Tết xưa - Tết nay, gìn giữ và tiếp biến

Câu chuyện về ngày Tết trong tâm thức mỗi người như dòng chảy âm ỉ, góp vào mạch ngầm giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

Nét đẹp xưa và nay

Tết đánh dấu thời khắc giao mùa, khép lại những bộn bề của năm cũ, mở ra một chu kỳ thời gian mới với bao niềm tin và hy vọng; vui Xuân đón Tết là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, hội tụ nhiều giá trị nhân bản. Trong không khí Tết đang cận kề, tọa đàm với chủ đề “Ngày xuân kể chuyện Tết xưa” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long ngày 25.1 vừa qua đã làm sống lại ký ức Tết với những giá trị văn hóa đặc sắc của Tết truyền thống và hiện đại của dân tộc.

Nét tinh hoa được thể hiện trong Tết Việt chính là giá trị lắng đọng của văn hóa dân tộc. Nguồn: THĐ

Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội Nguyễn Minh Thu chia sẻ về Tết cung đình xưa; theo đó, Tết Nguyên đán được xem là buổi rạng đông của sự khởi đầu. Thời xa xưa, những nét văn hóa dân tộc được khởi nguồn từ triều đình chính là tượng trưng cho sự hưng thịnh của quốc gia mà các bậc vua chúa đều chú trọng. Khác với dân gian, Tết xưa trong Hoàng cung mang đậm nghi lễ truyền thống, các hoạt động lễ trước, trong và sau Tết Nguyên đán được tổ chức trang trọng và chu đáo. Từ đây khởi nguồn nét đẹp trong phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Với nhà báo Nguyễn Lựu - một người con của Hà Nội, người đã viết nhiều về phong tục, tập quán của Hà Nội, Tết là những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Tết khơi dậy niềm nhớ của người già qua không khí sum họp của gia đình. Tết là sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, giúp con người trở về cội nguồn. Không khí Tết hòa cùng làn gió xuân khiến người ta muốn yêu thương, muốn tâm sự với tất cả, gặp ai cũng muốn bắt tay, chào hỏi. Tết hiển hiện rõ nhất ở không gian đình, chùa… khi những ngày giáp Tết cờ phướn được treo lên, mọi người có mặt trong không gian ấy lắng lại, nghĩ đến người xưa, nghĩ đến tiên tổ.

“Ngày xưa, Tết Nguyên đán trước hết là dịp nhớ ơn tiên tổ, dịp sum họp, sau đấy người ta mới nghĩ đến chuyện ăn, chơi Tết như thế nào… Quá trình giao lưu hội nhập, cách ăn Tết của người Việt Nam phần nào đã thay đổi. Không khí Tết hiện nay ồn ào hơn, một số tập tục trong ngày Tết không còn phù hợp với xã hội hiện đại dần bị loại bỏ. Sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón Tết và trong việc sắm Tết. Bên cạnh đó, nếu như ngày xưa, thời khắc sum họp gia đình ngày Tết là quan trọng nhất thì bây giờ rất nhiều bạn trẻ, gia đình đi du lịch dịp Tết…”, nhà báo Nguyễn Lựu so sánh.

Lưu giữ giá trị truyền thống

Nhìn riêng về phong tục Tết của dân tộc Tày, Trưởng làng Thái Hải, Thái Nguyên, Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, người Tày quan niệm không chỉ có ba ngày Tết mà Tết kéo dài hết tháng Giêng. Trước ngày rằm, lễ Tết tập trung cho phần tâm linh, cúng bái, sau đó trở đi là Tết cho những người đang sống.

“Ngày Tết, nhà nào càng đông khách càng có phúc lớn, bánh chưng gói bao nhiêu hết bấy nhiêu là lộc lớn… Đặc biệt, người Tày dành ngày mở chợ Tết cho những đối tượng khác nhau. Ngày mở chợ tình cho các bà bầu, ngày chợ cho các em bé dưới 13 tuổi, ngày chợ cho người lao động, ngày chợ cho người góa chồng, góa vợ, ngày chợ cho người già, ngày chợ cho người đã tìm hiểu nhau nhưng không thành đôi, thành lứa… Đời sống hội nhập, bận rộn nên giờ đây các chợ Tết như thế không còn được duy trì đầy đủ nhưng ở làng Thái Hải chúng tôi đang khôi phục để nhắc nhớ con cháu về Tết cổ truyền của dân tộc”, bà Nguyễn Thị Thanh Hải nói.

Bên cạnh phong tục Tết truyền thống, theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Diều Việt Nam Lê Thị Thiết, lễ hội vui xuân không thể thiếu các trò chơi dân gian và thả diều là một trong những phong tục đặc trưng từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa dân tộc. Thời vua Lê đã có lễ hội Sáo Đền, tức lễ hội thả diều đền Song An, Thái Bình, diễn ra vào đầu xuân năm mới. Trong những ngày Tết, vua cho quân lính được thả diều để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày nay, lễ hội vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy tại Song An nhằm tưởng nhớ những vị tướng thời Lê.

Trong tâm thức của nghệ nhân Phạm Hồng Phương, không khí Tết gói trọn trong nghệ thuật chơi hoa thủy tiên - một thú vui đã trở thành nét đẹp văn hóa phản ánh sự cầu kỳ, tỉ mỉ và thanh lịch của người dân đất Hà thành mỗi dịp Tết đến xuân về. Lần đầu tiên chạm mặt hoa thủy tiên năm 1995, anh Phương đã say mê tìm hiểu nghệ thuật tao nhã này. Để hoa thủy tiên nở đúng vào thời khắc giao thừa, anh Phương cho biết: “các cụ ngày xưa có 2 kỹ thuật là lấy mạng nhện cuốn quanh bao hoa hay sử dụng lòng trắng trứng gà phết lên nụ. Nhưng 2 kỹ thuật đó đòi hỏi người chơi rất hiểu về hoa mới biết nó nở thời điểm nào để hãm, thúc. Ngày xưa khi còn đốt pháo, chỉ cần đốt hết một bánh, hoa thủy tiên sẽ nở, vì loài hoa này rất hợp với mùi khói của pháo và hương trầm. Thấy hoa là thấy Tết là vì vậy”.

Tết dường như vẫn đang được gìn giữ, dù có khác đi về cách thức chuẩn bị và tận hưởng. Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Công ty Lữ hành Hanoitourist, nếu như trước đây, người Việt đón Tết hướng nội, tất cả dành cho sum họp gia đình, thì nay người Việt còn có cách thức đón Tết khác là đi chơi. Tuy nhiên, họ cũng sắp xếp thời gian phù hợp để cùng một dịp nghỉ lễ dài, vừa sum họp gia đình thực hiện các nghi thức truyền thống, vừa được thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi.

"Có thể nói, Tết đang có sự tiếp biến với thời đại nhưng dù vậy Tết xưa vẫn là Tết nay, bởi hồn cốt dân tộc, tinh thần của Tết xưa đều đang được gìn giữ trong tâm thức mỗi người", ông Nguyễn Hồng Nguyên nói.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tet-xua---tet-nay-gin-giu-va-tiep-bien-i359329/