Thách thức quản lý dòng người di cư

Năm 2022, hơn 100 triệu người trên thế giới đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do bạo lực, xung đột, đói nghèo và các thảm họa thiên nhiên... Thực trạng nhức nhối này đang đặt ra thách thức lớn cho các nước và tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp, bảo vệ và ổn định cuộc sống cho người di cư.

Người di cư vượt biên từ Mexico qua sông Rio Bravo vào Mỹ. (Ảnh REUTERS)

Để chạy trốn bạo lực, Francisco Palacios (Ph.Pa-la-xi-ốt) cùng vợ và cô con gái 3 tuổi đã phải đi từ thành phố Morelia, phía tây Mexico đến thành phố Tijuana ở sát biên giới với Mỹ. Nhiều năm qua, các băng đảng khét tiếng ở Mexico đã cướp đi một phần thu nhập từ công việc bán trái cây trên đường phố của gia đình anh.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Francisco Palacios cho biết: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”. Francisco Palacios chỉ là một trong số hàng trăm người di cư xếp hàng chờ đợi trong không khí mùa đông lạnh giá ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico, cũng như hàng trăm triệu người trên thế giới buộc phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm miền đất mới với hy vọng sẽ có một cuộc sống ổn định hơn.

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi (Ph.Gran-đi) gọi con số 100 triệu người buộc phải di cư trong năm 2022 là một “kỷ lục không nên được xác lập”.

Theo UNHCR, bạo lực gia tăng và xung đột kéo dài là những nguyên nhân chính gây ra làn sóng di cư ở nhiều khu vực trên thế giới trong những năm qua. Xung đột kéo dài hơn bảy năm ở Yemen đã gây ra thảm họa nhân đạo và buộc hơn 4,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Trong khi đó, gần năm triệu trẻ em sinh ra tại Syria chưa từng được sống trong cảnh đất nước hòa bình, khi xung đột ở quốc gia Trung Đông này đã bước sang năm thứ 11.

Hiện tại, hơn 80 nghìn người Syria coi trại tị nạn Za’atari ở Jordan là nhà và nhiều người trong số họ khó có thể được trở về quê hương trong tương lai gần. Đại diện UNHCR ở thủ đô Amman của Jordan nhấn mạnh, viễn cảnh trở về Syria đối với những người tị nạn ở Za’atari còn xa vời. Tại Ethiopia, hàng triệu người vẫn phải sơ tán do xung đột vũ trang ở khu vực Tigray, bắt đầu hồi tháng 11/2020.

Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, số lượng người di cư trên thế giới đã tăng nhanh trong 50 năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) cảnh báo, tình trạng di cư trái phép sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, mà cái giá đắt nhất chính là tính mạng của những người di cư. Theo Liên hợp quốc, trong tám năm qua, đã có ít nhất 51 nghìn người di cư trên toàn cầu thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích. Bên cạnh đó, nếu không được kiểm soát tốt, dòng người di cư có thể làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội và giữa các cộng đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu được quản lý tốt, dòng người di cư trên thế giới có thể giúp hàng triệu người tìm kiếm những cơ hội mới, theo đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cộng đồng nơi người di cư xuất phát và cộng đồng họ chọn làm điểm đến. Liên minh châu Âu (EU) mới đây ra tuyên bố khẳng định, việc tạo ra các con đường di cư hợp pháp không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, xã hội, mà còn giúp hạn chế tình trạng di cư bất thường, cũng như các hoạt động buôn người.

EU nhấn mạnh, hằng năm, có từ 2 đến 3 triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến EU hợp pháp để làm việc hoặc học tập. Người di cư là một trong những chìa khóa quan trọng góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực hiện nay tại nhiều nước EU.

Theo Liên hợp quốc, những biến động nhanh chóng và khó lường mà thế giới trải qua trong thời gian qua đã đặt ra thách thức mới, tác động tiêu cực đến tình trạng di cư trên toàn cầu. Thực trạng đó đòi hỏi các nước và tổ chức quốc tế nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý hiệu quả các dòng người di cư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di cư hợp pháp, cũng như tối đa hóa những mặt tích cực mà dòng người di cư mang lại.

BẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thach-thuc-quan-ly-dong-nguoi-di-cu-post732997.html