Thách thức tăng trưởng xanh

Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh tất yếu, vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có những dự án bứt phá.

Nhiều thách thức

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể như ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; xây dựng khung khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện, khuyến khích với cơ chế ưu đãi. Cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch quan trọng trong đó có quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, đây mới là bước khởi đầu và còn nhiều thách thức ở phía trước.

Tại hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?” diễn ra mới đây, ông Lê Viết Phúc - Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (DN) theo hướng công nghệ cao, ứng dụng thông minh trong quản lý vận hành, tiến tới mục tiêu phát triển xanh. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong việc thu hút dự án xanh là các nhà đầu tư khi làm việc với chủ đầu tư hạ tầng rất quan tâm đến vị trí nhà máy thuận lợi, muốn dự án đầu tư phải gần khu vực cảng, gần vị trí giao thông mặc dù đã được phân khu chức năng và quy hoạch cụ thể.

Tương tự, ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban Quản lý các KCX và KCN TPHCM (Hepza) cho biết, trong những năm gần đây TPHCM không gặp khó khăn về xúc tiến đầu tư, nhiều nhà đầu tư muốn đặt trụ sở tại TPHCM nhưng vấn đề khó khăn của thành phố là quỹ đất công nghiệp và phần đất còn lại khá hạn hẹp để kêu gọi nhà đầu tư lớn.

Theo ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu từ ngành phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải. Tuy nhiên, ông Thiên cũng nêu một số thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi xanh, gồm: Chuyển từ công nghệ thấp sang công nghệ cao thì phải định hướng chọn công nghệ cao, do các tập đoàn hàng đầu dẫn dắt; vấn đề về vốn và cuối cùng là thách thức từ nội tại.

Đẩy mạnh tiếp cận “nguồn vốn xanh”

Ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong Kế hoạch quốc gia về hành động hướng tới tăng trưởng xanh mà Chính phủ công bố đã đưa ra 4 nhóm mục tiêu. Thứ nhất là giảm phát thải của toàn bộ nền kinh tế; thứ hai là xanh hóa các ngành; thứ ba là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; thứ tư là xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Ông Sử nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện hướng tới tăng trưởng xanh, có hai chủ thể chính là nhà nước và các tổ chức, các DN tham gia vào quá trình sản xuất. Nhà nước gặp thách thức gì, cần làm gì? Bản thân các DN gặp thách thức khó khăn gì? Việt Nam đã đưa ra bộ chỉ tiêu về đánh giá của tăng trưởng xanh khiến các đối tác quốc tế khá ngạc nhiên do không phải là quốc gia đi đầu nhưng rất tích cực trong quá trình triển khai.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, vấn đề phát triển xanh cần sự phối hợp của 3 nhà: nhà quản lý, nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và nhà đầu tư sản xuất trong KCN. Từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề và kêu gọi ngành nghề nào, từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của Nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư sản xuất trong KCN tuân thủ và cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ và một quyết tâm cao của chính quyền các cấp và cộng đồng DN. Trong đó, cần đẩy mạnh tiếp cận vốn chuyển đổi xanh từ các quỹ đầu tư, quỹ tài chính lớn trên thế giới. “Hiện tại, hạ tầng, quỹ đất tại các địa phương đang hạn hẹp, không còn dư địa cho phát triển mới các khu công nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc chuyển khu công nghiệp cũ thành khu công nghiệp sinh thái, từng bước biến thành khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh” – ông Thiên nhấn mạnh.

Hà An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thach-thuc-tang-truong-xanh-10268296.html