Thách thức chuyển đổi số với lãnh đạo, quản lý khu vực công

Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ireland vừa tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia 'Lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số'.

Hội thảo khoa học Quốc gia “Lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số” vừa được tổ chức tại Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tham dự sự kiện có đông đảo các đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Hội thảo "Lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số" là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, nhà quản lý lãnh đạo chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học, các tổ chức, trường đại học trên cả nước.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Phụ nữ Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, trong giai đoạn hiện nay, các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công đang phải đối diện với các thách thức ngày càng lớn, bao gồm sự tiến bộ như vũ bão của công nghệ, sự thay đổi trong nhận thức của công chúng, nhu cầu và nguyện vọng của xã hội. Vì vậy, các nhà lãnh đạo quản lý khu vực công ngày càng được kỳ vọng đạt được những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn, toàn diện hơn. Trong hoạt động nghiên cứu lãnh đạo khu vực công, vấn đề bình đẳng giới trong lãnh đạo khu vực công rất cần được phân tích, đề xuất chính sách thúc đẩy, cải thiện.

Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về 2 nội dung chính: Thực trạng lãnh đạo khu vực công ở Việt Nam, trong đó bao gồm những vấn đề giới trong lãnh đạo, quản lý khu vực công; Năng lực lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số; trong đó phân tích được các yêu cầu, phẩm chất, năng lực thay đổi dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số cấp quốc gia, ngành và tổ chức.

Các diễn giả chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo

Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Trần Thị Minh Nguyệt, cán bộ chương trình về Giới, chia sẻ về nội dung "Những bước chuẩn bị cho lãnh đạo trong bối cảnh chuyển đổi số". Ngoài thực trạng nói chung về sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo quản lý tại Việt Nam hiện nay, bà Trần Thị Minh Nguyệt còn đặc biệt nhấn mạnh những con số khảo sát cụ thể về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ (lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam).

Đối chiếu với mục tiêu giới trong quản lý lãnh đạo tại Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới từ 2020-2030; Quyết định 2282/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030" với chỉ số xếp hạng bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay đặt ra nhiều thách thức về vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt như vấn đề: Định kiến giới; Vấn đề công việc chăm sóc không được trả lương; Chính sách lao động và tuyển dụng trung tính giới; Quy tắc ứng xử nơi làm việc…, đặc biệt là tình trạng thiếu hoặc khó thu thập thông tin phân tách theo giới tính.

Trước tình hình đó, bà Trần Thị Minh Nguyệt cũng nêu những khuyến nghị cụ thể như: Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để giải quyết các khó khăn, thách thức trên nhằm đảm bảo chính sách dịch vụ công bằng đối với nữ giới, từ đó góp phần thay đổi định kiến, chuẩn mực, thói quen của xã hội về các vấn đề liên quan đến lãnh đạo quản lý khu vực công trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu dự Hội thảo

Trải qua quá trình chọn lọc và quá trình phản biện độc lập, 27 báo cáo khoa học của các học giả, các nhà khoa học được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Tại mỗi phiên của hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận và đặt câu hỏi nhằm tìm hiểu sâu hơn về các nội dung trình bày nhằm xác định cụ thể hơn về thực trạng thách thức đặt ra đối với vấn đề Giới trong lãnh đạo, quản lý khu vực công. Từ đó cụ thể hóa những giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao số lượng, chất lượng nữ giới lãnh đạo, quản lý khu vực công đáp ứng yêu cầu của thời đại bùng nổ công nghệ số.

Đồng thời, hội thảo cũng chia sẻ những vấn đề khác có liên quan, ảnh hưởng, tác động, đặt chủ đề của hội thảo trong bối cảnh chung của thời đại nhằm đề xuất những phương án, giải pháp tối ưu nhất cho tiến trình phát triển nguồn nhân lực nữ trong lãnh đạo, quản lý khu vực công hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ về mọi mặt.

X.Q

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thach-thuc-chuyen-doi-so-voi-lanh-dao-quan-ly-khu-vuc-cong-20240329100052036.htm