Thách thức lớn với đường sắt tỷ đô của Ấn Độ

Tại Ấn Độ, đường sắt được đầu tư mạnh trong nhiều năm qua. Tuy vậy, việc vận hành đảm bảo an toàn vẫn khiến giới chức đau đầu. Vụ tai nạn thảm khốc khiến gần 280 người thiệt mạng hồi tháng 6 là một điển hình.

Lời cảnh báo từ 5 năm trước

Cách đây 5 năm, chính phủ Ấn Độ công bố nhiệm vụ "không tai nạn đường sắt" với mục tiêu giảm thiểu tối đa số vụ tai nạn.

Đồng thời, nước này đưa ra rất nhiều kế hoạch như đầu tư hạ tầng mới, nâng cấp công nghệ an toàn, đào tạo nhân lực.

Ngay lúc đó đã có nhiều chuyên gia hoài nghi về kế hoạch này. Ông Debolina Kundu, phó giáo sư tại Viện Quốc gia về các vấn đề đô thị cho rằng, chính phủ liên tục ra mắt tàu mới nhưng lại không bảo trì đầy đủ và phù hợp với tàu đã quá già cỗi. Tình trạng này diễn ra tương tự với hệ thống đường ray.

Tuyến đường nơi xảy ra vụ tai nạn làm 280 người chết là tuyến lâu đời và đông đúc bậc nhất Ấn Độ.

Ông Debolina Kundu nhấn mạnh, để thành công, chính phủ nên khảo sát để xem xét khả năng hạ tầng có thể chịu thêm áp lực nữa hay không, trước khi đưa thêm tàu, tăng tần suất phục vụ.

Và sau 5 năm, những nhận định hạ tầng thiếu đồng bộ, lạc hậu, kém an toàn một lần nữa được nêu lại khi xảy ra vụ tai nạn tàu thảm khốc khiến gần 280 người thiệt mạng hồi tháng 6/2023.

Theo kết quả điều tra được công bố cuối tháng 7, nguyên nhân dẫn đến tai nạn là sai sót trong hệ thống khóa liên động điện tử trên đường ray.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới (đứng thứ 4) với tổng chiều dài hơn 100.000km.

Ngành đường sắt Ấn Độ có lượng nhân lực gần đứng đầu thế giới với 1,3 triệu người. Mỗi ngày, mạng lưới đường sắt làm nhiệm vụ chuyên chở khoảng 25 triệu hành khách và hàng hóa trên khắp cả nước với giá thành rẻ, trở thành một trong những tuyến huyết mạch của nền kinh tế.

Áp lực ngày một lớn hơn

Hiện trường vụ tai nạn làm 280 người chết ở Ấn Độ.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã chú trọng phát triển hạ tầng đường sắt, coi đây là một trong những ưu tiên của chính phủ.

Theo báo Foreign Policy, riêng trong năm tài chính 2022, Ấn Độ đã chi gần 30 tỷ USD cho hệ thống đường sắt, tăng 15% so với năm trước đó.

Thủ tướng Narenda Modi đã đưa ra rất nhiều kế hoạch để lột xác đường sắt bao gồm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mới, tăng cường công nghệ an toàn, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, dành thời gian cho nhân viên đường sắt tập yoga giảm căng thẳng…

Theo Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, năm ngoái, hơn 5.200km đường ray mới được lắp đặt tại nước này. Khoảng 8.000km đường ray cũ cũng được nâng cấp hàng năm. Tới nay, Ấn Độ đã cho ra mắt 19 tuyến đường sắt bán cao tốc Vande Bharat.

Tuy nhiên áp lực với các tuyến đường sắt vẫn ngày một lớn và toàn bộ hệ thống giao thông này vẫn gặp những vấn đề cũ. Đó là tình trạng tai nạn và mất an toàn do thiếu đồng bộ, triển khai thi công và ứng dụng chậm, sai sót của con người…

Căn bệnh mãn tính

Vấn đề của đường sắt Ấn Độ là thiếu cân bằng giữa ưu tiên nguồn lực để nâng cấp hạ tầng đường sắt cũ và các dự án tàu cao tốc mới.

Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu nâng cấp từng bước hệ thống hạ tầng đường ray, hệ thống tín hiệu và cả đầu máy toa xe. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế còn chậm trễ.

Theo Foreign Policy, khi phải đẩy mạnh chi tiêu kinh phí vào xây dựng cơ sở hạ tầng mới, Ấn Độ phải co kéo kinh phí, dẫn tới những dự án bảo trì hạ tầng sẵn có bị thiếu hụt.

Theo kiểm toán Ấn Độ, khi xem xét 217 vụ tai nạn tàu hỏa (bao gồm cả vụ tai nạn nhỏ và nghiêm trọng) xảy ra từ năm 2017 - 2021, có 75% vụ là do trật bánh.

Ngoài ra, có 211 vụ tai nạn do lỗi tín hiệu. Báo cáo cũng chỉ ra, các biện pháp an toàn thiết yếu đã bị bỏ qua. Thay vì đầu tư vào an toàn đường sắt, kinh phí lại được phân bổ cho các dự án vốn không nằm trong ưu tiên.

Đơn cử, hệ thống bảo vệ tàu hỏa tự động quốc gia (còn gọi là Kavach) đã được phê duyệt áp dụng cho hơn 35.000km đường sắt thuộc các tuyến có mật độ tàu chạy cao và các đoạn thường xuyên sử dụng. Nhưng đến nay mới chỉ có 4% trong số tuyến đường được phê duyệt bắt đầu vận hành hệ thống trên.

Như trong vụ tai nạn hồi tháng 6, cả ba đoàn tàu gặp nạn đều thiếu thiết bị chống va chạm. Khu vực xảy ra tai nạn cũng không có hệ thống Kavach trong khi đây là một trong những tuyến đường sắt lâu đời nhất và đông đúc nhất Ấn Độ.

Trong vài thập kỷ tới, đường sắt vẫn sẽ là phương tiện vận tải chủ lực ở Ấn Độ. Đây cũng là ưu tiên của chính phủ nước này vì phát triển hệ thống đường sắt là động lực cho chiến lược “sản xuất tại Ấn Độ”.

Tuy nhiên, một lần nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu trên sẽ bất khả thi khi Ấn Độ muốn hoàn thành tất cả trong cùng lúc, nhất là khi tồn tại nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn việc duy tu hệ thống hạ tầng, hiện đại hóa tín hiệu và nhân lực tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn triển khai các đoàn tàu cao tốc mới.

Hơn nữa, hệ thống hạ tầng đường sắt ở Ấn Độ quá rộng, phức tạp có thể cản trở việc triển khai nâng cấp và duy tu.

Phát ngôn viên Bộ Đường sắt Ấn Độ cho biết, nhiều năm qua, quốc gia này không xảy ra các vụ tai nạn quy mô lớn.

Cụ thể, số vụ tai nạn tính trên triệu kilomet hành trình đường sắt đã giảm từ 0,1 vụ trong giai đoạn 2013 - 2014 xuống còn 0,03 vụ trong giai đoạn 2021 - 2022.

Người phát ngôn cũng cho hay, quỹ đầu tư 1.000 tỷ rupee trong vòng 5 năm do chính phủ Ấn Độ thành lập vào giai đoạn 2017 - 2018 nhằm đảm bảo an toàn trong lĩnh vực đường sắt đã được kéo dài thời hạn thêm 5 năm nữa, bắt đầu từ giai đoạn 2022 - 2023.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thach-thuc-lon-voi-duong-sat-ty-do-cua-an-do-192601331.htm