Thái Lan: Mô hình nông nghiệp hợp tác giúp nông dân thoát nghèo

Theo số liệu của Ủy ban Phát triển kinh tế xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC), năm 2021, Thái Lan có khoảng 8,1 triệu người nghèo và có 4,4 triệu trong số này đang sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Trong thời gian qua, Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực tới tận cơ sở để nỗ lực giúp những người nông dân nghèo khó tăng thu nhập, thoát nghèo.

Những dàn mướp trĩu quả trong vườn của bà con nông dân.

Có dịp tới thăm một khu dân cư ở xã Baan Nong Krating, huyện Sanam Chai Khet, tỉnh Chachoengsao, chúng tôi được bà Prathum Panakurn, trưởng xóm 20, đưa tới thăm những khu vườn trồng rau của bà con trong xóm. Từng khoảnh vườn xanh mướt, trồng đủ loại các loại rau xanh như ớt, rau muống, húng… nằm sát nhau trên khoảnh đất rộng gần 3 héc-ta. Những cây đu đủ trĩu quả trồng cạnh những dàn mướp, đỗ với vô số quả to nhỏ treo lúc lỉu. Trong cái lán nho nhỏ giữa khu ruộng, mấy bà nông dân tụ tập buôn chuyện rôm rả cạnh sạp hàng chất đầy những sản phẩm rau củ vừa thu hoạch từ khu vườn.

Nhìn khung cảnh vườn tược tươi tốt, làng quê yên bình như ngày nay, ít ai biết được, chỉ một vài năm trước, nơi đây từng là một vùng đất hoang không thể canh tác nông nghiệp, lại thường xuyên bị voi rừng quấy phá. Quỹ Bajarasudha Gajanurak thuộc Hoàng gia Thái Lan đã triển khai một dự án bảo tồn, thiết lập một hệ thống giám sát và theo dõi các đàn voi cũng như hệ thống cảnh báo thông minh đồng thời đào hồ nước, tạo vùng trồng cỏ cho các đàn voi trong khu bảo tồn, từ đó giúp chấm dứt nạn voi rừng xâm phạm các khu dân cư.

Những dàn mướp trĩu quả trong vườn của bà con nông dân.

Sau đó, với sự hỗ trợ của Viện thông tin Nông nghiệp và Thủy lợi Thái Lan và chính quyền địa phương, bà con nông dân trong xã Baan Nong Krating đã triển khai một dự án nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp hợp tác trên mảnh đất hoang này. Bà Prathum cho biết: “Đây là khu vực đất công có diện tích 17 rai (khoảng gần 3ha). Chúng tôi dùng hình thức bốc thăm để chia thửa cho bà con trong xóm. Mỗi người tham gia dự án sẽ được chia một thửa có diện tích khoảng 750 mét vuông. Hiện tại, có khoảng 35 gia đình trong xóm tham gia dự án này”.

Phần lớn những nông dân tham gia dự án đều là những người không có đủ đất làm ruộng, nhiều người thậm chí còn không có đất. Khi tham gia dự án này, họ được chia đất làm ruộng. Họ không phải trả phí thuê đất mà chỉ phải trả tiền nước tưới tiêu. Để hỗ trợ người dân trong việc tưới tiêu, Viện Tin học Thủy văn đã áp dụng kỹ thuật sản xuất điện từ năng lượng mặt trời cấp điện cho hệ thống tưới tiêu. Hệ thống bao gồm một máy bơm công suất 2 sức ngựa, sử dụng nguồn điện do 9 tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra để bơm nước từ hồ chứa lên bồn chứa phía trên. Từ đó, nước theo đường ống nước dẫn tới các thửa ruộng. Với hệ thống này, mỗi hộ chỉ phải trả 2 bạt cho một khối nước tưới. Số tiền thu được chủ yếu được dùng cho mục đích duy trì, vận hành hệ thống tưới nước.

Hệ thống phát điện dùng năng lượng mặt trời dùng cho máy bơm nước tưới tiêu.

Theo bà Prathum, trước đây, do không có việc làm nên người dân nơi đây thường phải nhận làm việc vặt kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên kể từ ngày dự án này được triển khai, họ đã không còn phải đi làm thêm nữa mà ở nhà trồng cây, rau củ quả, và đều có thêm nguồn thu nhập tốt cho cuộc sống.

Bà chia sẻ, ban đầu dự án được triển khai chỉ với mục tiêu tăng thêm thu nhập của người dân. Tuy nhiên, hiện nay đây đã trở thành nguồn thu nhập chính của rất nhiều gia đình. Mặc dù thu nhập của từng hộ gia đình còn tùy thuộc vào loại cây, rau mà họ trồng trên mảnh vườn của mình, nhưng ít nhất thì cũng thu được gần 10.000 bạt. Cá biệt, có những hộ đạt thu nhập lên tới 30 đến 40 nghìn bạt/tháng.

Bà Prathum Panakurn, trưởng xóm 20.

Khi thấy nhóm phóng viên vào thăm quan khu vườn, mấy bác nông dân vui vẻ bắt chuyện với chúng tôi. Khi được hỏi về cuộc sống sau khi tham gia hợp tác xã, bà Ratri Phonphimon, hồ hởi khoe: “Ngày trước tôi phải đi làm thuê, rất vất vả mà thu nhập cũng chỉ được khoảng 300 bạt một ngày. Công việc thì thất thường, lúc có lúc không nên thu nhập không đủ chi tiêu. Bây giờ thì cuộc sống khá hơn rồi. Tôi có thể kiếm đủ tiền để trang trải chi phí cho gia đình và cho con cháu tới trường học”.

Tiến sĩ Royboon Rassameethes, Phó Giám đốc Viện thông tin Nông nghiệp và Thủy lợi Thái Lan, cho biết, ban đầu, Dự án “Làng Gajanurak” được triển khai thí nghiệm ở 8 khu làng, sau đó đã được mở rộng thêm 43 khu làng khác. Hiện nay, tổng cộng có 51 khu làng đã triển khai mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu này, chiếm 17% trong tổng số 299 khu làng bị ảnh hưởng bởi nạn voi rừng tàn phá trên khắp Thái Lan.

Dự án nông nghiệp hợp tác ở Baan Nong Krating chỉ là một trong số rất nhiều dự án hỗ trợ người nông dân đang được triển khai tại Thái Lan. Cùng với các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nhằm giảm gánh nặng của người nghèo, cũng như các biện pháp nhằm tăng sức mua và giảm các khoản phí tiện ích, thì những dự án này đã góp phần rất lớn trong thành tựu giảm nghèo mà Thái Lan đã đạt được.

Một khu trồng đỗ ở Baan Nong Krating.

Trong một báo cáo mới đây, UNDP đánh giá Thái Lan là nước đạt nhiều tiến bộ nhất về xóa đói giảm nghèo trong số các nước ASEAN. Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) của Thái Lan đạt 0,002, thấp nhất trong số các nước ASEAN được khảo sát, thí dụ như: Myanmar (0,176), Lào (0,108), Campuchia (0,070), Philippines (0,024), Indonesia (0,014) và Việt Nam (0,008).

Theo đó, chỉ trong 7 năm, Thái Lan đã thành công trong việc giảm một nửa số người nghèo từ 961.000 người năm 2012 xuống chỉ còn 412.000 trong năm 2019, trở thành trở thành một trong 25 quốc gia giảm một nửa giá trị MPI toàn cầu trong vòng 15 năm.

Còn theo bản báo cáo mới nhất của Ủy ban Phát triển kinh tế xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) vừa công bố, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, những nỗ lực giảm nghèo của Thái Lan đã giúp đưa tỷ lệ người nghèo ở quốc gia này giảm xuống đáng kể. Trong năm 2017, có 7,87% số người dân Thái có thu nhập dưới 2.686 bạt/tháng nhưng đến năm 2021, chỉ có 6,32% dân số Thái Lan sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập hằng tháng dưới 2.803 bạt. Trong bản Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 12 mà Chính phủ của cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đưa ra, Thái Lan đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo khổ xuống dưới mức 6,5%.

Báo cáo của NESDC cho biết, năm 2021, Thái Lan có khoảng 8,1 triệu người nghèo và có 4,4 triệu trong số này đang sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Tuy nhiên, con số này đã thấp hơn đáng kể so mức 4,7 triệu của năm 2021.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/thai-lan-mo-hinh-nong-nghiep-hop-tac-giup-nong-dan-thoat-ngheo-184405.html