Thách thức và cơ hội với du lịch ĐNA khi khách TQ chọn 'ở nhà'

Lượng khách Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn khiêm tốn sau đại dịch, nhưng các nước trong khu vực đã nhìn thấy cơ hội để khôi phục ngành du lịch.

Ngành du lịch Đông Nam Á phụ thuộc không nhỏ vào lượng du khách Trung Quốc (TQ). Tuy nhiên lượng khách TQ đến khu vực sụt giảm đáng kể sau đại dịch. Ngoài bất lợi trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng xu hướng này có thể thúc đẩy các nước trong khu vực xem xét việc đa dạng hóa thị trường cho ngành du lịch.

Khách Trung Quốc chọn “ở nhà”

Đã vào mùa du lịch nhưng lượng khách TQ đến thăm các quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa tăng cao. Dòng thác du khách đến từ TQ giúp thúc đẩy doanh thu du lịch, hỗ trợ Đông Nam Á phục hồi kinh tế hậu COVID-19 đã không xuất hiện như kỳ vọng.

Theo số liệu mới nhất do hãng tin Bloomberg công bố, lượng khách TQ đến 5 quốc gia Đông Nam Á trong tháng 5 chỉ bằng 14-39% so với mức của năm 2019. Ngay cả Thái Lan, một nước đang hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch, lượng khách TQ ghé thăm Thái Lan trong năm nay cũng được dự đoán sẽ thấp hơn ít nhất 2 triệu lượt so với mục tiêu 7 triệu mà nước này đặt ra.

Khách du lịch chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào đầu năm nay. Ảnh: REUTERS

Theo công ty chứng khoán PT Bahana Sekuritas (Indonesia), từ tháng 1 đến tháng 5, nhu cầu khách sạn hạng sang ở đảo nghỉ dưỡng Bali (Indonesia) giảm mạnh trong bối cảnh lượng khách du lịch từ TQ giảm đáng kể.

Tại Singapore, lượng du khách TQ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 đạt tổng cộng 310.901 người so với mức 1,55 triệu vào cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu từ hội đồng du lịch Singapore.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân TQ sụt giảm. Đầu tiên, sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của TQ khiến người dân nước này do dự hơn trong việc chi tiền ra nước ngoài. Trong quý II-2023, kinh tế TQ chứng kiến tốc độ tăng trưởng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức hơn 7% mà các nhà kinh tế kỳ vọng.

Nguyên nhân thứ hai là ngành hàng không TQ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Theo dữ liệu từ trang web theo dõi chuyến bay Flight Master, số chuyến bay quốc tế được khai thác tại TQ đạt 24.651 chuyến trong tháng 5, tương đương 37,9% lưu lượng trong cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, sau thời gian dài giãn cách, hành vi của người tiêu dùng ở TQ cũng thay đổi. Viện nghiên cứu Du lịch nước ngoài ở TQ (COTRI) - một công ty tư vấn độc lập có trụ sở tại Đức - cho rằng trong 3 năm không ra nước ngoài do phong tỏa, người TQ đã chú ý hơn tới các địa điểm du lịch trong nước. Xu hướng “du lịch hướng về thiên nhiên, ngoài trời” và du lịch “tập trung vào gia đình” cũng tăng cao.

“Chúng tôi dự đoán rằng 70-80% người TQ sẽ vẫn chọn du lịch tại TQ” - theo bà Karelle Lamouche, giám đốc thương mại toàn cầu của tập đoàn khách sạn Accor (Pháp).

Cơ hội đa dạng du khách

Đông Nam Á không phải là nơi duy nhất có lượng khách TQ sụt giảm. Nhật cũng đón ít khách TQ hơn so với những năm trước đại dịch. Tuy nhiên, Nhật lại đang chứng kiến một nhóm người tiêu dùng mới, thay thế những người TQ từng thống trị thị trường bán lẻ ở Nhật.

Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Takashimaya của Nhật gần đây cho biết khách du lịch không phải người TQ chiếm gần 70% tổng doanh thu từ khách quốc tế từ tháng 3 đến tháng 5, cao hơn rất nhiều so với mức 20% trước đại dịch.

Theo chuyên gia, xu hướng trên là một gợi ý cho các quốc gia Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa thị trường mục tiêu và chấm dứt sự phụ thuộc vào du khách từ TQ.

Ngoài ra, khách du lịch từ Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới - cũng đang đổ xô đến Đông Nam Á, mở ra cơ hội đa dạng thị trường cho ngành du lịch và lữ hành của khu vực. Cụ thể, lượng khách Ấn Độ đến Thái Lan từ đầu năm đến nay chỉ thấp hơn 14% so với trước đại dịch. Ông Tanes Petsuwan - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan cho rằng 1,6 triệu người Ấn Độ dự kiến sẽ đến thăm Thái Lan trong năm nay.

Du khách Ấn Độ tại bãi biển Patong ở đảo Phuket (Thái Lan) ngày 14-7. Ảnh: REUTERS

Trong tháng 5, lượng khách Ấn Độ đến thăm Singapore cao hơn lượng khách TQ; Indonesia chứng kiến lượng khách xấp xỉ từ 2 nước, với gần 63.000 du khách Ấn Độ và hơn 64.000 du khách TQ.

Hãng tin Reuters ngày 17-7 dẫn thông tin từ hãng hàng không IndiGo (Ấn Độ) và Thai Airways (Thái Lan) cho biết họ đang khai thác sức chi tiêu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu Ấn Độ.

Hãng hàng không IndiGo tiết lộ đã đặt hàng 500 máy bay phản lực thân hẹp Airbus để đáp ứng nhu cầu trong khu vực, cho biết hãng nhận thấy “sự gia tăng mạnh mẽ” trên các tuyến giữa Ấn Độ và Đông Nam Á với hơn 100 chuyến bay mỗi tuần.

“Đông Nam Á rõ ràng là có vị trí rất thuận lợi cho rất sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ đến từ Ấn Độ” - Reuters dẫn lời nhà phân tích hàng không Brendan Sobie nhận định.

Trong một báo cáo hồi tháng 5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán rằng Ấn Độ có thể nổi lên như một TQ tiếp theo “về tốc độ tăng trưởng du lịch nước ngoài” trong thập niên tới.

“Ấn Độ có thể trở thành câu chuyện về du lịch trong thập niên sau đại dịch” - theo ADB.

Giới phân tích nhận định rằng ngành du lịch đã có những thay đổi đáng kể sau đại dịch COVID-19, thế nên chính phủ các nước và các nhà kinh doanh dịch vụ du lịch ở Đông Nam Á cần điều chỉnh để thích nghi cũng như đa dạng hóa thị trường của mình trong tương lai.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/thach-thuc-va-co-hoi-voi-du-lich-dna-khi-khach-tq-chon-o-nha-post743350.html