Thách thức xóa lỗ lũy kế của Công ty Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam

Dù còn hơn 133 tỷ đồng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2023, nhưng CTCP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC, mã VIG - HNX) vẫn đặt mục tiêu xóa hết lỗ trong năm 2024.

Chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phần

Ngày 10/4 tới, VISC tổ chức kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, với nội dung đáng chú ý là trình thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, nhằm đảm bảo tăng cường nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2024, HĐQT trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với số lượng chào bán dự kiến là 50 triệu cổ phần, giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

VISC cho biết, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, cổ đông đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nhưng do thị trường chứng khoán năm 2023 có những diễn biến chưa thuận lợi, nên HĐQT và Ban Tổng giám đốc chưa triển khai thực hiện.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp theo phương án này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Thời gian dự kiến phát hành vào quý III/2024 hoặc đại hội đồng cổ đông ủy quyền HĐQT chọn thời gian thích hợp sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Nếu thành công, vốn điều lệ của VISC sẽ tăng từ 451 tỷ đồng lên 951 tỷ đồng.

Về phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán, dự kiến cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán tối thiểu 400 tỷ đồng, tối đa 450 tỷ đồng; dùng cho hoạt động tự doanh với mức tối thiểu 50 tỷ đồng, tối đa 100 tỷ đồng. Tùy điều kiện thực tế và biến động của thị trường chứng khoán, giá trị giải ngân các nghiệp vụ ghi trong phương án sử dụng vốn có thể thay đổi.

Nguồn vốn nào để xóa hết lỗ lũy kế?

Ngoài việc bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, Tờ trình của VISC còn nêu mục đích của đợt phát hành là sử dụng thặng dư vốn cổ phần thu được từ đợt phát hành để xóa một phần lỗ lũy kế.

Cần nhắc lại, nội dung này đã được VISC nêu ra và được đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2023, nhưng mức giá chào bán dự kiến thời điểm đó là 12.000 đồng/cổ phần.

Theo quy định tại Thông tư 19/2003/TT-BTC, “chênh lệch do giá phát hành thêm cổ phiếu mới lớn hơn so với mệnh giá phải được hạch toán vào tài khoản thặng dư vốn”. Như vậy, nếu VISC bán được số cổ phần phát hành riêng lẻ trên với giá cao hơn giá chào bán lần này (10.000 đồng/cổ phần), thì mới có thể ghi nhận vào thặng dư vốn. Đây sẽ là thách thức cho VISC, khi cổ phiếu VIG đang giao dịch quanh mức 8.500 đồng/cổ phiếu.

Theo mục tiêu dự kiến trình đại hội đồng cổ đông, VISC sẽ thực hiện xóa hết lỗ lũy kế trong năm nay bằng nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn thặng dư vốn khác. Công ty sẽ không phân phối lợi nhuận năm 2023 và cả năm 2024.

Báo cáo tài chính (đã kiểm toán) năm 2023 của VISC cho thấy, Công ty ghi nhận lãi sau thuế đạt 31,06 tỷ đồng. Nhờ đó, lỗ lũy kế của Công ty giảm từ 164,64 tỷ đồng (ngày 31/12/2022) xuống còn 133,57 tỷ đồng (ngày 31/12/2023).

Tính tới ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VISC đạt 347,8 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước. Trong năm 2023, VISC tiếp tục ghi nhận khoản dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu là hơn 65 tỷ đồng. Thực chất, đây là trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu khó đòi của Công ty.

Về nguồn vốn, Công ty gần như không có nợ vay, nguồn tài trợ dài hạn chủ yếu từ vốn chủ sở hữu 336 tỷ đồng. Công ty cũng đang ghi nhận giá trị thặng dư vốn cổ phần là 14,6 tỷ đồng.

Năm 2024, VISC đặt mục tiêu doanh thu 86 tỷ đồng, lãi sau thuế 33,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 77% và 36% so với thực hiện năm trước. Như vậy, nếu sử dụng cả phần thặng dư vốn hiện có và lợi nhuận năm 2024 “về đích” đúng kế hoạch, VISC còn gần 86 tỷ đồng lỗ lũy kế.

Tại Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 và kế hoạch năm 2024, ông Dương Quang Trung, Tổng giám đốc VISC cho biết, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn, P/E của VN-Index bằng 13,9 lần. VISC dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 đạt 15%, từ đó kỳ vọng, P/E của VN-Index sẽ phục hồi về mức trung bình 5 năm - khoảng 15 lần - do thị trường tài chính trở lại điều kiện bình thường.

Vì vậy, VISC tiếp tục trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua việc bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành. Đây là cơ sở để VISC triển khai các mảng nghiệp vụ tư vấn, như tư vấn niêm yết, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn tái cấu trúc.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thach-thuc-xoa-lo-luy-ke-cua-cong-ty-chung-khoan-dau-tu-tai-chinh-viet-nam-d212180.html