Thái Lan: Đảng Tiến bước chưa thể 'tiến thêm một bước'

Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết có bằng chứng cho thấy ứng cử viên hàng đầu để trở thành thủ tướng tiếp theo - lãnh đạo Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat, một nhà cải cách được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các cử tri trẻ tiến bộ, đã vi phạm luật bầu cử và đã đưa vụ việc của ông ra Tòa án Hiến pháp.

Diễn biến bất ngờ này được công bố ngay trước khi Nghị viện Thái Lan tiến hành bầu Thủ tướng khiến tương lai chính trị của nhà lãnh đạo Đảng Tiến bước trở nên khó đoán.

Rắc rối pháp lý

Quyết định của Ủy ban bao gồm yêu cầu Tòa án Hiến pháp đình chỉ tư cách thành viên Nghị viện của lãnh đạo Đảng Tiến bước Pita Limjaroenratcho đến khi ban hội thẩm đưa ra phán quyết.

Vi phạm bị cáo buộc liên quan đến quyền sở hữu cổ phần của công ty truyền thông không được khai báo, vốn bị cấm đối với các nhà lập pháp. Tòa án cũng cho biết họ sẽ xem xét đơn khiếu nại cho rằng ông Pita và đảng của ông có thể đã vi phạm luật khi đề xuất sửa đổi điều khoản pháp lý nghiêm ngặt của Thái Lan chống lại việc bôi nhọ chế độ quân chủ.

Ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan của Đảng Tiến bước Pita Limjaroenratcho. Ảnh: Nation Herald

Ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan của Đảng Tiến bước Pita Limjaroenratcho. Ảnh: Nation Herald

Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã họp trong ngày 12.7, nhưng chưa rõ khi nào sẽ ra phán quyết về vụ việc. Tòa án cho biết, có thể cần một số quyết định để xem xét các vấn đề.

Theo quy định của Thái Lan, ngay cả khi bị đình chỉ tư cách nghị sĩ, ông Pita vẫn có thể tranh cử Thủ tướng. Tuy nhiên động thái này của Ủy ban Bầu cử sẽ khiến chặng đường của ông Pita thêm khó khăn. Ông hiện vẫn còn thiếu 64 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng của Nghị viện diễn ra trong ngày 13.7. Nhưng nếu bị xác định phạm luật, ông Pita có thể bị cấm hoạt động chính trị và đối mặt với án tù đến 10 năm.

Chính trị gia 42 tuổi này khẳng định ông không làm gì sai và số cổ phần trong Đài truyền hình ITV là do ông được thừa kế. Đài này đã không hoạt động vài năm qua.

Đảng Tiến bước, với cương lĩnh cải cách tiến bộ, đã bất ngờ cán đích ở vị trí đầu tiên trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, giành được 151 ghế trong Hạ viện 500 thành viên và giành được nhiều phiếu phổ thông nhất. Đảng Tiến bước đã tập hợp một liên minh gồm 8 đảng với 311 ghế mà họ đã lên kế hoạch nắm quyền.

Nhưng con đường lên nắm quyền của Pita sẽ rất khó khăn vì ông phải giành được 376 phiếu bầu trong một phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện không qua bầu cử, trong đó, 250 ghế Thượng viện là thuộc phe bảo hoàng. Thượng viện phần lớn đại diện cho cơ sở cầm quyền truyền thống của Thái Lan, họ nghi ngờ các đề xuất của Đảng Tiến bước về những cải cách đối với chế độ quân chủ sẽ gây nguy hiểm cho thể chế hoàng gia, nơi mà họ coi là trung tâm của bản sắc dân tộc của người Thái.

Đảng của ông Pita đã phản ứng lại quyết định của Ủy ban Bầu cử bằng cách đặt câu hỏi về tính công bằng và thậm chí là tính hợp pháp của nó. Đảng này cũng cáo buộc các quyết định của Ủy ban là vội vàng một cách không cần thiết và vi phạm các thủ tục của chính nó khi không gọi cho ông Pita để đưa ra tuyên bố.

Ủy ban trước đó khẳng định họ đã hành động một cách công bằng và minh bạch bất chấp những cáo buộc của Đảng Tiến bước cho rằng các thành viên của ủy ban đã thiên vị, phạm tội hoặc thực hiện nhiệm vụ một cách sai trái, một tội danh có thể bị phạt tù 10 năm và phạt tiền.

Đơn khiếu nại chống lại ông Pita, do một thành viên của đảng đối thủ đệ trình, cáo buộc ông ra tranh cử vào năm 2019 trong khi không kê khai cổ phần của mình trong một công ty truyền thông.

Vụ việc mà Ủy ban chuyển đến tòa án cáo buộc ông Pita cố tình ra tranh cử khi biết rằng mình không đủ tư cách ứng cử, một hành vi vi phạm hình sự có thể bị phạt tù tối đa ba năm và/hoặc phạt tiền lên tới 60.000 baht (1.720 USD). Đảng này cũng sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 100.000 baht (2.865 USD).

Nguy cơ hủy bỏ kết quả bầu cử lập pháp

Phó Thủ tướng tạm quyền Wissanu Krea-ngam, cố vấn pháp lý hàng đầu của chính phủ, đã được trích dẫn nói rằng phán quyết chống lại ông Pita có thể là cơ sở để hủy bỏ kết quả bầu cử tháng 5 và tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Kể từ cuộc bầu cử, đã có những lo ngại rằng giới cầm quyền bảo thủ của Thái Lan sẽ sử dụng những gì mà các đối thủ chính trị của họ coi là thủ đoạn để nắm giữ quyền lực. Trong một thập kỷ rưỡi qua, tòa án và các cơ quan nhà nước vốn được cho là độc lập như Ủy ban Bầu cử đã được sử dụng để đưa ra các phán quyết gây tranh cãi.

Việc giải thể vào năm 2019 của đảng Hướng tới Tương lai, tiền thân của đảng Tiến bước, đã gây ra các cuộc biểu tình đường phố mạnh mẽ, và chỉ kết thúc khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Vài giờ sau khi Ủy ban Bầu cử tuyên bố chuyển vụ kiện nắm giữ cổ phần, Tòa án Hiến pháp cho biết họ đã chấp nhận một đơn thỉnh cầu riêng biệt chống lại Đảng Tiến bước và ông Pita liên quan đến lời hứa trong chiến dịch tranh cử của họ về việc sửa đổi luật khi quân khắc nghiệt của Thái Lan.

Đạo luật, còn được gọi là Điều 112, quy định án tù từ 3 đến 15 năm đối với tội phỉ báng nhà vua, gia đình trực hệ của ông hoặc nhiếp chính. Những người chỉ trích luật nói rằng đạo luật này đang bị lạm dụng cho các mục đích chính trị và Đảng Tiến bước muốn có những thay đổi để kiềm chế những lạm dụng như vậy, điều mà đảng này cho rằng thực sự gây tổn hại đến danh tiếng của chế độ quân chủ.

Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng rõ ràng từ chối mọi nỗ lực sửa đổi luật và các tòa án đôi khi coi chính những đề xuất như vậy là tương đương với việc vi phạm luật. Quân đội và tòa án tự coi mình là những người bảo vệ kiên quyết của chế độ quân chủ, và tất cả các thành viên Thượng viện ủng hộ quan điểm này.

Nếu tòa án đồng ý rằng hành động của bị cáo cấu thành ý định cố gắng lật đổ chế độ quân chủ lập hiến - một điều khoản riêng biệt từ Điều 112 - thì ông Pita, mặc dù sẽ không phải chịu chế tài hình sự nhưng có thể bị phải ngừng mọi hoạt động liên quan đến sửa đổi được đề xuất, và có thể bị truy tố nếu tiếp tục.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thai-lan-dang-tien-buoc-chua-the-tien-them-mot-buoc-i335918/