồn: khoản vay 500 tỷ baht theo sắc lệnh vay khẩn cấp thứ hai, ngân sách tài khóa 2022 và ngân sách đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-nang-tran-no-cong-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-20210922103540119.htm