Thái Lan có số ca tử vong cao nhất, Philippines thêm 10.035 ca mắc mới

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan, ngày 17/8, nước này đã ghi nhận thêm 239 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ trước tới nay tại nước này, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh lên 7.973 ca.

Thái Lan cũng ghi nhận thêm 20.128 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 948.442 người. Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 vẫn trên 20.000 ca/ngày, nhưng ngày 17/8 cũng là ngày thứ tư liên tiếp, số ca mắc mới duy trì đà giảm, làm dấy lên hy vọng rằng các biện pháp phong tỏa từng phần như hạn chế đi lại, đóng cửa các trung tâm mua sắm và áp đặt các lệnh giới nghiêm vào ban ngày và ban đêm tại những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh có thể kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực đảm bảo có thêm vắc xin ngừa COVID-19 và đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số gần 70 triệu dân của nước này vào cuối năm nay. Theo CCSA, tính tới ngày 16/8, Thái Lan đã sử dụng hơn 24 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, với 7,4% trong tổng dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

Trong khi đó, cùng ngày, Philippines ghi nhận thêm 10.035 ca mắc mới và 96 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.765.675 ca, trong đó có 30.462 ca tử vong. Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, số ca mắc mới trung bình hằng ngày ở nước này đã lên tới gần 13.000 ca từ ngày 10-16/8. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 16,5 triệu người trong tổng số 110 triệu dân của nước này.

Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia đã thống nhất mức giá xét nghiệm PCR trên cả nước sau một thời gian dài xảy ra tình trạng chi phí xét nghiệm PCR ở các khu vực chênh lệch quá lớn từ 500.000-1.000.000 rupiah (khoảng 34,8-70 USD). Tổng Giám đốc Cơ quan Dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Indonesia, ông Abdul Kadir cho biết bộ này đã thống nhất mức giá xét nghiệm PCR là 495.000 rupiah đối với các khu vực ở đảo Java-Bali và 525.000 rupiah với các khu vực bên ngoài đảo Java-Bali. Ngoài ra, thời gian trả kết quả xét nghiệm PCR nhiều nhất là 24 giờ sau đó. Trước đó, có những nơi, việc trả kết quả xét nghiệm PCR kéo dài đến 6-8 ngày.

Cùng ngày, quan chức Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết một trong những nguyên nhân khiến số liệu thống kê số ca mắc mới COVID-19 trong ngày thấp đi là do số lượng xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh COVID-19 giảm đáng kể. Trong hai ngày 15-16/8, cả nước ghi nhận chưa đến 100.000 trường hợp đi xét nghiệm. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến việc thống kê số liệu ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Indonesia.

Liên quan tới chương trình tiêm phòng ngừa COVID-19, Bộ Y tế Indonesia thông báo đặt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 vào cuối tháng 8 này, phù hợp với số lượng lớn vắc xin nước này vừa tiếp nhận.

Phát biểu họp báo tối 16/8, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin bày tỏ lạc quan rằng mục tiêu tiêm vắc xin nói trên là khả thi vì hiện các nhân viên y tế nước này đã tiêm được 1,6 triệu mũi trong ngày 15/8. Sự lạc quan này ngày càng có cơ sở hơn khi Indonesia từng mất tới bảy tháng (từ ngày 13/1 đến ngày 8/7) để đạt mốc 50 triệu mũi tiêm, nhưng đã đạt 30 triệu mũi tiêm chỉ từ ngày 9/7 đến ngày 15/8.

Mặt khác, về cung ứng vắc xin, Indonesia mất tới 7 tháng để có được 90 triệu liều vắc xin, song chỉ trong một tháng qua, nước này đã tiếp được thêm 70 triệu liều vắc xin. Theo số liệu thống kê cập nhật đến 16/8, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ nhất cho 54.382.680 người, trong khi 28.524.986 người khác đã được tiêm đầy đủ hai mũi. Indonesia triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia từ ngày 13/1.

Tại Nhật Bản, ngày 17/8, số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đã tăng cao kỷ lục lên 1.646 người, tăng 43 ca so với một ngày trước đó. Đây là ngày thứ năm liên tiếp số bệnh nhân nguy kịch lập mốc cao mới. Điều này khiến cho hệ thống y tế của nhiều tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, đang rơi vào tình trạng căng thẳng.

Cùng ngày 17/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 7 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/8.

Các tỉnh được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp lần này gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka. Đây đều là những tỉnh đã nằm trong danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm.

Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura cảnh báo tình hình dịch bệnh hiện nay đang tiến gần mức “thảm họa” và nhiều người có thể sẽ không qua khỏi, trong khi đáng ra có thể cứu được.

Theo Bộ trưởng Nishimura, số ca mắc mới hàng ngày đang ở mức "cực kỳ cao" trên toàn quốc, có một số ngày vượt ngưỡng 20.000 ca. Trong khi đó, nguồn lực y tế đang căng thẳng, đặc biệt là ở thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận.

Cùng với việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 5 tỉnh khác, gồm Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa tới ngày 12/9, đồng thời đưa thêm 10 tỉnh vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, gồm Miyagi, Toyama, Yamanashi, Gifu, Mie, Okayama, Hiroshima, Kagawa, Ehime và Kagoshima.

Như vậy, tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 sẽ bao phủ 13 tỉnh, thành, trong khi khu vực phòng dịch trọng điểm sẽ mở rộng ra 16 tỉnh. Cả hai biện pháp này sẽ có hiệu lực tới ngày 12/9. Trong tình trạng khẩn cấp, các nhà hàng và quán bar phục vụ đồ uống có cồn và dịch vụ karaoke được yêu cầu đóng cửa, trong khi các cửa hàng không phục vụ đồ uống có cồn sẽ phải đóng cửa vào lúc 20 giờ.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã đảm bảo đủ vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm mũi thứ ba cho người dân nhằm tăng khả năng miễn dịch. Phát biểu trên một chương trình truyền hình của Nippon TV, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono - người phụ trách chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, thông báo đã có đủ vắc xin để tiêm mũi bổ sung cho những người đã hoặc sẽ tiêm hai mũi vắc xin của Pfizer hoặc Moderna vào cuối năm nay.

Theo Bộ trưởng Kono, Chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 50 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của hãng Moderna trong năm 2022. Bên cạnh đó, Nhật Bản và hãng Pfizer đã “nhất trí về việc cung ứng vắc xin cho chương trình tiêm mũi bổ sung”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kono cho biết chính phủ sẽ cân nhắc tiêm mũi bổ sung chủ yếu cho các nhân viên y tế và người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu.

Nhật Bản bắt đầu chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân từ ngày 17/2, với đối tượng ưu tiên trong thời gian đầu là các nhân viên y tế. Đến ngày 12/4, Nhật Bản bắt đầu tiêm cho khoảng 36 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và sau đó mở rộng dần đối tượng tiêm chủng.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, đến ngày 16/8, hơn 63,23 triệu người dân ở nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong đó hơn 47,8 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/262765/thai-lan-co-so-ca-tu-vong-cao-nhat-philippines-them-10-035-ca-mac-moi.html