Thách thức với kế hoạch dời đô của Indonesia

Giữa lúc Indonesia chuẩn bị dời đô đến Nusantara, nhiều công chức nước này vẫn lưỡng lự chuyển đi vì những lý do khác nhau. Một số người thậm chí còn sẵn sàng từ chức.

Dwi (tên nhân vật được thay đổi), một công chức Indonesia, gần đây phải suy nghĩ về sự nghiệp và tương lai của mình. Tổng thống Joko Widodo ký dự luật dời đô vào ngày 15/2, và theo đó, các công chức cần chuyển từ Jakarta đến thủ đô mới mang tên Nusantara.

Các nhà chức trách cho biết động thái này là cần thiết để cứu Jakarta khỏi tình trạng ngập lụt và tắc nghẽn, cũng như thúc đẩy phát triển ở Kalimantan và miền Đông Indonesia. Tại Indonesia, phần lớn hoạt động kinh tế của đất nước vẫn tập trung ở Java, nơi đặt thủ đô hiện tại, theo Channel News Asia.

Nhưng Dwi, một bà mẹ ba con, không muốn chuyển từ Jakarta đến miền Đông Kalimantan, cách đó khoảng 2.000 km.

Lưỡng lự

“Cho đến bây giờ, tôi không chắc việc di chuyển sẽ tốt cho mình”, cô Dwi nói. Cô cho biết thêm rằng một trong những mối bận tâm của bản thân là việc người chồng đã có công việc ở Jakarta.

Cô cũng băn khoăn không biết thủ đô mới có thể cung cấp những gì cho ba đứa con của cô, hiện ở độ tuổi từ 2 đến 9.

Dwi không phải là công chức duy nhất do dự khi chuyển đến thủ đô mới Nusantara. Tin tức về các công chức phản đối việc di dời đến Nusantara cũng đã xuất hiện trong những ngày gần đây.

 Thủ đô Jakarta thường xuyên phải chống chọi với ngập lụt. Ảnh: Reuters.

Thủ đô Jakarta thường xuyên phải chống chọi với ngập lụt. Ảnh: Reuters.

Jason Kusuma (tên nhân vật được thay đổi), một công chức khác, cũng lo lắng về việc học hành của con cái. Đặc biệt, ông cho biết một đứa con của mình phải cần đến những phương pháp điều trị nhất định.

Hơn nữa, ông Kusuma có bố mẹ già yếu ở Jakarta, và ông có nghĩa vụ phải chăm sóc họ.

Nếu không có cách nào để từ chối việc di dời, Kusuma cho biết ông đã sẵn sàng sử dụng đến phương án cuối cùng. “Tôi có thể từ chức. Điều đó nằm trong danh sách các lựa chọn của tôi, nhưng tôi muốn chờ xem mọi thứ diễn biến như thế nào”, ông cho biết.

Trong khi đó, Budi Darmawan (tên nhân vật được thay đổi) đã không ngần ngại rời bỏ công việc của mình vào năm ngoái, khi biết chắc rằng việc dời đô sẽ xảy ra.

Đã phải di chuyển nhiều khi còn nhỏ do công việc của cha mình, Darmawan cho biết ông không muốn các con của mình có trải nghiệm tương tự, đặc biệt là khi vẫn chưa biết thủ đô mới sẽ như thế nào và cơ sở vật chất ở đó ra sao.

Sau đó, Darmawan đã thành lập công ty tư vấn của riêng mình, đồng thời khẳng định rằng bản thân không hối tiếc.

Việc di chuyển là bắt buộc

Một số nhân viên quân đội và cảnh sát dường như cũng lưỡng lự trong việc di dời. Phát biểu tại cuộc họp ngày 1/3, ông Widodo nói rằng những sĩ quan không được đặt câu hỏi về các nghị quyết của chính phủ, vốn đã được quyết định thông qua biện pháp dân chủ, chẳng hạn việc dời đô.

“Điều đó đã được quyết định bởi chính phủ, và đã được quốc hội thông qua. Theo kỷ luật của quân đội và công an thì điều này không còn gì phải bàn cãi ”, ông nói.

Nhiều công chức khác cũng đã cân nhắc về vấn đề này. Bộ trưởng Cải cách Hành chính và Quan liệu Tjahjo Kumolo cho biết trong một tuyên bố rằng Bộ của ông và các cơ quan liên quan vẫn đang hoàn thiện kế hoạch di dời. Họ vẫn phải dời đi vào năm 2024. Bên cạnh đó, ông Kumolo khẳng định rằng việc di dời là bắt buộc theo luật pháp.

Phát biểu tại một phiên thảo luận vào ngày 25/2, Usman Kansong, một quan chức thuộc Bộ Thông tin và Tin học Indonesia, cho biết có nhiều công chức còn không muốn di dời đến thủ đô mới.

"Tôi thậm chí đã nghe ai đó hỏi: Tôi có thể được phép chuyển sang làm công chức tỉnh Jakarta không?”, ông cho biết.

 Sau hàng chục năm đô thị hóa nhanh chóng, Jakarta đã trở nên quá đông đúc. Ảnh: New York Times.

Sau hàng chục năm đô thị hóa nhanh chóng, Jakarta đã trở nên quá đông đúc. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết chính quyền của ông có đủ công chức.

34 Bộ và một số cơ quan, tổ chức khác của Indonesia hiện có trụ sở chính tại Jakarta. Việc xây dựng thủ đô mới Nusantara sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn với kinh phí 33 tỷ USD. Giai đoạn đầu tiên, bao gồm xây dựng dinh thự và các cơ sở hạ tầng cơ bản như đường xá và nhà ở, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Giai đoạn cuối cùng của quá trình xây dựng được đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2045, với thủ đô mới được kết nối với các thành phố xung quanh như Balikpapan và Samarinda.

Chính phủ đã nói rằng Jakarta sẽ vẫn là trung tâm tài chính và kinh doanh của Indonesia.

Alex Denni, phụ tá của ông Kumolo, cho biết trong một tuyên bố rằng kế hoạch di dời bao gồm việc liệu các gia đình công chức có cần phải di chuyển cùng nhau và các khoản phụ cấp mà họ sẽ nhận được sau đó.

“(Tổng các khoản phụ cấp) cũng phụ thuộc vào chi phí sinh hoạt ở đó. Nó có thể ở dạng phụ cấp phương tiện đi lại”, ông nói.

Ông cũng nói với CNA rằng các công chức phải chấp nhận thực tế rằng họ có thể được điều đến những địa điểm khác.

“Liệu các công chức có hiểu rằng họ phải sẵn sàng được bố trí ở bất cứ đâu không? Nếu họ không bằng lòng, họ có thể tự do thôi việc”, ông nói.

Vân Đinh

Theo Channel News Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thach-thuc-voi-ke-hoach-doi-do-cua-indonesia-post1302157.html