Thái Lan đạt thỏa thuận đề xuất miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế

Khách du lịch tại Lamphun, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

* Hàn Quốc để ngỏ phương án cấm du khách nước ngoài nhập cảnh

Ngày 10/6, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) và các hiệp hội du lịch Thái Lan đã đạt thỏa thuận đề xuất miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế và gia hạn thời gian nhập cảnh từ 30 lên 45 ngày đối với các du khách đến từ các quốc gia không yêu cầu thị thực trong nửa cuối năm 2022.

Tổng Cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn cho rằng việc giới hạn thị thực nhập cảnh trong 30 ngày không phù hợp với tình hình vì hiện tại khách du lịch muốn thực hiện các chuyến đi dài ngày hơn. Điều này được thể hiện qua mức chi trung bình của mỗi du khách tăng từ 47.000 baht (khoảng 1.350 USD) lên 77.000 baht (2.220 USD).

Ông Yuthasak Supasorn nhấn mạnh đối với những khách du lịch chi tiêu cao, lệ phí thị thực có thể là không đáng kể nhưng nếu họ có thể tiết kiệm chi phí này thì sẽ có thêm tiền để chi tiêu khi đi du lịch trên khắp đất nước, điều này sẽ trực tiếp kích thích kinh tế địa phương.

Hiện Thái Lan đã miễn thị thực cho công dân đến từ 56 quốc gia nhưng thời hạn lưu trú không quá 30 ngày. Trong khi đó, du khách đến nhiều quốc gia khác, trong đó có các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, vẫn phải xin thị thực và nộp lệ phí cho thời gian lưu trú không quá 60 ngày.

Nhiều du khách đã lựa chọn xin cấp thị thực khi đến (VoA) nhưng hình thức này chỉ cho phép ở lại Thái Lan tối đa 15 ngày.

Ngoài vấn đề du lịch, các bên cũng thống nhất đề xuất dỡ bỏ các hạn chế về thời gian hoạt động dịch vụ giải trí vào ban đêm, giảm các địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang, dừng việc kiểm tra thân nhiệt tại các khu vực.

Ngoài ra, hầu hết đại diện đến từ hiệp hội du lịch cũng ủng hộ đề xuất của TAT về việc bỏ áp dụng Thẻ thông hành Thái Lan (Thai Pass), có nghĩa là các yêu cầu đối với du khách đến nước này sẽ chỉ bao gồm giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và bảo hiểm y tế.

Các đề xuất trên dự kiến sẽ được đệ trình lên Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xem xét thông qua trong tuần tới.

* Tân Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Peck Kyong-ran vừa cho biết nước này có thể xem xét áp dụng trở lại lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài nếu xuất hiện thêm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây tử vong hoặc các bệnh truyền nhiễm mới.

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên, trên cương vị Giám đốc KDCA, bà Peck Kyong-ran nhấn mạnh: “Nếu một biến thể mới được phát hiện có khả năng gây tử vong cao hơn biến thể Delta, về cơ bản có thể cần phải có lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài”.

Bà cũng kêu gọi sự đồng thuận trong xã hội về việc có nên bỏ quy định tự cách ly 7 ngày bắt buộc đối với người mắc COVID-19 hay không khi lưu ý rằng không cách ly những người nhiễm bệnh có thể khiến virus SARS-CoV-2 lây lan, gây tổn hại sức khỏe cộng đồng và tạo thêm gánh nặng về tài chính cũng như các vấn đề xã hội khác.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, khi còn đang giữ chức Giám đốc Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc đồng thời là Giáo sư tại Trung tâm Y tế Samsung, bà Peck Kyong-ran, đã kêu gọi chính phủ ngay lập tức cấm công dân nước ngoài nhập cảnh với lý do thiếu nguồn lực y tế. Hơn nữa, sẽ phải trang bị thiết bị phiên dịch cho nhân viên y tế khi điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài để đảm bảo giao tiếp.

Giám đốc Peck Kyong-ran giải thích thêm rằng việc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài có thể giúp Chính phủ Hàn Quốc có thời gian chuẩn bị ứng phó tốt hơn với đại dịch.

Do đó, mặc dù tình hình dịch COVID-19 trong nước hiện đã tương đối ổn định, song chính phủ vẫn có thể xem xét cấm du khách nước ngoài nhập cảnh nếu một biến thể gây tử vong hơn Delta xuất hiện trong tương lai.

Bên cạnh đó, KDCA cũng sẽ đưa ra các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 dựa trên dữ liệu khoa học, sử dụng thông tin tích lũy được trong vài năm qua.

Bà Peck Kyong-ran nói: “Chúng tôi sẽ thiết lập một nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) để thu thập dữ liệu về các bệnh truyền nhiễm và đưa ra các biện pháp ứng phó với đại dịch một cách bền vững, phù hợp hơn để giảm xung đột xã hội”.

Ngoài ra, KDCA cũng sẽ ứng phó với nguy cơ có thể xuất hiện thêm các bệnh truyền nhiễm khác như virus đậu mùa khỉ hoặc viêm gan cấp tính ở trẻ em vốn đã được ghi nhận ở nhiều nước khác.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/277577/thai-lan-dat-thoa-thuan-de-xuat-mien-le-phi-thi-thuc-cho-khach-quoc-te.html