Th.S Tâm lý Nguyễn Ngọc Vui: 'Thuật ngữ 'chữa lành' đang bị lạm dụng'

Trò chuyện cùng Người Đưa Tin, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui có những lý giải cặn kẽ về khái niệm chữa lành đang được sử dụng một cách tràn làn.

Những ngày qua, không từ ngữ nào được nhắc nhiều hơn "chữa lành" (healing), một thuật ngữ có xuất hiện trong Tâm lý học.

Chữa lành được rộ lên như một trào lưu, chỉ một hoạt động vỗ về bản thân sau những áp lực, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như đi du lịch, mua sắm đắt tiền,... Nổi cộm nhất là người trẻ, những người được gắn nhãn "sơ hở là chữa lành".

Để làm rõ những vấn đề liên quan đến thuật ngữ chữa lành, Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện cùng Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Ngọc Vui. Thông qua buổi trò chuyện này, hiểu sao cho đúng khái niệm chữa lành và việc lên án đối với những người thật sự có nhu cầu chữa lành là đúng hay không sẽ được trả lời.

Lạm dụng thuật ngữ "chữa lành"

Thời gian qua, khi thuật ngữ chữa lành được sử dụng rầm rộ trên các trang mạng xã hội đã thu hút nhiều sự quan tâm, từ đó dẫn đến nhiều luồng ý kiến khác nhau, nổi bật là vấn đề lên án trào lưu này. Có người cho rằng GenZ là bộ phận sống trong sự đủ đầy nên mới "sơ hở là chữa lành".

Nói về quan điểm lên án chữa lành có đúng không, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Ngọc Vui có những phân tích, diễn giải dưới góc nhìn tâm lý học.

"Quan điểm lên án chữa lành đúng hay không, thì chắc chắn là không vì tâm lý học sinh ra để đồng hành cùng thân chủ, giúp thân chủ chữa lành. Tuy nhiên, góc nhìn tâm lý học là chữa lành ai? Chữa lành người có khó khăn về tâm lý đúng không? Nói một cách Y khoa, bị bệnh mới cần đi chữa chính vì vậy nhà tâm lý thì đồng hành với người đang khó khăn về tâm lý.

Chính vì vậy, vấn đề chữa lành dù là người già hay người trẻ thì nó nên được khuyến khích chứ không thể nào lên án được", Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui chia sẻ.

Điều mà Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui nhấn mạnh chính là sự lạm dụng thuật ngữ chữa lành. Điều này gây ra nhiều sự xáo trộn và khiến góc nhìn méo mó về bản chất của những khó khăn tâm lý. Sự lên án được nhắc đến ở đây có thể là nhằm vào việc ý nghĩa của từ chữa lành được sử dụng vô tội vạ.

"Thật ra, chính xác trong giai đoạn hiện tại thuật ngữ, từ "chữa lành" hầu như được xuất hiện ở khắp nơi dù với những ý khác nhau. Trong đó, có ý nghiêm túc, hài hước cho đến cả hàm ý giễu cợt.

Tôi nhớ có một thời gian, thuật ngữ "trầm cảm" và đặc biệt là thuật ngữ "tự kỷ" bị lạm dụng rất nhiều.

Tương tự như vậy, khi một người mà liên tục mở miệng ra và nói chữa lành, chữa lành thì tôi vẫn không đồng ý với việc đó. Cho nên, khi người ta lên án khơi khơi thì chúng ta không nên quan tâm nhưng mà lên án và có những dẫn chứng thể hiện rằng sai lầm khi sử dụng các thuật ngữ chữa lành trong một bối cảnh nào đó, con người nào đó với những vấn đề nào đó thì tôi tin rằng nó xứng đáng để chúng ta lưu tâm và giữ gìn sự trong sáng cho những thuật ngữ này", Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui nói.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Ngọc Vui.

Hiểu sao cho đúng khái niệm chữa lành?

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui cũng có những chia sẻ rõ ràng, cụ thể về khái niệm chữa lành trong thời đại số:

Thuật ngữ chữa lành hay bị đánh đồng với những chuyến đi du lịch xa xỉ, hoặc hay bị gắn liền với việc bỏ bê công việc để tận hưởng. Rõ ràng, đây không phải là từ chữa lành theo đúng nghĩa của nó. Chữa lành nghĩa là sau khi mình làm một hoạt động hoặc chuỗi hoạt động nào đó thì giúp cho sức khỏe tinh thần của mình tiến triển lên, tích cực thì mới đúng nghĩa của việc chữa lành.

Còn ví dụ, bây giờ đi nhậu để chữa lành thì làm sao nhậu là chữa lành được, có những nghiên cứu chỉ ra rằng tác hại của việc đó. Hoặc là chúng ta không thể mượn tiền để đi du lịch chữa lành, ở đây cụ thể hơn là mượn tiền để đi du lịch không có sự toan tính trước cộng với việc bản thân không mắc những vấn đề khó khăn về tâm lý nào đó theo sổ tay sức khỏe tinh thần được chuẩn đoán.

Việc chúng ta đi du lịch và sau đó về thiếu nợ, bản thân của việc thiếu nợ nó gây hại cho câu chuyện về sức khỏe tâm lý của chúng ta. Thứ nhất, khi một người họ nhận ra và nghi ngờ về khó khăn tâm lý chẳng hạn, hãy đến và gặp những nhà tâm lý để mà xác nhận được tình trạng hiện tại của mình. Từ vấn đề hiện tại, chúng ta sẽ có những hướng can thiệp để cải thiện tình hình.

Đó không hẳn là ăn chơi, đi du lịch đâu mà đôi khi nó cũng chỉ là việc chúng ta tập hít thở và thực hành viết nhật ký của lòng biết ơn, hoặc suy nghĩ lại điều mà chúng ta đang suy nghĩ,...

Thì đó cũng đã có tác dụng chữa lành rồi chứ không cần như mạng xã hội dạo này sẽ thể hiện trào lưu tốn kém xa xỉ để chữa lành thì nó không hẳn là như vậy.

Ở đây, tùy vào vấn đề của từng người thì những nhà tâm lý, nhà chuyên môn sẽ cho chúng ta biết chúng ta cần làm gì trong tiến trình chữa lành.

Thật ra, bản thân của các bạn cũng hoàn toàn có thể trở thành nhà chuyên môn của các bạn, nếu các bạn có đầy đủ kiến thức, trải nghiệm, bạn sẽ tự biết bạn cần làm gì. Một số người chỉ cần ngủ đủ giấc, một số người chỉ cần không thức đêm hoặc một số người chỉ cần dừng lại trong một mối quan hệ độc hại của họ, thì đó cũng đã là chữa lành rồi.

Từ chữa lành cần được nhìn nhận theo một ý nghĩa chuẩn xác nhất, để tránh những cái méo mó, thứ nhất là tránh lạm dụng thuật ngữ chữa lành, thứ hai là tránh lên án việc chữa lành.

Phạm Thị Thu Thảo

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ths-tam-ly-nguyen-ngoc-vui-thuat-ngu-chua-lanh-dang-bi-lam-dung-a659784.html