Thách thức chung, trách nhiệm chung

Với chủ đề 'Châu Á và Thế giới: Thách thức chung, trách nhiệm chung', Diễn đàn thường niên châu Á Bắc Ngao đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu và gánh vác trách nhiệm cùng nhau thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng.

Toàn cảnh Diễn đàn châu Á Bắc Ngao 2024. Ảnh: Xinhua

Diễn đàn châu Á Bắc Ngao (BFA) 2024 được tổ chức tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy tụ các nhà lãnh đạo từ khắp châu Á và xa hơn nữa để thảo luận về các vấn đề kinh tế và địa chính trị cũng như tìm kiếm câu trả lời cho khu vực. Đáng chú ý, tại diễn đàn lần này, Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về sự đoàn kết và hợp tác để giải quyết những thách thức chung mà thế giới hiện nay đang phải đối mặt khi nhắc lại các cam kết để mở cửa và cùng phát triển.

Sự kiện diễn ra từ ngày 26 - 29.3, bao gồm hơn 40 diễn đàn phụ với hàng chục chủ đề nóng trong bốn lĩnh vực chính gồm: Kinh tế thế giới; Đổi mới công nghệ; Phát triển xã hội và Hợp tác quốc tế.

Ngoài cuộc họp thường niên, BFA năm nay sẽ tiếp tục tổ chức một loạt diễn đàn chuyên đề như Diễn đàn Y tế toàn cầu, Diễn đàn Đổi mới và Khoa học công nghệ quốc tế, Diễn đàn An ninh và Phát triển kinh tế toàn cầu, Diễn đàn Phục hồi nông thôn và tổ chức nhiều hội nghị hợp tác khu vực ở châu Á và các nước khác.

Hợp tác trong quản trị AI

Cơn sốt AI đã mang đến tiềm năng thay đổi cuộc sống và hoạt động của con người thông qua nội dung nó tạo ra, nhưng cũng làm dấy lên nỗi lo rằng AI sẽ trở thành mối đe dọa cho con người trong tương lai. Trong cuộc thảo luận về quản trị AI tại BFA, các chuyên gia cho biết, với tất cả những thách thức và rủi ro liên quan đến AI, hợp tác liên chính phủ, cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và những cân nhắc về đạo đức sẽ là chìa khóa để giải quyết các vấn đề phát triển AI có đạo đức và có trách nhiệm.

Các diễn giả tại phiên thảo luận về tầm quan trọng của quản trị và các quy định về AI, tập trung vào việc cân bằng giữa lợi ích và thách thức của công nghệ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc ra quyết định dựa trên bằng chứng và trao quyền cho các cộng đồng bị thiệt thòi.

Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann cho biết, họ đang xem xét vấn đề AI với trọng tâm là tăng cường phúc lợi kinh tế và xã hội thông qua chính sách công. Tổ chức này đã tập trung vào AI như một lĩnh vực chính sách quan trọng trong một thời gian, và chắc chắn sẽ có những cuộc đối thoại trong nội bộ các quốc gia giữa các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia, nhưng cũng cần phải có đối thoại ở cấp độ quốc tế.

Ông Mathias Cormann cho biết thêm, các nước cần tập trung vào những thỏa thuận quản trị phù hợp để tạo điều kiện cho sự phát triển AI an toàn, có trách nhiệm, có đạo đức và đáng tin cậy, đồng thời cần nhận thức được sự gián đoạn rất đáng kể của nó đối với thị trường lao động, chẳng hạn như ý nghĩa của việc bảo đảm rằng mọi người không bị bỏ lại phía sau và mọi người đều có cơ hội phù hợp trên thị trường lao động bị gián đoạn bởi AI.

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng

Giám đốc điều hành các công ty năng lượng tham dự BFA 2024 đã cam kết thực hiện các kế hoạch và kêu gọi hợp tác toàn cầu hơn nữa để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tại diễn đàn phụ có tiêu đề: "Chuyển đổi năng lượng carbon thấp", Chủ tịch của PetroChina Duan Liangwei cho biết, nhà sản xuất dầu khí này đang tích cực phát triển hoạt động kinh doanh năng lượng mới trong bối cảnh nỗ lực xanh của đất nước. Năng lượng mới đang trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của PetroChina và dự kiến sẽ chiếm 7% tổng sản lượng vào năm 2025 và 1/3 vào năm 2035. Đây chỉ là một ví dụ về quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ của Trung Quốc, khi nước này theo đuổi mục tiêu carbon kép là đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng xanh LONGi Zhong Baoshen cho biết, để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ đang được áp dụng ở một số quốc gia, các nước cần hợp tác nhiều hơn để giải quyết những thách thức mà quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang phải đối mặt. Ông Zhong Baoshen nhấn mạnh rằng, chỉ thông qua hợp tác toàn cầu và tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực thông qua thương mại tự do, các nước mới có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.

Hợp tác vì sự thịnh vượng chung

Nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc Zhao Leji cho biết, Trung Quốc đang thúc đẩy hiện đại hóa trên mọi mặt trận với sự phát triển chất lượng cao, điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế thế giới và mang lại nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước láng giềng ở châu Á.

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, trong đó có sự phục hồi kinh tế mong manh và các xung đột khu vực, điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết những vấn đề này và đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi.

Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã kêu gọi các quốc gia châu Á giữ độc lập, tìm kiếm sức mạnh thông qua đoàn kết, cùng phản đối chủ nghĩa đơn phương và các hành vi tư lợi cực đoan, để thế giới không trở thành một đấu trường cho các cuộc cạnh tranh địa chính trị. Trung Quốc ủng hộ một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự, toàn cầu hóa kinh tế toàn diện và có lợi cho toàn cầu, đồng thời kêu gọi tất cả các nước vượt lên trên tâm lý lỗi thời về đối đầu khối, thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự và cùng nhau thúc đẩy một nền kinh tế thế giới mở.

Trung Quốc hiện là đối tác của hơn 140 quốc gia và khu vực, là nguồn đầu tư chính cho ngày càng nhiều quốc gia và là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng nhất trên toàn cầu. Trước tầm ảnh hưởng của mình, quốc gia này đã cam kết phát triển chung và đề xuất xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại.

Giám đốc điều hành của Công ty Dược phẩm AstraZeneca Pascal Soriot bày tỏ sự ấn tượng với kế hoạch rõ ràng của Chính phủ Trung Quốc nhằm phát triển nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đồng thời mở cửa và mang lại lợi ích cho toàn thế giới bằng các chiến lược đôi bên cùng có lợi.

Tại BFA 2024, Trung Quốc đã cam kết mở cửa phát triển, mở rộng hơn nữa cánh cửa với thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia bày tỏ sẽ chủ động tuân thủ các quy định kinh tế và thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao, đồng thời xây dựng một môi trường thân thiện với doanh nghiệp theo định hướng thị trường và dựa trên luật pháp thế giới.

Cơ hội rộng mở

Trong những thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và thị trường khổng lồ, cùng với việc thành lập các khu thương mại tự do và mở rộng các lĩnh vực mở cửa cho đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã trở thành nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm mở rộng hơn nữa thị trường của mình ra thế giới, chẳng hạn như miễn yêu cầu thị thực đối với công dân của nhiều nước ở châu Á và châu Âu, thúc đẩy trao đổi văn hóa và con người.

Hơn nữa, để chuyển đổi nền kinh tế và đạt được sự phát triển bền vững, Trung Quốc hiện đang tiến hành cải cách sâu rộng như cam kết rút ngắn hơn nữa danh sách tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài, xóa bỏ mọi hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, đồng thời ban hành Kế hoạch Hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Một số chuyên gia nước ngoài tham dự BFA cũng cho rằng, môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã được cải thiện và nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp toàn cầu.

Ngoài ra, tại BFA các chuyên gia đã nêu bật khả năng phục hồi dự kiến của nền kinh tế châu Á trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế bên ngoài, châu Á sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, được hỗ trợ bởi mức tiêu dùng mạnh mẽ và các chính sách tài khóa chủ động. Dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ vượt mức năm 2023, đạt khoảng 4,5%, tiếp tục là động lực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xét về sức mua tương đương (PPP), tổng kinh tế châu Á được dự đoán sẽ chiếm 49% GDP toàn cầu vào năm 2024, đánh dấu mức tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023.

Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại kỹ thuật số, sự phục hồi của du lịch ở châu Á, cũng như những tiến bộ liên tục của một số hiệp định kinh tế và thương mại, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sẽ tạo thêm động lực mới cho thương mại và đầu tư châu Á.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thach-thuc-chung-trach-nhiem-chung-i364734/